(VOV5) - Ông Trần Đình Thắng, Việt kiều Mỹ, là kỹ sư cơ khí hàng không. Ông cũng là Chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại NewYork.
Những năm qua, ông đã sưu tập khoảng 150 tấm bản đồ và ba tập atlas cổ về Biển Đông được xuất bản tại nhiều nước trên thế giới từ năm 1626-1980. Những tấm bản đồ cổ này chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Trần Đình Thắng nhân ông về thăm quê hương những ngày tháng tư này.
Ông Trần Đình Thắng, Việt kiều Mỹ |
PV: Thưa ông, tháng tư này trở về thăm quê hương Việt Nam, với ông chắc có nhiều điều muốn chia sẻ?
Ông Trần Đình Thắng: Thời khắc 30/4 là ngày đánh dấu đất nước của chúng ta được hòa bình, thống nhất và mọi người đoàn kết, hướng đến tương lai, xây dựng đất nước thịnh vượng hơn. Trong những ngày này, có nhiều cảm xúc và nhiều niềm hân hoan, sự mong đợi cho đất nước tiến triển tốt đẹp. Khi về nước, tôi thấy Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, nhộn nhịp nhất là thành phố Thủ Đức.
Mọi người đều có một nhận thức và niềm tin là hòa bình đã mang lại hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Dịp lễ 30 tháng 4 đánh dấu một nền hòa bình mà mọi người dân chúng ta đều trân trọng. Hòa bình để từ đó chúng ta có những chương trình và việc làm thiết thực để bảo vệ nền hòa bình.
PV: Là một người Việt ở Mỹ, ông thấy khả năng của mình có thể làm được những việc gì để mình có thể kết nối và gần hơn với quê hương?
Ông Trần Đình Thắng: Tôi là uỷ viên của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hai khoá 2014- 2019 và 2019 - 2024. Chương trình cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tạo sự đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội. Với vai trò của mình và cũng là một người hoạt động văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Mỹ, chúng tôi liên kết bạn bè trong giới trí thức thành một khối, tham vấn cho Chính phủ, tham vấn cho những thành phố, tham vấn cho các trường đại học tại Việt Nam phát triển giáo dục, khoa học kỹ thuật.
Chúng tôi cũng đã về Việt Nam và quảng bá các chương trình giáo dục Hoa Kỳ. Chúng tôi là tổ chức ở Mỹ về để mở ra phong trào du học Hoa Kỳ. Từ đó, đưa các em sinh viên, học sinh sang Mỹ du học. Trong gần 20 năm qua, số lượng sinh viên và học sinh du học rất nhiều, khoảng 100.000 người. Rất nhiều sinh viên, học sinh đã tốt nghiệp từ những trường tốt và họ đã quay về nước và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Năm 2013, tôi có sưu tập bản đồ cổ Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Từ đó, chúng tôi kết hợp với Bộ Thông tin và truyền thông phát triển một chương trình lớn về chủ quyền biển Việt Nam và đã triển lãm tại 100 địa điểm trong cả nước từ năm 2015 đến 2016. Từ chương trình đó, nhận thức người dân về biển đảo Việt Nam ngày một tăng cường.
Từ năm 2000, chúng tôi lập Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại New York. Chúng tôi quảng bá những chương trình văn hóa Việt Nam tại các trường đại học và Trung tâm văn hóa tại Hoa Kỳ trong suốt 15 năm qua, từ năm 2000 đến 2016. Chúng tôi giới thiệu nền văn hoá Việt Nam cho người Mỹ để tạo sự thân thiện của người Mỹ về Việt Nam.
Ông Trần Thắng (bìa phải) và Giáo sư Carl Thayer tại Hội thảo Ðại học Yale, 2016. |
PV: Vâng, có thể nói ông và các cộng sự đã làm rất nhiều việc găn với quê hương và văn hóa Việt Nam. Ấn tượng của người Mỹ khi tham dự các sự kiện này như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đình Thắng: Chúng tôi đã tổ chức chương trình chiếu phim tại 10 - 15 trường đại học lớn của nước Mỹ. Mỗi lần chiếu thu hút từ hơn 100 - 200 sinh viên, kiều bào Việt Nam và sinh viên Mỹ và các giáo sư Mỹ. Phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh nói về chiến tranh Việt Nam rất ấn tượng. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đến xem rất xúc động. Có nhiều người khóc. Ngay cả diễn viên là người Mỹ, họ đến, họ chia sẻ nỗi niềm của họ trong cuộc chiến. Và điểm cuối cùng là sự tha thứ, sự mong muốn hòa bình cho nơi mà họ đã tham chiến. Những buổi chiếu phim đó khá giá trị, làm cho người đến xem có thiện cảm và yêu mến Việt Nam hơn. Qua phim ảnh, họ hiểu thêm về văn hóa và nghệ thuật điện ảnh Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông.