Cần xây dựng một nền móng chuẩn cho ngành tâm lý học đường

(VOV5)- “Phải hiểu được thực sự, phải lắng nghe các chuyên gia nước ngoài trong việc xây dựng chương trình cho thật chuẩn.”

TS. Lê Nguyên Phương, người Việt ở Hoa Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc Tế (CASP-I), là chuyên gia Tâm lý Học đường của Học khu Long Beach, California và là giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm lý Học đường tại Đại học Chapman, California.

Ông cũng đã có nhiều năm hợp tác với các trường Đại học và các ngành liên quan ở Việt Nam để đào tạo, giảng dạy về chuyên ngành này.

Là khách mời của chương trình, tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ cùng phóng viên và thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam về dịch vụ Tâm lý Học đường như là một giải pháp cho những thách thức trong học tập, tình cảm và hành vi của trẻ em Việt Nam; cũng như chia sẻ kinh nhiệm của CASP-I trong việc thiết lập chương trình đào tạo, nghề nghiệp và dịch vụ tâm lý học đường thông qua mô hình tiếp cận đa chiều và hợp tác.

 
Cần xây dựng một nền móng chuẩn cho ngành tâm lý học đường - ảnh 1
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương - Chủ tịch CASP-I

Nghe âm thanh tại đây:


Phóng viên: Nhiều năm đi về Việt Nam với mong muốn phát triển ngành tâm lý học đường phục vụ cho trẻ em Việt Nam, ông có thể chia sẻ những hoạt động chính của mình trong quá trình này?

Tiến sĩ (TS) Lê Nguyên Phương: Năm 2007 khi thấy được rằng Việt Nam có nhu cầu phát triển ngành tâm lý học đường như một ngành bao trùm cả những lĩnh vực của tham vấn học đường và công tác xã hội học đường, tôi đã về làm việc trực tiếp với Viện tâm lý học và với một số trường ĐH ở miền Trung và miền Nam để vận động xây dựng một chương trình đào tạo về ngành tâm lý học đường. Đến năm 2009 các trường ở Hoa Kỳ như Học khu Long Beach, Chapman University, ở Việt Nam như Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Sư phạm Huế, Đà Nẵng, TP HCM đã cùng nhau tổ chức 1 hội thảo tâm lý học đường quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Khách tham dự có nhiều như đại sứ Singapore, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó Michael Michalak tham dự. Cuối buổi hội thảo đó (tháng 8/2009) anh em ngồi lại và bàn với nhau tổ chức một liên hiệp những đơn vị cùng muốn làm một công việc chung. Và chúng tôi ký kết hoạt động (của CASP-I) năm 2010.

Với sự ra đời của Liên hiệp tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) mà ông là chủ tịch, những lĩnh vực hoạt động chính của liên hiệp tại Việt Nam là gì, thưa ông?

TS Lê Nguyên Phương: Nói về lĩnh vực hoạt động, trong vòng 6 năm qua, chúng tôi đã tổ chức 4 hội thảo từ Hà Nội (ở Viện khoa học xã hội), Huế (ở ĐH Sư phạm), ĐH Sư phạm TP HCM, năm vừa rồi 2014 chúng tôi tổ chức ở ĐH Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Mỗi lần hội thảo có khoảng từ 200-250 tham luận viên tham dự và đều có những cuốn kỷ yếu từ 80-100 bài. Đó là một lĩnh vực hoạt động của chúng tôi. Hội thảo là nơi tụ họp, tập trung cùng nhau để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm của ngành tâm lý học đường.

Lĩnh vực thứ hai là tổ chức những khóa tập huấn. Cho tới bây giờ tổng cộng đã có 15 khóa tập huấn về nhiều lĩnh vực khác nhau, những kỹ năng thiết yếu của ngành tâm lý học đường, những biện pháp can thiệp và phòng ngừa, cũng như là chẩn đoán vấn đề hành vi lệch chuẩn, hay khuyết tật khả năng học tập vv… Năm 2012 chúng tôi tổ chức tập hiaans 5 ngày tạo ĐH Sư phạm Hà Nội về xây dựng 1 hệ thống phòng chống và can thiệp toàn trường cho vấn đề khuyết tật khả năng học tập và khuyết tật hành vi.

Trong kỳ này tôi về tôi đã thực hiện 3 ngày tập huấn tại ĐH Sư phạm Huế, phối hợp với Sở giáo dục Thừa Thiên Huế có gần 300 người tham dự về đề tài bạo lực học đường, 1 hệ thống phòng chống và can thiệp toàn diện. Sau lần ở Hà Nội tôi vào TP HCM, và Sở Giáo dục TP HCM cũng tổ chức một khóa tập huấn 3 ngày.

Ngoài ra chúng tôi thực hiện những nghiên cứu chung. Và cái nghiên cứu mà chúng tôi hãnh diện đã hoàn tất trên 1 năm trước đây, là đã khảo sát trên 2200 em học sinh, tại nội ngoại thành Hà Nội, Huế và TP HCM về khả năng vượt khó của các em, những yếu tố có thể làm cản trở vấn đề các em học tập, ví dụ như trầm cảm, sử dụng ma túy cho tới bạo lực học đường; và cả những yếu tố bảo vệ để các em phát triển khả năng vượt khó như là ý chí, sự thân thiện trong trường học, sự quan tâm giúp đỡ của cha mẹ, bạn bè và giáo viên trong trường vv…

Qua một quá trình hợp tác khá lâu dài như thế, theo ông những điều đã đạt được và những gì còn khó khăn trong việc phát triển ngành tâm lý học đường tại Việt Nam?

TS Lê Nguyên Phương: Điều mà chúng tôi rất mừng là trong mặt bằng chung, trong xã hội dần dần đã có ý thức là đối với trẻ em chưa ngoan không nhất thiết những biện pháp trừng phạt là giải pháp tối ưu. Mà đôi khi trẻ em chưa ngoan là do những yếu tố tâm lý, yếu tố trong gia đình, thậm chí những yếu tố về chấn thương tâm lý như vấn đề bạo hành, bạo hành tình dục vv.. trong quá khứ của các em, cho nên việc tham vấn là cần thiết.Đó là về ý thức chung.

Thứ hai là tôi cũng công nhận những nỗ lực của các tổ chức NGO quốc tế trong suốt thời gian qua đã đổ rất nhiều tiền của và nhân sự để nâng cao mặt bằng chung về nhận thức cũng như các dịch vụ cho các em. Đổng thời mình cũng công nhận những nỗ lực của chính quyền, về chẳng hạn có những thông tư mong muốn xây dựng phòng tham vấn tại mỗi trường vv…Đó là những ưu điểm không thể phủ nhận.

Thà chuẩn ngay từ ban đầu

“Phải hiểu được thực sự, phải lắng nghe các chuyên gia nước ngoài trong việc xây dựng chương trình cho thật chuẩn. Vì khi đã lệch chuẩn rồi, sửa lại khó lắm. Khi các học viên ra trường không có năng lực để hoạt động tức là mình đã có một sản phẩm chưa chuẩn, lúc đó phải sửa sẽ mệt hơn. Thà chuẩn ngay từ ban đầu.” (TS Lê Nguyên Phương)

Tuy nhiên cũng có những khó khăn còn lại. Chẳng hạn như cho tới nay chưa có những chương trình, đừng nói tới tâm lý học đường, mà ngay tham vấn học đường cũng chưa có chương trình nào đào tạo chính quy. Bên Hoa Kỳ, tối thiểu nhất người chuyên viên tâm lý học đường phải có bằng thạc sĩ. Bên này chỉ với bằng cử nhân, mà giờ tham vấn rất giới hạn, cho nên nó sẽ giới hạn cả thời gian thực hành chứ chưa nói tới lĩnh vực kiến thức, thì làm sao công việc có thể chuyên môn, và ở chất lượng cao được? Nhưng một ưu điểm là các anh em khi ra trường, khi đụng vào thực tế rồi họ ý thức là tôi thiếu nhiều kỹ năng quá, ngồi trước thân chủ (ở đây là các em học sinh) họ không biết phải nói gì, có những tình huống họ không giải quyết được, thì họ lại phải đi tìm học. Những khóa tập huấn do tổ chức CASP – I của chúng tôi tổ chức cũng như những chương trình của các tổ chưc IMGO ở Việt Nam đã hỗ trợ và nâng cao cho họ.

Cho nên tôi rất mong muốn một ngày nào đó Bộ giáo dục có thể vận động được để xây dựng một cái mã ngành đào taọ chính quy, và chương trình cần phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, phù hợp với nhu cầu Việt Nam nhưng đồng thời phải bảo đảm tiêu chuẩn của quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

Cần một mã nghề cho ngành Tâm lý học đường

“Đào tạo xong rồi các em đi làm ở đâu? Không phải ai cũng có khả năng để tổ chức một phòng tham vấn riêng, một phòng can thiệp tâm lý riêng. Với trình độ thạc sĩ chưa chắc đã làm được chuyện đó. Như vậy các em cần làm ở trong trường học. Cần đầu ra, ĐÓ LÀ MÃ NGHỀ. Và như vậy rất cần sự phối hợp chung giữa các bộ ngành để có mã ngành, mã nghề cho ngành này.

Cần thiết nhất, không chỉ người dân mà các cấp chính quyền có liên quan đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, hiểu được từng ngành tâm lý học đường, tham vấn học đường, công tác xã hội học đường là như thế nào. Ngành tham vấn học đường ở Việt Nam cũng bị pha trộn rất nhiều rồi. Ngành công tác xã hội học đường lại chỉ đi tham vấn mà thôi! Đào tạo không chuẩn, đi ra làm việc cũng không chuẩn. Nó là nhu cầu, chúng tôi cũng tôn trọng nhu cầu đó, nhưng giá làm cho chuẩn thì học sinh và gia đình của các em đạt được lợi ích tối đa.” (TS Lê Nguyên Phương)


Tin liên quan

Phản hồi

nguyễn thị hương

Em là sinh viên năm 3, được đào tạo theo chương trình cử nhân ngành tâm lí học trường học nhưng... Xem thêm

Các tin/bài khác