Tối ngày 12/08, tại Quân cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng), UBND tỉnh Khánh Hòa đồng phối hợp tổ chức chương trình Chính luận Nghệ thuật với chủ đề: “Mạnh giàu từ biển quê hương”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đồng Trưởng Ban tổ chức chương trình cho rằng, đây là một chương trình có ý nghĩa góp phần khơi dậy được lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài hướng về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
PV: Thưa ông, Chương trình chính luận, nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” có ý nghĩa như thế nào đối với Khánh Hòa?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Chúng tôi xác định, đây là một chương trình chính luận nghệ thuật rất có ý nghĩa trong điều kiện là tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thực hiện nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, xác định xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành một trung tâm kinh tế xã hội trên biển của cả nước.
Đây là một chương trình mà khơi dậy được lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài hướng về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Người dân trong nước cũng xác định là sẽ làm giàu từ biển quê hương.
Chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh, giàu từ biển quê hương” sẽ có ý nghĩa tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người Việt Nam. Đặc biệt, là trong việc khai thác, bảo vệ các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương, đất nước. Đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa đồng phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh tất cả nội dung, hình thức để chuẩn bị cho chương trình diễn ra vào lúc 19h30 phút ngày 12/8 tới. Các công tác lễ tân, hậu cần, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng.
Đặc biệt, chiều 12/8, tỉnh Khánh Hòa tổ chức trọng thể Lễ ra mắt và kêu gọi ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa. Đây là điều kiện vật chất mạnh nhất để tạo ra nguồn lực vật chất cơ bản xây dựng những tuyến đảo và hỗ trợ cho ngư dân tham gia việc nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản. Chính vì vậy, chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương” lần này rất có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế biển trong thời gian sắp tới.
PV: Chủ đề chương trình là “Mạnh giàu từ biển quê hương”. Vậy mạnh, giàu từ biển, đảo có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khánh Hòa là một tỉnh tiền tiêu ở biển Đông và chúng tôi luôn xác định vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là có huyện đảo Trường Sa - đơn vị hành chính của Khánh Hòa. Do vậy, từ chương trình Chính luận nghệ thuật này, mỗi người dân Khánh Hòa cũng như người dân của cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nên hướng về Tổ quốc thân yêu bằng những việc làm thiết thực nhất. Qua đó, cùng nhau đóng góp và xây dựng huyện đảo Trường Sa của chúng ta ngày càng vững mạnh.
Từ việc mạnh về quốc phòng - an ninh, đảm bảo được cuộc sống yên lành của người dân của huyện đảo cũng là điều kiện để cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đủ điều kiện khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Làm như thế nào lợi thế từ biển, đảo được phát huy mạnh mẽ nhất trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Một góc Khu Kinh tế Vân Phong |
PV: Để có được những vùng biển, giàu, mạnh, lợi thế về kinh tế biển sẽ được khai thác như thế nào để phát triển bền vững, đưa kinh tế biển thành nền tảng của sự phát triển tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Việc xác định phát triển kinh tế biển với chiều dài bờ biển lên đến 385 cây số, tôi nghĩ Khánh Hòa là một tỉnh có đủ điều kiện để phát triển về kinh tế biển. Quan trọng nhất là chúng ta phải khai thác tốt các cảng biển có ưu thế trên thế giới như cảng Cam Ranh, cảng Nha Trang, cảng Vân Phong… Từ đó, các nguồn lợi khai khoáng, thăm dò, tìm kiếm các mỏ khoáng sản. Đây cũng là điều kiện để các tập đoàn kinh tế có thể định hướng khai thác.
Ngoài ra, với 200 hòn đảo lớn nhỏ, tỉnh Khánh Hòa có nhiều lợi thế phát triển kinh tế du lịch, kinh tế liên quan đến yến sào cũng như các loài hải sản. Đây cũng là nguồn lợi rất có giá trị để bảo tồn như Hòn Mun, Hòn Chồng… và các đảo ngoài khơi.
Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu để phát triển các loài thủy sinh cũng như đảm bảo được môi trường cho phát triển kinh tế biển bền vững.
PV: Như ông vừa chia sẻ, Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa sẽ được ra mắt và phát động vào chiều ngày 12/8 tới đây. Quỹ này có ý nghĩa như thế nào để giúp người dân tỉnh Khánh Hòa mạnh, giàu từ biển?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Đây là một quỹ rất quan trọng, thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định Chính phủ về ban hành về quy chế hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa.
Tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất là góp vào quỹ 10 tỷ đồng và ngoài ra chúng tôi còn kêu gọi các huyện, thị, thành phố mỗi huyện, thị xã, thành phố trích ngân sách địa phương đóng góp vào quỹ từ 1 đến 2 tỷ đồng. Đồng thời, đang kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp để phát triển Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Đây là quỹ hỗ trợ ngư dân trên biển tham gia vào việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản ngay trên các trung âm dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, quỹ còn dùng để đầu tư công các cơ sở hạ tầng như cầu cảng, bến cảng và các khu dịch vụ hậu cần, giúp ngư dân trên biển có điều kiện để sản xuất và chế biến.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ dùng quỹ này để tập trung cơ sở hạ tầng cho huyện đảo Trường Sa, xây dựng huyện đảo thành huyện đảo dân sự, kết hợp vững chắc bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!