(VOV5) - "Bà con thì vui lắm vì khi tôi mới đến đây đa phần bà con sống trong các khu nhà đất, nhà tạm, còn bây giờ thì đã xây dựng kiên cố rồi".
Đến xã Cao Sơn, huyện Mường Khương những ngày này, quý vị sẽ thực sự ngỡ ngàng khi bắt gặp sắc hồng của những cánh hoa anh đào của mùa xuân còn sót lại ẩn hiện trong màn sương khói nơi vùng cao của tỉnh Lào Cai. Đó là “khu vườn” của Công ty TNHH một thành viên Mường Hoa mà chị Hà Thị Tuyến là Giám đốc. Ban đầu, chỉ với mong muốn trồng xen loài hoa rực rỡ này giữa những luống chè ô long xanh mướt, nhưng đến giờ, vườn anh đào của chị đã trở thành một điểm đến có tiếng, thu hút du khách gần xa đến với Cao Sơn.
Hoa anh đào rực rỡ bên những đồi chè ô long ở vùng núi Cao Sơn |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Chúng tôi đến khu vườn hoa anh đào của chị Hà Thị Tuyến vào một ngày cuối xuân, khi mây mù vẫn giăng trên khắp lối đường vào xã Cao Sơn, huyện Mường Khương. Thế nhưng thời tiết này vẫn không ngăn được bước chân của các du khách tới tham quan vườn hoa rực rỡ của bà chủ hiếu khách.
Chị Hà Thị Tuyến (bên phải) và khách đến mua cây hoa anh đào |
PV: Thưa chị Hà Thị Tuyến, nhiều người vẫn gọi chị là “người hùng giải cứu nông dân” khi chị là người đầu tiên mang cây trà Ô long về trồng trên vùng đất Cao Sơn, trước cả khi trồng hoa anh đào!
Chị Hà Thị Tuyến: Tôi đã từng làm việc mấy năm ở Đài Loan, Trung Quốc. Tôi thấy trà Ô long của họ nổi tiếng quá nên đã kết hợp với một người Đài Loan – sau này là chồng của tôi, để lập dự án và trình lên UBND tỉnh Lào Cai. Ngày đó ở đây chưa ai biết đến trà Ô long, và tôi là người đầu tiên đưa cây trà Ô long vào tỉnh Lào Cai. Tôi cũng đã mời các cơ quan liên quan sang Đài Loan vừa tham quan vừa học hỏi mô hình trồng trà Ô long. Sau chuyến đi đó, tỉnh thấy việc trồng trà Ô long là khả thi, sẽ hiệu quả hơn các loại cây khác và quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô, cây lúa sang cây trà Ô long. Cây trà nào cũng vậy, chỉ cần trồng 1 lần là có thể thu hoạch mãi về sau. Tôi đã lập dự án, giải trình cụ thể doanh thu của cây trà, gấp 3-4 lần cây ngô và cây lúa.
Chị Hà Thị Tuyến và những du khách đến với Cao Sơn |
PV: Việc trồng trà như thế nào chị?!
Chị Hà Thị Tuyến: Lúc đầu rất khó khăn, dân chưa hiểu được vì họ chỉ quen với cây thuần nông như lúa và ngô. Có hôm đi họp đến 12 giờ đêm, trời cuối năm mù mịt, có khi suýt lao xuống vực. Năm đầu tiên 2011 chỉ trồng được nửa hecta, năm thứ hai cũng chỉ 1-2 hécta. Nếu không tâm huyết, không cố gắng thì cũng bỏ rồi đấy. Tôi cũng phải cố gắng nhiều và luôn độngv iên người dân. Đến 2014, UBND tỉnh duyệt quy hoạch đến 2025 phải trồng hết 100 hécta, thì bây giờ đã vượt chỉ tiêu rồi, đã trồng được hơn 287 hécta. Hiện tại đầu ra của doanh nghiệp cũng tạm ổn, không đủ chè để bán. Các đại lý ở Hà Nội gom hết trà Ô long của Mường Khương rồi.
Các bạn trẻ đến với vườn hoa anh đào ở Cao Sơn |
PV: Sau này, thế nào mà chị lại mang cây hoa anh đào về trồng ở đây vậy?
