(VOV5) -Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương do ông sáng lập cũng đang giúp đỡ rất nhiều nghệ sĩ trẻViệt Nam khởi nghiệp.
David Thomas là một cựu binh từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam những năm 1969-1970. Kể từ năm 1987, lần đầu tiên trở lại Việt Nam, ông cùng với những người Mỹ thực hiện nhiều dự án với các nghệ sĩ Việt Nam, với mong muốn sử dụng nghệ thuật tạo để cầu nối giúp Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển mối quan hệ. Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương do ông sáng lập cũng đang giúp đỡ rất nhiều nghệ sĩ trẻViệt Nam khởi nghiệp. PV Đài TNVN trò chuyện với ông David Thomas, nghe ông chia sẻ cách sử dụng nghệ thuật để thay đổi và hòa giải:
Nghe âm thanh tại đây:
Ông David Thomas ( giữa) cùng các nghệ sĩ tại một tọa đàm về nghệ thuật trong vai trò xúc tác hòa giải ở Đại sứ quán Hoa kỳ ở Hà Nội.
PV: Thưa ông, năm 1987, lần đầu tiên ông cùng một nhóm những nhà giáo dục trong dự án Hòa giải Đông Dương trở lại Việt Nam, muốn dùng nghệ thuật làm lành vết thương chiến tranh. Vậy theo ông, nghệ thuật có vai trò xúc tác như thế nào trong hòa giải?
Ông David Thomas: Bản thân tôi cũng là một nghệ sĩ, chắc chắn tôi tin rằng nghệ thuật chính là cánh cửa giúp hàn gắn, kết nối, hòa giải mối quan hệ giữa hai nước. Kể từ năm 1987, tôi nhiều lần trờ lại Việt Nam, thăm bảo tàng Mỹ thuật, tiếp xúc với các nghệ sĩ Việt Nam ở nhiều lứa tuổi. Chúng tôi đồng lòng cùng chung một nguyên vọng là sẽ làm những dự án về nghệ thuật để làm cầu nối, hàn gắn và hòa giải giữa hai dân tộc. Nhớ lại, tôi từng ấn tượng với một bức tranh của một họa sĩ tên Dung. Chị vẽ một bức tranh về một phụ nữ Việt Nam đang trong quá trình trở dạ. Những đau đớn, khó khăn mà chị trải qua nhưng rồi sinh ra một em bé không lành lặn. Tôi xúc động nhận ra rằng, vấn đề của Hoa Kỳ không thấm vào đâu so với Việt Nam, quốc gia phải chịu hàng chục năm chiến tranh. Điều đó thôi thúc tôi phải hành động để sửa chữa những gì gọi là sai lầm do chiến tranh gây ra. Tôi nhận ra rằng, nghệ thuật có thể sẽ làm tốt được điều đó.
Cựu binh David Thomas trên chiếc xe jeep, ký ức một thời chiến tranh |
PV: Bên cạnh những dự án hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam, ông còn viết nhiều sách về da cam, đặc biệt là nỗi đau của những nạn nhân dioxin Việt nam. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Ông David Thomas: Tôi viết những cuốn sách về chất độc dioxin và nạn nhân da cam ở Việt Nam bắt nguồn từ những chuyến đi đến Việt Nam kể từ năm 1987. Ở đây, tôi đã gặp rất nhiều gia đình có người lớn, trẻ em bị khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc dioxin. Thực ra, tôi cảm nhận được nỗi đau này ngày một cách rõ hơn ai hết, bởi bản thân tôi cũng là một nạn nhân da cam, cách đây hai năm bác sĩ chuẩn đoán tôi bị bệnh Parkinson do ảnh hưởng của chất độc dioxin khi tôi tham gia chiến trường ở Pleiku.
Cựu binh,nghệ sĩ David Thomas thường xuyên đến Việt Nam kể từ 1987
PV: Nhiều năm qua, cả Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình hòa giải, phát triển tình hữu nghị giữa chính phủ và nhân dân hai nước. Ông đánh giá như thế nào về những cuộc gặp gỡ giữa các cựu binh hai nước?
Ông David Thomas: Đó là những sự kiện rất hay. Cuộc gặp gỡ của những người lính từng ở hai chiến tuyến khácnhau cách đây hơn 30 năm là việc làm cần phải làm. Tôi rất mừng vì điều đó. Bởi trong quá khứ, chúng tôi từng là những người đối kháng nhau như giờ đây có thể mỉm cười, bắt tay nhau và trở thành bạn bè, cùng nhìn lại những câu chuyện quá khứ, thu hẹp khác biệt trong quan điểm về cuộc chiến và cùng đi đến nhận thức rằng, chiến tranh là điều không nên có. Bởi nó gây ra chết chóc, xa lìa, khổ đau tàn phá môi trường, nhiễm độc và rất nhiều hệ lụy về sau, như những gì chúng ta vừa đề cập đến câu chuyện chất độc da cam. Cho nên, những cuộc gặp, giao lưu như vậy thật sự là tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận.
David Thomas trong hành trình tìm kiếm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1987 - Ảnh tư liệu |
PV: Thưa ông, chính phủ Hoa Kỳ đang có những hỗ trợ gì để giúp nạn nhân da cam cũng giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam?
Ông David Thomas: Trên thực tế tôi được biết là từ nhiều năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu công nhận nạn nhân da cam Việt Nam và đã có những hỗ trợ thiết thực. Như bạn biết đấy, một trong những dự án chính phủ Hoa Kỳ vừa giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh là chiến dịch tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Tôi cũng là nạn nhân da cam, nên được trợ cấp rất đầy đủ từ chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những cựu binh bị bệnh như tôi chưa có được sự trợ cấp tương xứng. Đó là không công bằng. Hi vọng trong tương lai, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có thêm những dự án hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam.
Tranh chân dung Bác Hồ của David Thomas |
PV: Trở lại với những dự án nghệ thuật, không chỉ ra loạt sách về nỗi đau da cam, ông còn là nhà in tranh nổi tiếng với nhiều tác phẩm đáng chú ý về chân dung Chủ tich Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ về thêm về câu chuyện này:
Ông David Thomas: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Nhưng thật kỳ lạ là Người không bao giờ được nhắc đến trong những cuộc thảo luận về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam sau đó. Họ có vẻ như lảng tránh điều đó. Thực ra, khoảng thời gian 1969 tham chiến ở Pleiku, tôi không biết gì nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng tôi cũng tiếp nhận thông tin ở một vị thế khác. Sau này, người dân Mỹ cũng chỉ biết Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại như Nelson Mandela hay Grandi. Càng hiểu về thân thế, tình cảm của người dân Việt Nam với Bác Hồ, tôi nhận thấy đó là một người vĩ đại có tư tưởng rất nhân văn. Tôi nghĩ, nếu chính phủ Mỹ hiểu rõ hơn về Hồ Chí Minh thì có thể không xảy ra cuộc chiến tranh. Hi vọng rằng, những tác phẩm vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của tôi được tiếp tục in thành sách để giới thiệu đến công chúng Mỹ.Hiện giờ tôi vẫn đang tiếp tục những chuyến đi để tìm những mối liên hệ với Việt Nam qua hình ảnh Hồ Chí Minh.
PV: Xin chân thành cảm ơn và Chúc ông sức khỏe.