(VOV5) - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang góp phần tạo dựng nên uy tín, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên toàn thế giới.
Với những người Việt sống ở nước ngoài, những lần được trở về thăm quê hương vào các dịp lễ đặc biệt luôn ý nghĩa và. Bởi, bôn ba mưu sinh xa xứ bao năm, trong trái tim mình kiều bào luôn nhớ về nguồn cội của mình. Cùng với đoàn kiều bào gần 100 người trở về Việt Nam lần này, nhà báo, cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng, người Việt đang sinh sống tại CH LB Đức vô cùng xúc động khi được tham gia chuyến hành hương bái tổ về với Đền Hùng (Phú Thọ), lại đúng dịp cả nước kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong không khí đó, những người con Việt xa xứ bao năm như nhà báo Nguyễn Huy Thắng càng trân trọng, biết ơn công đức tổ tiên. Và, vui hơn khi thấy quê hương đất Tổ cội nguồn đang đổi mới và ngày càng phát triển. Chuyên mục Khách mời hôm nay, ông Nguyễn Huy Thắng chia sẻ cảm nhận của mình về chuyến hành trình về với đất Tổ cũng như cảm xúc về ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/04/1975.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhà báo Huy Thắng (phải) và kiều bào Thái Lan đến thăm đền Lăng Sương ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) |
PV: Rất vui được gặp lại nhà báo Nguyễn Huy Thắng. Cùng với đoàn kiều bào hơn 70 người từ 23 quốc gia đến thăm Đền Hùng đúng dịp Lễ giỗ tổ 10/03, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?
Nhà báo Nguyễn Huy Thắng: Trong lần trở về Việt Nam đặc biệt lần này Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã mời bà con kiều bào thăm di tích lịch sử Đền Hùng, dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Chúng tôi xa quê đã lâu, cá nhân tôi hơn 30 năm ở nước ngoài, lần nào về cũng là cảm xúc xốn xang. Và hạnh phúc hơn khi được hành hương về với cội nguồn, được thăm các công trình văn hóa, lịch sử ở Đền Hùng, được nghe những câu chuyện, được về với nguồn cội tổ tiên vào đúng dịp Giỗ Tổ 10/03, chúng tôi càng xúc động và phấn khởi vô cùng.
Các kiều bào chụp ảnh tại Đền Hùng. Ảnh Hà Linh |
Với cá nhân, tôi có nhiều lần trở về, 35 sống ở nước ngoài thì có 41 lần về và những lần ấy đều về với quê hương đất tổ. Mỗi lần ấy đều nhắc nhớ, gợi lại trong tôi những ký niệm sâu sắc. Đặc biệt, tôi là thuộc lớp người Việt đầu tiên đến nước Đức và là người từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Tây Nam và phía Bắc. Cho nên, khi được về quê hương lại càng xúc động vì điều đó luôn gợi nhớ những kỷ niệm gắn với đời mình. Lần trở về này đặc biệt trùng với ngày miền Nam thống nhất đất nước. Điều này càng thôi thúc những người con xa quê như chúng tôi muốn được làm điều gì đó đóng góp cho quê hương và mang ý nghĩa với cộng đồng người Việt ở sở tại. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con kiều bào, tổ chức các chương trình ý nghĩa chào đón những người con xa quê hàng năm như Xuân quê hương, thăm Trường Sa, hành hương về thăm đền Hùng…. Chúng tôi xúc động và cảm thấy biết ơn.
Đoàn kiều bào gồm hơn 70 người từ 23 quốc gia có chuyến hành hương về Đền Hùng đúng dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. |
PV: Vâng, hành trình về nguồn của Ủy ban NNVNVNONN, Bộ Ngoại giao tổ chức là một chương trình ý nghĩa, giúp kiều bào hiểu thêm về giá trị cội nguồn, biết ơn tổ tiên và công lao dựng xây đất nước từ thời các vua Hùng đến thế hệ cha ông thời kỳ cách mạng. Có giai đoạn tham gia cuộc chiến chống Mỹ, biết thế nào sự khốc liệt của chiến tranh. Và rồi may mắn được trở về...chứng kiến đất nước trải qua bao thăng trầm, ông và đồng đội của mình quý trọng hơn ai hết giá trị của 2 chữ hòa bình?
Nhà báo Nguyễn Huy Thắng: Tôi từng là chiến sĩ của Đại đội 2, tiểu đoàn 107, một tiểu đoàn nhỏ, một đơn vị anh hùng chiến đấu kiên cường suốt 7 năm ở chiến trường miền Nam, quần nhau với sư đoàn không vận số 1 của Mỹ. Tiểu đoàn đã bắn rơi hơn 100 máy bay và pháo các loại…góp phần giải phóng miền Nam năm 1975. Bản thân tôi là thương binh 2/4 và tôi cũng là nạn nhân chất độc da cam. Ai đã từng cầm súng thì hiểu rằng tháng 4 năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã ôm nhau khóc “Sống rồi, hòa bình rồi, được về quê rồi! Bởi vì, chúng tôi đã hi sinh những năm tháng tuổi trẻ của mình để chiến đấu, hi sinh cho hòa bình, cho độc lập dân tộc. Biết bao đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống tại chiến trường. Trong 41 lần tôi trở về quê hương thì có 38 lần, chúng tôi trở lại chiến trường miền Nam để đi tìm đồng đội và tri ân bà con, đồng bào ở những vùng chúng tôi đã tham gia chiến đấu. Vì thế hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ giá trị của Hòa bình và trong tình hình thế giới như hiện nay, chúng tôi cầu mong 2 nước Nga và Ucraina sớm ngồi lại với nhau đàm phán hòa bình, ngưng tiếng súng đạn càng sớm càng tốt.
Kiều bào sôi nổi, hào hứng tham gia văn nghệ với bà con làng cổ Hùng Lô, hát múa cùng điệu Xoan. Ảnh Cảnh Tiêu |
PV: Được biết thời đó, ông cũng từng là một phóng viên chiến trường. Và giờ ở tuổi tuổi 70 nhà báo Nguyễn Huy Thắng vẫn đam mê với nghề viết, làm tin về cộng đồng người Việt, thông tin về quê hương Việt Nam. Và ông cũng thường xuyên viết bài tuyên truyền, sáng tác thơ nhạc về chủ quyền biển đảo Việt Nam?
Nhà báo Nguyễn Huy Thắng: Vâng, khi kết thúc chiến tranh năm 1975 tôi được đi học thêm về báo chí và làm phóng viên chiến trường. Thông tin mà chúng tin đưa về là cuộc chiến năm 1979 và đi theo suốt thời kỳ đó. Dịp này, chúng tôi, cũng đưa những cựu chiến binh cùng với các anh em thế hệ chúng tôi đi thăm biên giới phía Bắc. Qua đây, chúng tôi muốn nhắc nhớ đến thế hệ mai sau về lịch sử hào hùng của dân tộc và đừng bao giờ quên quê hương Việt Nam.
Chúng tôi cũng biết rằng, thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiểu về Việt Nam cũng như hướng về quê hương còn đang bị hạn chế hơn. Nhưng tôi tin rằng, thế hệ sau ở nước ngoài đang có nhiều điều kiện để tiếp cận qua hệ thống thống tin, truyền thông, qua internet...biết về truyền thống cha ông, lịch sử dân tộc và họ sẽ noi gương thế hệ cha anh.
Chương trình có chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng - Lần thứ 10, kiều bào về Trường Sa”. Ảnh: Nguyễn Hồng.baoquocte.vn |
Chúng tôi từng tổ chức các cuộc biểu tình về bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa thì thấy có rất nhiều các bạn trẻ tham gia và chúng tôi cảm nhận các em, các cháu cũng rất trân trọng quê hương Việt Nam. Năm 2014, tôi có may mắn được đi thăm Trường Sa và trong chuyến đi đấy, tôi đã sáng tác ca khúc Hoàng Sa, Trường Sa ơi chúng con đã về đây. Ca khúc ấy như muốn nói hộ tình cảm, tâm khảm của bà con kiều bào khi được đến với Trường Sa. Và cũng muốn khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Kiều bào nguyện sẵn sàng cùng với quân và dân ở trong nước để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Chúng tôi muốn khẳng định điều đó và muốn nói rằng, chúng ta muốn giữ đảo phải bằng sự đoàn kết của hàng triệu triệu dòng máu Lạc Hồng, chứ không phải dùng đến gươm đao súng đạn hay thứ gì khác. Sức mạnh của tinh thần dân tộc ấy sẽ là thành lũy để bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Hành trình đến với Trường Sa của đoàn kiều bào.
Ảnh Nguyễn Hồng/baoquocte.vn |
PV: Vâng, thật xúc động!. Được biết ông cũng là người con của quê hương đất Tổ Phú Thọ, mỗi lần về chứng kiến nhiều đổi thay tích cực. Vâng, những tình cảm nồng ấm nơi quê nhà hẳn luôn là hành trang mà những người xa quê như ông luôn mang theo, để dù ở nơi nào cũng luôn nhớ về cội nguồn, quê hương Việt Nam?
Nhà báo Nguyễn Huy Thắng: Vĩnh Phúc là quê ngoại của tôi, huyện Thanh Thủy là nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên. Trước đây, mỗi lần về tôi chỉ thấy những cánh đồng ngô lúa, nương sắn…một sự manh mún. Nhưng gần đây, tôi thấy một sự vươn lên chuyển mình mạnh mẽ ở quê hương Thanh Thủy, trở thành một trung tâm du lịch. Tôi thấy ngỡ ngàng và tôi tin vào đội ngũ lãnh đạo hiện nay ở đây bởi họ là những trẻ khỏe, có trí tuệ và có khát vọng xây dựng quê hương. Tôi cũng từng sáng tác ca khúc Ta tự hào là người Việt Nam. Chúng tôi ở nước ngoài cũng tự hào về nguồn gốc của mình. Người Việt Nam rất giàu truyền thống yêu nước và yêu chuộng hòa bình. Việt Nam hiện nay là điểm đến yêu thích của quốc tế. Người Việt Nam có tính cách cần cù, chịu thương chịu khó, sống có trách nhiệm với gia đình tổ tiên.
Kiều bào trồng cây lưu niệm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Ảnh Hà Linh |
Các cháu thế hệ trẻ gốc Việt cũng rất thông minh và học giỏi. Tôi tin đó là nguyên khí của quốc gia đang ở nước ngoài và chừng nào đó họ sẽ về giúp đỡ cho quê hương. Và thế hệ chúng tôi cũng tự hào rằng, đi ra từ hai bàn tay trắng và giờ đây nhiều người trở thành những triệu phú, tỷ phú, những người thành đạt và đầu tư trở lại Việt Nam. Đấy chính là nguồn gốc, là dòng máu Lạc Hồng của người Việt Nam, dù ở nơi đâu cũng mang truyền thống yêu nước, kiên cường, chịu thương chịu khó.. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang góp phần tạo dựng nên uy tín, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên toàn thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Nguyễn Huy Thắng về cuộc trò chuyện và chương trình xin được chúc ông sức khỏe và hạnh phúc.