(VOV5) - Áo là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, trước khi bước vào thị trường Áo, cần nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm về pháp lý về mẫu mã.
Năm 1972, khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiện tại Áo nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 gần 3,5 tỷ USD. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Phóng viên Thúy Hằng phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên, về chặng đường của mối quan hệ song phương và hướng tới triển vọng cho tương lai:
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Năm 1972 khi chiến tranh ở Việt Nam chưa kết thúc,CH Áo đã là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong 50 năm qua, theo ông, mối quan hệ hai nước đã có những dấu ấn đặc biệt gì?
Sau khi thiết lập quan hệ giao chính thức năm 1972 thì có một số các dấu mốc rất quan trọng. Ví dụ như Chủ tịch nước Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam thăm Áo. Về phía Áo thì cũng có tổng thống thăm VN. Cũng có các hoạt động trao đổi đoàn nhân những dịp kỷ niệm lớn như là kỷ niệm 45 năm quan hệ. Đến thời điểm hiện nay thì quan hệ giữa hai nước đã mở rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội chính trị. Về mặt thương mại, hiện nay, kim ngạch thương mại hai nước đang ở mức là trên 3 tỷ USD một năm.
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên.
|
Như vậy, Áo trở thành một trong số các đối tác thương mại lớn châu Âu tại Việt Nam. Về văn hóa, hằng năm Áo vẫn dành cho Việt Nam học bổng để các sinh viên Việt Nam sang học các ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ và đặc biệt là học viện âm nhạc. Các bạn biết là nước Áo là cái nôi của âm nhạc cổ điển thế giới và hàng năm vẫn dành cho Việt Nam những suất học bổng cho nghệ sĩ, những người nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam sang trao đổi. Ngoài ra, rất nhiều các nhà khoa học Việt Nam đã được đào tạo tại Áo và có thể kể đến các nhà khoa học lớn hiện nay đang công tác trường Đại học nông nghiệp, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Tự nhiên Việt Nam đều có người được đào tạo tại Áo.
PV: Như ông vừa chia sẻ thì hiện tại Áo là một trong những bạn hàng thương mại lớn của VN tại EU. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam và EU, bao gồm cả Áo có thêm điều kiện thuận lợi bổ sung danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu sang thị trường của nhau. Tuy nhiên với dân số khoảng 9 triệu người, Áo vẫn được coi là một thị trường khó tính với nhiều những quy định ngặt nghèo về chất lượng và vệ sinh an toàn. Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam, để họ có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường Áo?
ÁO là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, trước khi bước vào thị trường Áo, cần nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm về pháp lý về mẫu mã. Thứ hai nữa là phải nghiên cứu khá kỹ về cái thói quen tiêu dùng của thị trường. Thứ ba nữa là cũng nên cố gắng giữ được chất lượng ổn định, bền vững, tránh tình trạng không duy trì được chất lượng hoặc không duy trì được cam kết giao hàng.
Từ năm 1993 đến năm 1997 ông Nguyễn Trung Kiên đã công tác tại Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại. Từ năm 1997 đến 2019 ông làm việc tại Bộ Ngoại giao và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư thứ Hai, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Quyền Vụ trưởng Vụ Trung Đông và Châu Phi. Từ tháng 5 năm 2021, ông đảm nhận vai trò Đại sứ Việt Nam tại Cộng Hòa Áo.
Hiện nay các hàng hóa xuất khẩu vào Áo của Việt Nam tập trung vào máy móc điện tử, điện thoại di động và chiếm khá lớn còn một mặt hàng khác, Việt Nam đang có tiềm năng đấy là nông sản. Tuy nhiên, thị phần còn khá khiêm tốn. Do về mặt hầu cần hàng hóa Việt Nam chưa đến thẳng trực tiếp Viên vì chưa có đường bay thẳng, nếu đi đường biển thì phải qua các cảng Hà Lan và Đức sau đó vận chuyển đường bộ vào Áo, cho nên thời gian giao hàng bị chậm,chi phí cao cho nên chưa dễ dàng. Tuy nhiên chúng tôi đã làm việc với Slovenia, nước láng giềng của Áo, nơi có cảng biển với công suất có thể so sánh với các cảng ở Rotterdam ở Hà Lan hoặc ở Đức, để vận chuyển hàng hóa nhanh hơn và có thể giảm chi phí cho doanh nghiệp.
PV: Hiện nay có gần 30 thỏa thuận hợp tác giữa các trường Đại học Áo và các trường đại học Việt Nam. Ngoài việc hợp tác trong đào tạo Đại học thì hợp tác đào tạo nghề cũng là một lĩnh vực rất đáng quan tâm giữa Việt Nam và Áo. Ông có nhận xét gì về hợp tác trong lĩnh vực này?
Đúng là đào tạo nghề là một nhu cầu rất lớn từ phía Việt Nam và đồng thời từ Áo. Chúng ta thường tự hào rằng chúng ta có một lực lượng lao động rất lớn, chăm chỉ và thậm chí chúng ta nói là lành nghề. Tôi xin khẳng định lực lượng của chúng ta lớn nhưng mà chưa lành nghề, tính kỷ luật chưa cao, ngoại ngữ chưa vững và nhanh chóng già đi.
Trong khi đó để mà tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, giải quyết lực lượng lao động chúng ta phải thúc đẩy đào tạo nghề. Trong bối cảnh Việt Nam hòa nhập kinh tế thế giới một cách quá nhanh thì đào tạo với yếu tố nước ngoài đòi hỏi rất là thiết yếu, không những là để xuất khẩu động mà để phục vụ cho chính sản xuất trong nước. Đồng thời, Áo cũng rất cần lao động, đặc biệt là trong khối dịch vụ như nhà hàng,khách sạn, khu vực chăm sóc, nghỉ dưỡng cả khu vực trong khu vực kỹ sư IT.
Chúng tôi đã làm khảo sát ít nhất ở ba bang tại Áo, bang Hạ Áo, bang Stiria và bang thượng Áo đều có nhu cầu về kỹ sư IT. Áo là một trong những trung tâm du lịch. Vậy thì họ rất cần người phục vụ cho khách sạn. Một khi dân số già đi thì họ rất cần người làm điều dưỡng viên nhưng tất cả những người đấy đều đòi hỏi phải chuyên môn chuẩn mực, đồng thời phải có ngoại ngữ, thì đây chính là một trong những chủ đề Việt Nam đang rất quan tâm.
PV: Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện.