(VOV5) - “Cần thúc đẩy trao đổi và cập nhật liên tục thông tin cả trong và ngoài nước để có những dự đoán và lên phương án chủ động ứng phó với các biến chuyển mới của dịch Covid-19”.
Đó là khẳng định của GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin (Paris), Pháp & Thành viên nhóm phản ứng nhanh Hội chứng Covid mãn tính của Hội Hô hấp Châu Âu; người vừa được trang web có uy tín quốc tế Expertscape bình chọn xếp hạng 58 trên tổng số gần 180 nghìn bác sỹ chuyên khoa hô hấp trên toàn cầu. Thời gian qua, ông không ngừng tham gia viết các báo cáo chuyên môn gửi chính phủ và các cơ quan y tế của Việt Nam; và trực tiếp có những kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu chính phủ Việt Nam với các bác sỹ tại Pháp và châu Âu vào tối 4/11 ( giờ địa phương). Về nội dung này, Quang Dũng, PV Đài TNVN thường trú tại Pháp có trò chuyên với Bác sỹ Đinh Xuân Anh Tuấn. Mời quý vị cùng theo dõi: ( Băng 7 phút)
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trước hết xin trân trọng cảm ơn Ông đã nhận lời trả lời Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Paris. Là chuyên gia y tế hàng đầu châu Âu và thế giới, xin ông cho biết nhận định của ông về tình hình Covid -19 trên toàn thế giới hiện nay và dự đoán của giới chuyên gia y tế thế giới về những diễn biến sắp tới của Covid-19 ?
BS Đinh Xuân Anh Tuấn: “Với góc nhìn của một chuyên gia, chúng tôi thấy vẫn còn 3 vấn đề chưa được giải quyết trên toàn cầu. Thứ nhất, con virus này có khả năng biến chủng rất cao và mối đe dọa của những biến chủng mới vẫn còn. Chúng ta biết rằng chỉ thực sự kiểm soát được khi bao phủ khắp toàn thế giới với những liều vắc xin hiệu quả và đầy đủ; có nghĩa là ít nhất 2 liều cho 80 % toàn dân số trên thế giới. Thứ hai về vắc xin, chúng ta biết có một số vắc xin hiệu quả nhưng vẫn chưa được phân phối được hết cho mọi người dân trên thế giới.
Và cuối cùng, vấn đề thứ ba khiến chúng tôi quan tâm và đôi khi e ngại là về thuốc chữa trị. Tuy có một số thuốc tương đối lạc quan, nhưng chưa có thuốc nào thực sự có khả năng chữa được những dạng nặng của Covid -19 có thể gây ra tử vong. Vì vậy, tôi xin tạm kết luận rằng tình hình tương đối khả quan nhưng chúng ta chưa đi hết con đường ngừa dịch, chống dịch và dập dịch.
Giáo su, Tiến sỹ, Bác sy Đinh Xuân Anh Tuấn.jpg |
PV: Một vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là có hay không tiêm cho trẻ em. Tại Pháp và châu Âu, trẻ em trên 12 tuổi đã được tiêm với tỷ lệ cao; và trong tuần này, cũng phải đưa ra quyết định đối với việc có hay không bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Bác sỹ có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
BS Đinh Xuân Anh Tuấn: “Thứ nhất các em có hệ miễn dịch tương đối hiệu quả hơn người cao tuổi nên có nguy cơ bị nhiễm nhưng từ bị nhiễm đến phát bệnh nặng đi đến tử vong rất thấp. Tất cả các thống kê trên thế giới tới nay cho thấy các em có nguy cơ bị bệnh nặng và dẫn tới tử vong cực thấp so với người cao tuổi. Thứ hai, nếu chúng ta thực sự muốn dập dịch thì đến lúc nào đó phải tiêm đủ vắc-xin cho tất cả mọi người tất cả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, với hai nhận định đó, chúng tôi có kết luận đã được tất cả các quốc gia Âu Mỹ đồng thuận là chỉ tiêm cho trẻ em khi nào mà những người cao tuổi, có bệnh nền, có nguy cơ bị lây nhiễm và tử vong đều được bao phủ bởi 2 mũi vắc xin. Vì thế, tại Pháp, châu Âu và Mỹ hiện nay đã tiêm cho trẻ em từ trên 12 tuổi và đang nghĩ đến tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi. Nhưng những quyết định đó đã chỉ được thực hiện sau khi 80 % người lớn tuổi đã được tiêm. Việt Nam và các nước trên thế giới cũng nên đi theo chiều hướng đó. Bởi vì chúng ta nên nhớ rằng trong số 100 người nhiễm Covid-19 đã có 80 người không có triệu chứng và không có dấu vết của bệnh đó cả, trong khi có một thiểu số sẽ bị bệnh nặng và đi đến tử vong khi mắc bệnh nên chúng ta phải ưu tiên cho số người có nguy cơ cao.”
PV: Là thành tiên hàng đầu tham gia Nhóm phản ứng nhanh đối phó với Covid -19 trong Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), ông đã liên tục tổ chức và tham gia hàng loạt các webinar về đại dịch Covid -19 và tác động đối với Việt Nam; cũng như viết các báo cáo chia sẻ thông tin và kiến nghị chuyên môn, góp phần hỗ trợ quê hương chống dịch hiệu quả. Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam ?
BS Đinh Xuân Anh Tuấn: “Thứ nhất, tôi rất mừng là tình hình dịch bệnh ngày hôm nay tương đối tạm ổn và đã được kiểm soát tại các thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội. Nhưng thứ hai, sự tạm ổn đó có thể chỉ là sự tạm ổn rất ngắn; bởi kinh nghiệm từ Pháp và châu Âu sẽ có đợt song sắp tới quay trở lại và chúng tôi rất mong những đợt sóng sắp tới ở Việt Nam sẽ giống như ở Pháp, là sẽ nhỏ và trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Nhưng thực ra chúng ta nên ví những đợt sóng dịch như những cơn hỏa hoạn; tuy có những đốm lửa nhỏ nhen nhúm tại một vài địa phương xa xôi nhưng nếu không kiểm soát tại những địa phương đó thì có thể bùng phát và gây ra hỏa hoạn ở khu vực lớn. Do đó điều chúng tôi lo lắng là không biết chúng ta đã thực sự kiểm soát được đợt dịch tại các địa phương xa xôi hay chưa; nghĩa là bao phủ 2 mũi vắc xin cho người dân hay chưa. Nếu chưa thì cơn sóng thứ 5 chắc chắn sẽ quay trở lại. Bởi vì thế nên cùng lúc thở phào sau khi các thành phố lớn kiểm soát được vấn đề thì phải tiếp tục phòng ngừa để dịch bệnh không tái phát như những tuần lễ hay những tháng vừa qua.”
PV: Vâng, thúc đẩy tăng cường thông tin và hợp tác chống Covid-19 nói riêng, hợp tác y tế nói chung là một ưu tiên lớn trong chuyến thăm Pháp chính thức lần này của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính. Cụ thể vào tối nay, ông sẽ cùng các bác sỹ tại Pháp trực tiếp gặp và trao đổi với Thủ tướng. Cá nhân ông dự kiến sẽ có những khuyến nghị gì tiếp theo đối với người đứng đầu chính phủ Việt Nam để đất nước chúng ta có thể đối phó tốt hơn và chung sống hòa bình với Covid -19 ?
BS Đinh Xuân Anh Tuấn: “Việc chúng ta cần trong thời gian tới là phải có những trao đổi thường xuyên hơn giữa những thông tin trong nước và những cập nhật từ nước ngoài. Đối với Covid -19, khó khăn của các nhà khoa học trên thế giới không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các quốc gia có nền khoa học hiện đại như Mỹ và châu Âu là sự biến đổi không ngừng của con virus và sự tương đối ít hiểu biết của chúng ta về con virus này bởi nó quá mới, mới chỉ vừa có 2 năm.
Trong khi virus có nhiều biến hóa và cơ thể của chúng ta cũng có nhiều mối nguy cơ khác mà chúng ta chưa có hiểu biết rõ ràng; do đó sự trao đổi và cập nhật thông tin rất là quan trọng. Tôi tính mỗi ngày có hơn 200 bài báo cáo về Covid trên toàn thế giới; không ai có thể đọc hết các báo cáo đó nhưng chúng ta có thể lọc những thông tin phù hợp với Việt Nam.
Nếu chúng ta làm được điều đó thì không những có phương cách ngăn ngừa dịch bệnh mà còn có khả năng tiên đoán những kịch bản tốt và xấu liên quan đến Covid; không cần tương lai xa lắm đâu, chỉ cần đoán trước trong vòng 3 tháng sắp tới, dịch bệnh sẽ xảy ra thế nào và ta sẽ có các phương án thế nào thì sẽ có sự chủ động trong phòng tránh dịch bệnh. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta không thể nào chủ quan đối với con virus này”.
Xin trân trọng cảm ơn Ông !