(VOV5) - Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Ban Quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2017. Thời gian qua, Ban quản lý đã cùng các cơ quan chức năng khác triển khai các chương trình công tác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như bảo vệ môi trường sinh thái của vùng biển Lý Sơn. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý về nội dung này.
Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, Lý Sơn là một huyện đảo giàu tiềm năng biển. Ông có thể giới thiệu đôi nét về những tiềm năng này?
Ông Huỳnh Ngọc Dũng: Vùng biển Lý Sơn được đánh gái là đa dạng sinh học, có những hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển và các loài thủy sinh sống trong môi trường biển. Theo nghiên cứu, vùng biển Lý Sơn có 162 loài thực vật phù du, đặc biệt là có các ngành tảo. Động vật đáy ở vùng biển Lý Sơn có 70 loài thân mềm, thuộc 3 lớp và 8 bộ. Bên cạnh đó là sự đa dạng về rong biển với 137 loài thuộc 40 họ và 24 bộ. San hô có 157 loài, thuộc 18 họ gồm san hồ sừng, san hô bẹ lá và san hô khối rất nhiều.
PV: Những tài nguyên tự nhiên dưới lòng biển Lý Sơn rất phong phú. Từ khi thành lập Ban quản lý khu bảo tồn biển cho đến nay thì công tác bảo tồn biển đã được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Huỳnh Ngọc Dũng: Lý Sơn là vùng đất đảo, nơi mà cuộc sống ngư dân phần lớn là tham gia vào việc khai thác tài nguyên biển. Trong những năm qua, việc khai thác đã khiến cho vùng tài nguyên hải sản ven bờ bị cạn kiệt. Do người dân có dùng công cụ khai thác tận diệt nên tốc độ sinh trưởng, phát triển của các loài thủy sản không đáp ứng được. Sau khi đã được cảnh báo, người dân đã nâng cao được nhận thức trong quá trình khai thác thủy sản một cách bền vững, khai thác có chọn lọc và theo quy định của Nhà nước.
Cảnh đẹp Lý Sơn
|
Song song với việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng, các cơ quan chức năng cùng nhau phối hợp để tuần tra thực tế trên biển, nhằm kiểm soát những hành vi xâm phạm đến khu bảo tồn đã được thiết lập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến môi trường rác thải. Thói quen của người dân vùng đảo là thường vứt rác ở bờ biển, chính vì vậy từ năm 2015, sau khi hệ thống xử lý rác thải được xây dựng trên đảo Lý Sơn đã hạn chế được nhiều việc vứt rác bừa bãi như trước.
PV: Quả thực vấn đề rác thải là vấn đề nhiều địa phương khác đang gặp phải, đặc biệt là các khu du lịch và đang phát triển du lịch như Lý Sơn. Ông có thể cho biết những chương trình cụ thể mà Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn đã phối hợp với các cơ quan khác làm trong thời gian gần đây?
Ông Huỳnh Ngọc Dũng: Trong 3 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tổ chức nhiều hoạt động, đồng thời phối hợp với các tổ chức xã hội khác trong các chương trình giám sát rác thải nhựa, vận động các tình nguyện viên thu gom rác thải trên bờ biển, tổ chức các lớp tập huấn cho học sinh, thanh niên, tuyên truyền trong các tua tuyến du lịch. Chúng tôi cũng tiến hành tìm và phân tích nguồn gốc xuất hiện rác thải nhựa trên biển. Việc khảo sát được tiến hành định kỳ 4 lần trong một năm, vào những thời gian cụ thể, khi mà hướng gió, hướng sóng khác nhau để tìm ra nguồn gốc xả thải từ đâu để có phương án hạn chế tốt nhất.
PV: Vâng xin cảm ơn ông.