(VOV5) - Cao Bằng có 3 tuyến tuyến du lịch chính trong vùng công viên địa chất phía Đông, Bắc và Tây.
Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Đông Bắc có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, còn giữ được nét hoang sơ. Đây cũng là vùng đất lịch sử giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng. Với tiềm năng đó, tỉnh Cao Bằng xác định lấy du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Nhân kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh (1499-2019) Cao Bằng sẽ tổ chức “Tuần lễ văn hóa thể thao và du lịch nhằm quảng bá hơn nữa vẻ đẹp và giá trị tiềm ẩn của vùng Non nước Cao Bằng tới du khách trong và ngoài nước. Phóng viên Đài TVNN phỏng vấn ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng về lễ hội sắp tới cũng như triển vọng phát triển du lịch địa phương.
Cảnh sắc Cao Bằng - Ảnh Hà Linh |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Đầu tháng 10 tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức Lễ hội quy mô về du lịch, văn hóa, thể thao, sự kiện nằm trong chuỗi kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh. Xin ông cho biết một số chương trình nổi bật?
Ông Sầm Việt An: Nhân kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, chúng tôi tổ chức chuỗi các hoạt động trong đó trọng tâm là lễ kỷ niệm thành lập và 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với điểm nhấn là lễ phát động “Làm theo lời bác-Chung tay xây dựng Cao Bằng”.
Bên cạnh đó, trong tuần văn hóa, thể thao du lịch còn có phong phú các hoạt động như liên hoan hát Then, đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ 2, triển lãm về du lịch, về công viên Địa chất Cao Bằng, các hoạt động thi đấu thế thao, tổ chức Hội chợ ẩm thực, giới thiệu đặc sản và lưu niệm của Cao Bằng. Một hoạt động nổi bật nữa là Lễ hội Thác Bản Giốc lần thứ 3 với điểm nhấn là Lễ hội ánh sáng, biểu diễn nghệ thuật ánh sáng, và thực cảnh tại khu vực chân thác Bản Giốc. Ngoài ra, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức cuộc thi Người đẹp du lịch Non nước Cao Bằng..tất cả nhằm làm sao quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh Cao Bằng đến với bạn bè trong nước và thế giới. Nhân dịp này, Cao Bằng cũng sẽ khai trương tuyến phố đi bộ để phục vụ cho du khách khi đến đây.
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng trong một cuộc họp. |
PV: Từ khi Công viên địa chất Non nước Cao Bằng năm 2018 được UNESCO công nhân là Công viên địa chất toàn cầu thì Cao Bằng có chiến lược như thế nào để thúc đẩy ngành du lịch, thưa ông?
Ông Sầm Việt An: Kể từ khi tỉnh Cao Bằng và ngành du lịch Cao Bằng có được danh hiệu đó, chúng tôi đã có nhiều giải pháp để phát triển du lịch Công viên địa chất, xây dựng 3 tuyến du lịch chính trong vùng. Năm 2018 so với trước đây, lượng du khách lên Cao Bằng tăng trưởng khá cao gần 30%. Riêng khách quốc tế, Cao Bằng đón trên hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, tăng trưởng hơn 80%. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng tiếp tục triển khai những đề án để phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với việc bảo tồn di sản thiên nhiên và bản sắc văn hóa để mà thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Cao Bằng, tham quan trải nghiệm ở Công viên địa chất.
Cũng xin nói thêm là trong tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO có nêu rõ thứ nhất là phải bảo tồn các giá trị di sản địa chất, thứ 2 về giá trị văn hóa và bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học. Những nội dung này được tỉnh Cao Bằng quan tâm chỉ đạo các địa phương trong vùng Công viên địa chất, quán triệt tinh thần để vừa phát triển du lịch, thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là quan tâm của Công viên địa chất Non Non nước Cao Bằng là chỉ đạo, hướng dẫn bà con dân tộc trong vùng cải thiện sinh kế làm sao đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, thiên nhiên, bảo vệ môi trường theo tiêu chí du lịch bền vững.
Thác Bản Giốc, kỳ quan thiên nhiên của Cao Bằng- con thác lớn thứ 4 thế giới nằm sát biên giới giữa các quốc gia- Ảnh Hà Linh |
PV: Xin ông cho biết một vài loại hình du lịch cho du khách khi đến trải nghiệm tại Cao Bằng:
Ông Sầm Việt An :Chúng tôi có 3 tuyến tuyến du lịch chính trong vùng công viên địa chất phía Đông, Bắc và Tây. Về hỗ trợ người dân, chúng tôi hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng như mô hình Homestay ở làng đá cổ Khuổi Kỵ, du lịch sinh thái Kolia, tham quan các di tích lịch sử cách mạng như Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Pác Pó, các động hang đá... Chúng tôi lựa chọn những nhà hàng chất lượng, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống tên tuổi…làm đối tác của Công viên địa chất từ đó hướng dẫn du khách trải nghiệm chế biến sản phẩm cũng như các đặc sản vùng non nước này. Cao Bằng cũng có những cung đường men sườn núi rất đẹp dành cho những người yêu thích trải nghiệm du lịch phượt bằng xe máy.
Các cô gái Tày xinh đẹp ở sông Nặm Trá - Ảnh Hà Linh |
PV: Những hoạt động xúc tiến du lịch mà Cao Bằng đang thực hiện để quảng bá du lịch Cao Bằng trong nước và ra thế giới thưa ông?
Ông Sầm Việt An: Để xúc tiến quảng bá du lịch, tỉnh Cao Bằng triển khai nhiều giải pháp nhất là tuyên truyền trên báo chí, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Cùng với đó, chúng tôi đã kết nối và phối hợp với mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu để tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế, hội nghị, hội thảo, triển lãm. Qua đó, chúng tôi trình chiếu các bộ phim, ấn phẩm và những đặc sản và hình ảnh của Cao Bằng nói chung và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói riêng đến với bạn bè thế giới. Tới đây, chúng tôi tiếp tục ký kết hợp tác với các công viên địa chất ở khu vực Đông Nam Á cũng như của thế giới, để làm sao có những hợp tác, triển khai hiệu quả hơn việc quảng bá giá trị cũng như hình ảnh của 2 công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam .
PV: Xin cảm ơn và Chúc tuần lễ văn hóa du lịch tới đây của Cao Bằng thành công.