(VOV5) - Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" được xem như hội thảo quốc gia thứ 3, sau hai hội thảo lớn về "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt" tổ chức năm 1966 và 1979.
Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những gí trị tốt đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu có và sinh động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Kết thúc hội thảo, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo.
|
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, qua một ngày diễn ra với nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, ông có thể đánh giá về kết quả hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng"?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Cho đến giờ phút này, có thể khẳng định hội thảo của chúng ta đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi cảm ơn Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các nhà báo và công chúng yêu mến Tiếng Việt của báo chí và truyền thông đã hướng về hội thảo này bằng việc gửi hơn 240 báo cáo khoa học và hơn 100 bài viết, ý kiến đóng góp cho việc làm sao giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt một cách tốt hơn.
Trong việc sử dụng Tiếng Việt nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo tiền bối đã hết sức quan tâm. Trong hội thảo lần này chúng ta nêu ra được sự cần thiết phải giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nói chung, trong đó các phương tiện thông tin đại chúng phải làm gương, làm mẫu và phải lan tỏa trong xã hội. Từ những kiến nghị của các nhà khoa học, các nhà báo và những người yêu mến Tiếng Việt đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội cần hoàn thiện đường lối chính sách pháp luật về ngôn ngữ nói chung trong đó có tiếng Việt. Có một yêu cầu đặt ra là chúng ta cần có bộ Luật về ngôn ngữ, trong đó Tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ Quốc gia.
Thứ ba, từ hội thảo này, các cơ quan báo chí cũng xác định cho mình một nhiệm vụ không chỉ sử dụng ngôn ngữ thật tốt mà còn lan tỏa ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong toàn dân. Ngành giáo dục và đào tạo cũng phải có chiến lược, nội dung giáo dục cho trẻ em từ lứa tuổi mẫu giáo cho đến lứa tuổi phổ thông rồi kể cả vào Đại học. Và điểm cuối cùng là các cơ quan báo chí, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam thì cùng với việc nâng cao chất lượng nội dung, hình thức khi thể hiện thông tin thì luôn luôn trau dồi tiếng Việt, cố gắng đến mức cao nhất không sử dụng những từ ngoại lai, những từ vay mượn phản cảm và những từ gọi là ngôn ngữ đường phố mà hơi xô bồ. Ngôn ngữ ở trên báo chí, trên đài phát thanh, truyền hình là ngôn ngữ văn hóa. Do đó nếu làm được như những điều vừa nêu thì tôi cho rằng hội thảo này còn tiếp tục lan tỏa mãi trong xã hội.
PV: Ông có thể cho biết thêm về sự cần thiết phải ra đời Luật Ngôn ngữ theo như ý kiến đồng tình của rất nhiều đại biểu, các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Nhìn ra thế giới thì nhiều quốc gia đã có những bộ luật liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, là công cụ trong các văn bản nhà nước thì rõ ràng phải sử dụng một cách chuẩn mực và thống nhất chứ không thể một khái niệm, một sự việc, một hiện tượng mà ai nói kiểu này, ai nói kiểu khác. Đương nhiên sẽ có những cách diễn đạt khác nhau nhưng phải có một cách diễn đạt chuẩn mực, chính xác nhất và với báo chí còn có yêu cầu khác là hấp dẫn.
PV: Vậy thì, thưa ông, sau hội thảo này, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ có những định hướng và lan tỏa những thông điệp của hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Từ buổi phát thanh đầu tiên vào 11 giờ 30 ngày 7/9/1945 với lời xướng "Đây là tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" thì ngay lời xướng đó, tiếng Việt đã được trân trọng. Đây là tiếng nói của quốc gia, đây là tiếng nói của nước Việt Nam độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước đó 5 ngày. Do đó, hơn bất cứ cơ quan báo chí nào những người công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn có ý thức phải gương mẫu, làm sao để tiếng nói Việt Nam luôn được giữ gìn, được nâng niu, ngày càng trong sáng và giúp sức vào cuộc sống hiện nay.
Bên cạnh đó, phải có một chương trình bồi dưỡng về sử dụng từ ngữ. Anh viết về thiếu nhi thì anh phải viết theo cách của thiếu nhi, thậm chí dùng từ ngữ, xưng hô của các cháu. Anh viết cho cụ già thì anh phải viết những từ ngữ rất trân trọng, nghiêm cẩn. Anh viết về ngôn ngữ giao lưu, hội nhập với bên ngoài thì chắc anh phải vay mượn một số từ nước ngoài. Đương nhiên là trong trường hợp không có tiếng Việt, chưa có từ nào có thể diễn tả đầy đủ. Thứ hai là trong báo chí, ngoài biên tập viên, phóng viên thì còn có phát thanh viên, bình luận viên nữa thì những người đó cũng phải có kỹ năng khi diễn đạt. Bởi khi nói năng, diễn đạt thì phải thoát ly văn bản, phải thể hiện ngôn bản, tức là bằng âm tiết. Vậy thì phải làm sao ngôn bản đó có sự chuẩn bị sẵn, có ý tứ rõ ràng, đạt được sự hàm súc, mạch lạc, rõ ràng.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!