Chị Hà Thị Tuyến: Chồng tôi là người Đài Loan, và ông ấy rất thích cây hoa anh đào. Trong một chuyến đi Nhật, chồng tôi lấy bằng được mấy cây giống, rũ hết đất để mang về nhưng khi trồng thì chỉ sống được 1 cây. Sau đó mỗi năm về Đài Loan chồng tôi lại lấy một ít cây giống sang. Từ mấy chục cây trong vườn gốc, chúng tôi cứ nhân giống nhiều lên. Có những gốc giống đã khoảng 100cm rồi. Lúc đầu ý tưởng là trồng xen vào đồi chè ô long của mình cho đẹp, như những đồi chè mà chúng tôi đã đi thăm. Thế nhưng khi đã nhân được nhiều giống thì mình chia sẻ cho mọi người, để tạo nên vùng Cao Sơn đầy hoa anh đào như thế này. Chúng tôi đã bán đi rất nhiều nơi, trong đó có Yên Bái đã trồng thành vùng, và nhiều nhất là đưa về Sapa. Hy vọng Lào Cai sẽ trở thành vùng trồng cây chủ lực là cây trà và cây anh đào.
PV: Như vậy thì gia đình mình là người đầu tiên mang hoa anh đào về đây?
Chị Hà Thị Tuyến: Có thể trước đó trên Sapa đã có rồi, nhưng là do Nhật tặng. Nhưng để nói là người đầu tiên nhân giống thì là nhà tôi, chính thức từ năm 2007, khi đó chúng tôi trồng ở xã Tả Van, huyện Sapa – nơi chúng tôi đặt trụ sở văn phòng chính ở đó. Chúng tôi nhân giống ở đó, rồi đến 2012 mới thuê đất ở Cao Sơn nhân rộng ra. Có cây gốc chúng tôi đã bán được 55 triệu đồng/cây.
Ai cũng muốn ghi lại khoảnh khắc đẹp của mùa xuân |
PV: Quả thực vườn hoa anh đào của Cty Mường Khương đã nổi tiếng lắm, thu hút rất nhiều khách đến đây. Và chị vẫn để cho mọi người tham quan miễn phí!
Chị Hà Thị Tuyến: Vì để có vườn cây hoa anh đào là tâm huyết nhiều năm của chúng tôi. Tất nhiên về kinh tế thì ai cũng phải tính đến nhưng tôi muốn lan tỏa vì cây hoa anh đào không những Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc có mà Việt Nam mình cũng có nữa. Cũng rất vui vì UBND tỉnh cũng ủng hộ, giúp quảng bá nên mọi người từ nhiều nơi biết và tìm đến. Huyện Cao Sơn cũng muốn mình tổ chức miễn phí để lan tỏa cho nhiều người biết đến khu vườn hoa anh đào này. Thời gian tới, có thể chúng tôi sẽ có thêm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, nhưng với mức giá rất phải chăng vì đó là tâm nguyện của các cấp lãnh đạo huyện, xã cũng như của doanh nghiệp chúng tôi.
PV: Vậy nguồn thu nhập chính của công ty hiện nay là gì?
Chị Hà Thị Tuyến: Nguồn thu nhập chính của chúng tôi là trà Ô long. Năm 2014 chúng tôi bắt đầu mua đất dựng nhà xưởng, và 2018 dựng xưởng lên. Cây trà Ô long giờ đã trở thành cây chủ lực của xã Cao Sơn và xã La Pán Tẩn, và giờ cũng lan dần sang các xã khác. Bà con thì vui lắm vì khi tôi mới đến đây đa phần bà con sống trong các khu nhà đất, nhà tạm, còn bây giờ thì đã xây dựng kiên cố rồi. Ở đây 100% hộ dân đã chuyển sang trồng trà. Có hộ dân mỗi năm thu hàng trăm triệu từ trà Ô long. Đợt tới có thể là Lùng Khấu Nhin và La Pán Tẩn cũng sẽ làm du lịch hoa anh đào. Khi ấy mấy xã vùng cao của Mường Khương sẽ phủ kín hoa anh đào luôn.
PV: Vâng, xin cảm ơn chị Hà Thị Tuyến, Giám đốc cty TNHH một thành viên Mường Hoa. Và hy vọng mùa xuân năm sau khi đến với Mường Khương sẽ là một vùng núi non tuyệt đẹp với bạt ngàn sắc thắm hoa anh đào, xen giữa màu xanh trải dài của những cây trà Ô long – những loại cây sẽ làm đẹp, làm giàu cho vùng đất này.