(VOV5) -Nếu khối tài liệu lưu trữ của Pháp và Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí thì UNESCO chắc chắn sẽ xem xét và sớm công nhận là di sản ký ức của thế giới.
Hướng tới kỷ niệm 45 năm Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ và đánh dấu 5 năm quan hệ đối tác chiến lược, hai nước có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Sự kiện nổi bật thời gian qua là Cục văn thư Lưu trữ Nhà nước và Cục Lưu trữ quốc gia Pháp phối hợp tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa giới thiệu những ký ức lịch sử tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp ở Việt Nam cũng như hành trình di sản chung của hai nước trong hơn 1 thế kỷ qua. Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước trả lời phỏng vấn về hoạt động này.
Nghe âm thanh PV tại đây:
PV: Thưa ông, nhân kỷ niệm 45 năm Việt Nam và Pháp tạo lập quan hệ ngoại giao và 100 năm thành lập Nha lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Cục văn thư lưu trữ Nhà nước đã phối hợp cùng với đối tác Pháp như thế nào trong việc giới thiệu những ký ức mang dấu ấn chung giữa hai nước?
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư- Lưu trữ Nhà nước |
Ông Đặng Thanh Tùng: Năm nay đánh dấu tròn 100 năm người Pháp thành lập Nha lưu trữ và thư viện Đông Dương. Quá trình phối hợp giữa cơ quan lưu trữ Việt Nam và Pháp được khởi động rất sớm. Khi nhận nhiệm vụ tại Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước của Bộ Nội vụ, tôi và đồng nghiệp nhận thấy đây là thời điểm rất phù hợp để phối hợp với các cơ quan của Pháp tổ chức những sự kiện, giúp công chúng hiểu rõ hơn trách nhiệm cũng như vai trò của những người làm công tác lưu trữ trong việc phát huy giá trị của tài liệu lịch sử.
Triển lãm dấu ấn 100 năm di sản Việt Nam Pháp |
Chúng tôi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, triển lãm, xuất bản ấn phẩm, trưng bày di sản lưu trữ của Pháp và Việt Nam. Có thể nêu ra đây một số hoạt động như triển lãm Ký ức kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội ở Nhà Hát Lớn và sau đó ở Phố Sách Hà Nội hay các cuộc tọa đàm tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’espace).
Hình ảnh tư liệu quý về kỳ họp thứ nhất quốc hội Việt Nam khóa IV |
Một triển lãm chung do Đại sứ quán Pháp, cơ quan lưu trữ Pháp và lưu trữ Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội mang tên “Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ sẽ giới thiệu ra công chúng dấu ấn đậm chát văn hóa Pháp trong một số lĩnh vực như quy hoạch giao thông, kiến trúc, ẩm thực, giáo dục, ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay.
Sổ sách ghi chép tình hình hoạt động của tàu thuyền tại Thương cảng Sài Gòn năm 1911-1912 |
Bằng cách đó, chúng tôi muốn đưa các tài liệu quý mà Cục lưu trữ Việt Nam và Pháp đang nắm giữ đến rộng rãi công chúng để mọi người có thêm thông tin về một thời kỳ lịch sử, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là một cách để chúng ta hội nhập mạnh mẽ hơn với khu vực và thế giới thông qua giao lưu văn hóa.
Bản vẽ thiết kế mặt trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1971 |
PV: Cụ thể, Cục Lưu trữ Pháp và Cục Văn thư, lưu trữ Pháp hợp tác như thế nào trong việc chia sẻ những tư liệu tiếng Pháp - ký ức chung của hai quốc gia thời gian qua, thưa ông?
Ông Đặng Thanh Tùng: Giữa cơ quan lưu trữ của Việt Nam và Pháp thời gian qua có nhiều hoạt động hợp tác như trao đổi danh mục tài liệu lưu trữ và thiết kế định dạng để đưa các tư liệu đó lên mạng internet, xuất bản những ấn phẩm chung.
Mộc bản về việc vua Gia Long đổi quốc hiệu Việt Nam năm 1804 |
Bên cạnh đó, hai cơ quan cũng thường xuyên trao đổi cán bộ, thực tập sinh để nâng cao nghiệp vụ. Bằng cách đó, hai bên càng có điều kiện cùng khai thác hai khối tài liệu do lịch sử để lại ở Pháp một phần và tại Việt Nam phần còn lại một cách toàn vẹn nhất. Không chỉ người dân Việt Nam mà công chúng Pháp cũng được tiếp cận khối tư liệu về một giai đoạn lịch sử chung của hai nước. Thời gian tới, cơ quan lưu trữ hai nước cùng với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tiếp tục xuất bản sách chỉ dẫn song ngữ về phông lưu trữ để độc giả hai nước có cơ hội tìm kiếm những tài liệu liên quan.
Một trong những tư liệu lịch sử quý trong kho Lưu trữ |
PV.Thưa ông, với giá trị đồ sộ về tư liệu lịch sử có tuổi đời hàng thế kỷ mà Việt Nam và Pháp cùng đang lưu giữ, các chuyên gia cho rằng khối tài liệu bằng tiếng Pháp về Đông Dương có thể trở thành di sản tư liệu UNESCO ở hạng mục ký ức thế giới. Ông nhìn nhận như thế nào về đánh giá này?
Trường ĐH Dược -Công trình kiến trúc mang dấu ấn Pháp còn đến ngày nay ở Hà Nội |
Ông Đặng Thanh Tùng: Sáng kiến trình UNESCO hồ sơ về tư liệu lưu trữ để được được công nhận là tư liệu di sản ký ức thế giới do Cục lưu trữ Pháp đề xuất. Việt Nam cũng nhận thấy nếu một khối tài liệu lưu trữ của một quốc gia được công nhận di sản thế giới, sẽ có điều kiện bảo tồn, quảng bá tốt hơn, thống nhất về nội dung hơn.
Cầu Long Biên ở Hà Nội có tuổi đời bằng Tháp Eiffel ở Paris, Pháp |
Từ góc nhìn của những người làm lưu trữ, chúng tôi rất ủng hộ và nghĩ rằng đề xuất của Lưu trữ quốc gia Pháp sẽ được UNESCO nhìn nhận và đánh giá tích cực. Nếu khối tài liệu lưu trữ của Pháp và Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí thì UNESCO chắc chắn sẽ xem xét và sớm công nhận là di sản ký ức của thế giới.
PV: Ông vừa được Bộ Văn hóa- Thông tin Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật vì có những thành tích nổi bật trong việc thúc đẩy hơp tác giữa Việt Nam với Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp khác. Xin ông cho biết cảm xúc của mình khi được nhận phần thưởng ý nghĩa này?
Bản thảo " Quốc ca Việt Nam" |
Ông Đặng Thanh Tùng: Khi được Đại sứ quán thông báo Bộ trưởng Văn hóa và truyền thông Pháp quyết định trao cho tôi danh hiệu Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật, cá nhân tôi rất vui và cũng hiểu rằng đây là phần thưởng danh dự có ý nghĩa ghi nhận và đánh giá quá trình mà từ trước tới nay tôi phối hợp với các cơ quan có liên quan của Pháp trong việc tăng cường hợp tác phát luật trước đây cũng như trong lĩnh vực lưu trữ hiện tại.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam trao Huân chương danh dự "Hiệp sĩ VHNT "cho ông Đặng Thanh Tùng |
Và tôi cũng hiểu rằng những ghi nhận đánh giá, đóng góp của cá nhân còn khiêm tốn. Thời gian tới, tôi sẽ cùng cơ quan liên quan ở Việt Nam cố gắng phát huy hợp tác hơn nữa với các cơ quan liên quan ở Pháp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Cộng hòa Pháp.
Xin chân thành cảm ơn ông!