(VOV5) - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam muốn tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu hơn về Trường Sa và tình yêu biển đảo Tổ quốc.
Cuối tháng 4 năm 2023, các đại biểu đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có chuyến thăm, động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến đi đã giúp mỗi thành viên trong đoàn công tác hiểu thêm về cuộc sống của quân và dân trên các đảo, nhà giàn, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chia sẻ về những đóng góp về vật chất và tinh thần để động viên các lực lượng vũ trang và nhân dân đang sinh sống, làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, (bìa trái), trao quà của Hiệp hội tặng Nhà giàn DK1/16. |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa có một đoàn đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến đi này đã được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuẩn bị như thế nào?
TS. Tô Hoài Nam: Sau 9 năm, năm nay, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trở lại thăm Trường Sa. Đoàn năm nay chúng tôi có 20 người nhưng nguyện vọng còn muốn đi nhiều hơn nữa để đóng góp cho Trường Sa. Đối với Trường Sa, mọi người đều thể hiện tình cảm sâu sắc và gợi nhiều quyết tâm trong từng thành viên của cơ quan. Đây là lần thứ hai tham gia hải trình này nên chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị.
Chúng tôi đã chuẩn bị các thiết yếu vật tư về văn hóa, về kỹ thuật. Ví dụ: tivi, máy tính, quạt, nồi cơm điện… Biết hoàn cảnh ở trên đảo, nên chúng tôi mang ra đảo những vật dụng tốt nhất.
TS. Tô Hoài Nam |
Bằng tấm lòng vì biển đảo, chúng tôi tặng một vườn rau cho nhà giàn DK1. Chúng tôi nhận thức được tinh thần và sự quyết tâm bảo vệ biển đảo của các cán bộ, chiến sĩ. Nhưng để làm được điều đó tốt hơn, mạnh mẽ hơn, phía hậu phương, cộng đồng doanh nghiệp cần góp một phần công sức vào đó.
Còn tình cảm đối với Trường Sa, tôi nghĩ, cái chung nhất đối với Trường Sa không phải đoàn chúng tôi mà đoàn nào cũng vậy, cứ cốt là người Việt Nam, từ doanh nhân người Việt ở nước ngoài cho đến mọi thành phần trong nước, những suy nghĩ về Trường Sa có nhiều điểm tương đồng. Đó là tình yêu mảnh đất Trường Sa, tình yêu thương bộ đội biển đảo và sự chia sẻ những khó khăn của bộ đội nói chung. Vì thế, anh em trong đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn. Có nhiều người bị say sóng nhưng vẫn có niềm tin và vững vàng vượt lên. Khi về, chúng tôi muốn tuyên truyền và nhân rộng hơn thông tin về Trường Sa, đưa những hình ảnh mà mình được chứng kiến cho cộng đồng doanh nghiệp hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu về Trường Sa.
Chúng tôi hy vọng sang năm sau, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn, chuẩn bị kỹ hơn để tình cảm của cộng đồng doanh nghiệp hướng về bộ đội Trường Sa có ý nghĩa hơn. Cũng qua đó, chúng tôi sẽ tuyên truyền trong cộng đồng kinh doanh hơn 800.000 doanh nghiệp về tình yêu quê hương, đất nước thiết thực qua các hoạt động của bản thân và cả trong hoạt động kinh doanh của mình. Vì đối với các doanh nghiệp, ngoài hoạt động tạo ra lợi ích về mặt kinh tế góp phần vào việc phát triển sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì trong thời đại hiện nay, còn quan tâm đến tự tôn dân tộc. Đó là điều Ban thường vụ khóa này của Hiệp hội luôn đặt vấn đề làm kinh doanh, ngoài trách nhiệm làm kinh tế, trách nhiệm giải quyết việc làm thì còn phải có tinh thần tự tôn dân tộc để hội nhập trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nếu doanh nhân Việt Nam thiếu lòng tự tôn dân tộc sẽ dễ đánh mất thương hiệu của Việt Nam. Đây cũng là một trong bốn trụ cột mà Ban thường vụ Hiệp hội đưa vào Nghị quyết và báo cáo Đảng, Chính phủ và các lãnh đạo cao nhất vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ điểm đảo Đá Tây B. |
Phóng viên: Với tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu, trong chuyến hành trình thăm biển đảo năm nay, tổng trị giá đóng góp mà Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dành cho quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK ra sao, thưa ông?
TS. Tô Hoài Nam: Trong đoàn năm nay, tổng hiện vật và đóng góp của chúng tôi gần một tỷ đồng. Ngoài hiện vật, chúng tôi cũng gửi đóng góp trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hải quân để sử dụng kinh phí thiết thực, hiệu quả. Sau đợt này, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hơn cho bộ đội ở biển đảo.
Trong chuyến đi có đoàn doanh nhân kiều bào, thời gian tới, chúng tôi cũng muốn kết nối với doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hiểu hơn về Trường Sa đồng thời có những cách thức hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đoạt giải Ba trong cuộc thi tìm hiểu về biển đảo được tổ chức ngay trong hải trình ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. |
Phóng viên: Thưa ông, qua chuyến đi này, ông có thể chia sẻ những xúc cảm của mình về các chiến sĩ hải quân khi đến thăm các đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa?
TS. Tô Hoài Nam: Cảm nhận cá nhân của tôi thể hiện trên mấy phương diện. Thứ nhất, khi đến thăm đảo mới cảm nhận rằng mọi thứ dành cho Trường Sa mà mình dự kiến từ trước đều rất nhỏ. Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp ở đất liền khi chưa ra thăm đảo sẽ chưa hiểu hết được sự thiếu thốn tình cảm của các anh em ngoài đảo xa. Họ rất cần tình cảm. Do đó, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn, cụ thể hơn bằng những điều giản dị để động viên cán bộ, chiến sĩ.
Chúng ta cần liên tục nắm bắt thông tin, liên tục tìm hiểu về nhu cầu của bộ đội, nhu cầu về tinh thần gồm những thông tin, văn hóa, nhu cầu vật chất là cơ sở vật chất và hàng thiết yếu. Đó là những điều bộ đội cần.
Ngoài ra, mặc dù lo lắng và chia sẻ những khó khăn của các chiến sĩ nhưng tôi rất vui khi thấy Đảng, Nhà nước quan tâm về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt, về thông tin liên lạc cho bộ đội ngoài đảo. Tôi cảm thấy yên tâm và vững tin hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.