Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc


(VOV5) - Ngay sau khi chính phủ Trung Quốc chính thức mở cửa du lịch theo đoàn đối với du khách Việt Nam, Công ty du lịch Quốc tế Á Nam và công ty TNHH Thương mại và Du lịch HaNoiTrip đồng tổ chức chuyến khảo sát (famtrip) cho hơn 120 doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.

Chuyến du lịch đầu tiên trở lại sau hơn 3 năm dịch Covid-19 từ Việt Nam tới tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) với mục đích khảo sát tour Hà Nội - Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn để đưa đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp, đồng thời tìm kiếm cơ hội- giao lưu thúc đẩy hợp tác về du lịch giữa các công ty lữ hành Trung Quốc và Việt Nam. PV Đài TNVN phỏng vấn chị Nguyễn Thị Yến, giám đốc công ty thương mại Du lịch HanoiTrip.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc - ảnh 1Chị Nguyễn Thị Yến, Giám đốc công ty
TNHH Thương mại và Du lịch Hanoitrip. Ảnh HL
PV: Xin chào chị. Hãy cho biết về chuyến khảo sát du lịch đầu tiên từ Việt Nam đến Trung Quốc mà bên chị cùng công ty Du lịch Quốc tế Á Nam phối hợp tổ chức ngay khi chính phủ Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại?

Chị Nguyễn Thị Yến:

Chuyến đi đầu tiên trở lại Trung Quốc sau đại dịch,  thực sự đoàn có nhiều cảm xúc khác nhau vừa hồi hộp, hào hứng, chút lo lắng vì là những vị khách đầu tiên trở lại Trung Quốc sau khoảng thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Khi đến đây, chúng tôi ngạc nhiên về rất những thuận lợi cho chuyến bay charter đầu tiên cùng nhiều bất ngờ thú vị về dịch vụ du lịch. Chính quyền địa phương và đối tác du lịch của chúng tôi ở Trung Quốc rất nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn Đoàn trong suốt tour hành trình. Họ ghi nhận những đánh giá, góp ý của đoàn khảo sát du lịch Việt Nam lần này, tạo nhiều điều kiện, thậm chí chấp nhận những yêu cầu, điều chinh mà phía doanh nghiệp Việt Nam đề nghị.

Đối tượng chủ yếu tham gia chuyến khảo sát lần này là các công ty lữ hành Việt vừa và nhỏ, các đại lý gửi khách, ghép khách cùng đồng hành với công ty lữ hành quốc tế Á - Nam và Hanoitrip trong chuyến hành trình 6 ngày 5 đêm "Hà Nội- Phượng Hoàng Cổ Trấn- Trương Gia Giới " với nhiều cảnh điểm mới thú vị.

Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc - ảnh 2Đoàn khảo sát du lịch gồm hơn 120 đơn vi và công ty lữ hành vừa và nhỏ tham gia tour Hà Nội- Phượng Hoàng Cổ Trấn- Trương Gia Giới từ ngày 8-13/04. 

PV: Chị đánh giá như thế nào về sự hợp tác du lịch hiện nay giữa Việt Nam -Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thị Yến: Theo nhận định của tôi, quan hệ hợp tác khai thác du lịch giữa 2 quốc gia luôn là tốt đẹp. Trước dịch Covid-19, đó là mối quan hệ win-win đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, sau dịch trong bối cảnh tình hình mới, đây chính là giai đoạn đầu tiên để cả 2 bên làm "nóng lại" kích thích thị trường. Tôi thấy rằng, trong giai đoạn khởi động trở lại này, các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc rất hào hứng và thực sự đầu tư để cơ cấu lại nhằm phục hồi thị trường du lịch. Việt Nam mình mở cửa du lịch trước nên hơn bao giờ hết các đối tác Trung Quốc đang rất mong muốn kết nối, hợp tác với Việt Nam để đưa sản phẩm du lịch đến với khách du lịch Việt Nam.

Còn đối với các công ty lữ hành Việt khá cũng hào hứng mong đợi, khai thác tối đa những nguồn lực mà chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên kêu gọi thu hút phục hồi, phát triển du lịch. Tôi nghĩ rằng, đây là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt nắm bắt bởi Trung Quốc là thị trường tiềm năng có nhiều tuyến tham quan nổi tiếng theo đánh giá  sẽ "bùng nổ” thời gian tới.

Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc - ảnh 3Một góc Phượng Hoàng Cổ Trấn về đêm

PV: Khi tổ chức chuyến bay charter đầu tiên trở lại Trung Quốc ngoài những thuận lợi  BTC được sự hỗ trợ như thế nào từ phía chính quyền tỉnh Hồ Nam và các đối tác?

Chị Nguyễn Thị Yến: Lúc thiết kế chương trình khảo sát, Ban tổ chức lo lắng là sau dịch Đoàn đến Trung Quốc thủ tục liệu có phức tạp hay không rồi có bị ảnh hưởng bởi hành lanng biên giới dịch bệnh hay không, dịch vụ du lịch phục hồi chưa. Và, khi đến đó rồi thì những lo lắng khó khăn được tháo gỡ, nhập cảnh vào Trung Quốc đơn giản, thủ tục visa nhanh. Đặc biệt, Trung Quốc tổ chức các chuyến bay charter từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Và, trong chuyến khảo sát đầu tiên này, phía Trung Quốc đã tài trợ toàn bộ chi phí cho Đoàn.

Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc - ảnh 4Du thuyền trên sông Đà Giang ở Phượng Hoàng Cổ Trấn.

Tôi thấy đây là một sự đầu tư và một tinh thần cầu thị, mong muốn kết nối, thúc đẩy hợp tác với các công ty lữ hành Việt Nam. Dịp này, du lịch Hồ Nam mở ra những cảnh điểm mới bên cạnh những di sản thiên nhiên được thế giới công nhận. Đặc biệt đối với những sản phẩm gia tăng du lịch đi kèm, Trung Quốc có những đầu tư lớn, khá hiệu quả vào các show diễn quy mô, công nghệ hoành tráng, làm nổi bật bản sắc văn hóa truyền thống, di sản văn hóa, lịch sử... chạm được vào cảm xúc của người xem. Tôi cho đó là nét đặc sắc rất mới.

PV: Vâng, còn với những đơn vị lữ hành Việt thì những chuyến khảo sát du lịch nước ngoài hẳn là những trải nghiệm, thông tin hữu ích để phục hồi các sản phẩm du lịch cũng như tìm kiếm thị trường mới như thế nào, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Yến: Theo nhận định của tôi, những chuyến famtrip như này luôn là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài được tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, tiếp cận sản phẩm giúp hiểu nhau hơn trong cách cung cấp dịch vụ và điểm đến thu hút khách. Đặc biệt, các công ty lữ hành được trải nghiệm trực tiếp  để thiết kế những sản phẩm, trước khi bán cho khách hàng.

Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc - ảnh 5Trải nghiệm đi cáp treo ở Thiên Môn Sơn.

Ở chuyến famtrip này, với doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc, đây là cơ hội để kết nối với các đối tác, đưa sản phẩm đến tận tay các nhà phân phối và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thật sự, chúng tôi khá hài lòng về chuyến khảo sát này, qua đó nắm bắt tình hình để khi về thiết kế, xây dựng những gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách.

PV: Từ kinh nghiệm tổ chức các tour ra nước ngoài, các chuyến khảo sát famtrip, tham dự Hội chợ quốc tế, được tiếp cận với cách làm du lịch của nhiều nước, chị có những ý kiến hay đề xuất gì để góp phần giúp du lịch Việt Nam phát triển hơn nữa?

Chị Nguyễn Thị Yến: Tôi cũng có chút bề dày kinh nghiệm về khai thác du lịch ra nước ngoài nên cũng muốn đóng góp một vài đề xuất cho du lịch Việt Nam. Nên chăng là ngành du lịch Việt cần tăng cường khai thác nhiều cảnh điểm trên một liên kết giữa các điểm đến trong 1 tuyến đi. Chúng ta phải xây dựng có quy mô lớn hơn và đặc biệt có những tuyến du lịch đặc thù. Cơ sở hạ tầng giao thông tiếp cận điểm đến cần được đầu tư nhiều hơn nữa.

Một điều nữa là Việt Nam cần phải đầu tư là hình tượng hóa các giá trị văn hóa, sân khấu hóa những tác phẩm lịch sử, văn hóa, loại hình nghệ thuật bản sắc Việt…thành những show diễn quy mô, hoành tráng công nghệ đi từ bất ngờ đến bất ngờ khác. mang tính giải trí cao nhưng vẫn chạm được vào cảm xúc người xem.

Chuyến Famtrip kết nối trở lại du lịch Việt Nam-Trung Quốc - ảnh 6Tham qua Phù Dung Trấn (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc)

Ở góc độ quảng bá, tôi nghĩ rằng, ngành du lịch Việt nam nên thể hiện rõ cho khách tham quan thấy được khả năng đáp ứng du lịch cho từng điểm đến như điều kiện căn bản vận chuyển hàng không, đường bộ, lưu trú và những giá trị gia tăng du lịch, làm sao tạo dựng niềm tin cho du khách quốc tế về sự an toàn, chất lượng và độc đáo.

Tại các hội chợ quốc tế, ngoài các dòng sản phẩm quảng bá cho quốc gia, di sản văn hóa thiên nhiên được thế giới công nhận, cốt cách văn hóa con người Việt Nam, du lịch Việt cũng nên mang những hình ảnh quảng bá địa phương, tạo thêm sự tò mò,cuốn hút. Việt Nam có tới 8 vùng du lịch, nên chăng tại các hội chợ nên mang đến hình ảnh, sản phẩm giới thiệu minh họa quảng bá văn hóa, sản vật địa phương phân vùng Tây Bắc, Đông Bắc, châu thổ sông Hồng... để du khách có phong phú sự lựa chọn.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác