(VOV5) - Đối với nghiên cứu mới, chúng tôi dự kiến sẽ điều tra về các ca nhiễm Viêm gan C mới và thực trạng của những ca tái nhiễm.
Mới đây, Bộ Y tế Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ (GS TS BS Oka Shinichi), Giám đốc danh dự Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điều trị AIDS thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu của Nhật Bản đồng thời là Cố vấn trưởng “Dự án thiết lập hệ thống phản hồi thông tin từ phòng xét nghiệm tới người bệnh vì một chương trình thuốc kháng vi rút (ARV) bền vững và ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam” (dự án JICA・SATREPS). Trong những thành tựu về công tác phòng chống HIV mà Việt Nam đạt được thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của những chuyên gia quốc tế như GS, TS Oka Shinichi.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa Giáo sư Tiens sĩ Oka Sinichi, mới đây Bộ Y tế Việt Nam đã trao tặng ông Kỷ niệm chương: Vì sức khỏe nhân dân. Xin Giáo sư cho biết chút cảm nhận về niềm vinh dự này?
GS Oka Shinichi: Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương lần này. Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội để hợp tác với Việt Nam là vào năm 2007.
GS TS BS Oka Shinichi phát biểu tại Lễ trao tặng Kỷ niệm chương |
Kể từ đó đến nay, mọi thứ đã có nhiều thay đổi và tình hình liên quan đến HIV/ AIDS cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ. Tôi rất vui vì đã có cơ hội hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam trong một thời gian dài và quá trình hợp tác đó đã được công nhận.
Tuy nhiên, giải thưởng này đạt được không phải chỉ bằng nỗ lực của riêng tôi, mà nhờ sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, đây là phần thưởng dành cho toàn thể những người tham gia vào các biện pháp đối phó với HIV/AIDS của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (trái) trao Kỷ niệm chương cho GS TS BS Oka Shinichi. Ảnh JICA Vietnam. |
PV: Vâng, được biết JICA đang triển khai một dự án HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm hỗ trợ người bệnh và ngăn ngừa nhiễm mới HIV mới tại VN? Với vai trò là Cố vấn trưởng của dự án, Giáo sư có thể cho biết về Dự án này?
GS Oka Shinichi: “Dự án thiết lập hệ thống phản hồi thông tin từ phòng xét nghiệm tới người bệnh vì một chương trình thuốc kháng vi rút (ARV) bền vững và ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là dự án JICA・SATREPS) được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y tế Nhật Bản (AMED) và được thực hiện trong khuôn khổ Đối tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững (SATREPS). Đây là một sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội và nền kinh tế Việt Nam thông qua nghiên cứu chung quốc tế, và dự án của chúng tôi liên quan đến điều trị và dự phòng HIV.
Dự án có ba hoạt động chính: (1) Theo dõi việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút HIV đúng cách ở Việt Nam, (2) Kiểm chứng xem hiệu quả của PrEP, phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV mới đang được phổ cập hiện nay, có được duy trì hay không (3) Phát hiện và phân tích các phản ứng miễn dịch đặc biệt đối với các trường hợp không lây nhiễm HIV để góp phần phát triển vắc-xin HIV.
Với sự phát triển của y học, HIV đã trở thành một loại bệnh giống như bệnh mãn tính, nếu người bệnh duy trì dùng thuốc đều đặn thì bệnh sẽ không chuyển biến thành giai đoạn AIDS hoặc lây truyền sang người khác. Mặc dù vậy, các đột biến trong virus, chẳng hạn như những đột biến được thấy trong virus corona, là một mối đe dọa lớn, và điều quan trọng là phải ngăn chặn sự thất bại của điều trị và phòng ngừa bằng cách theo dõi xem liệu có xuất hiện virus HIV kháng thuốc hay không, và liệu nó có ảnh hưởng đến PrEP - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.
GS Oka Shinichi tại hội nghị chuyên đề về bệnh truyền nhiễm và hợp tác nghiên cứu y tế Châu Á. Ảnh JICA Vietnam |
PV: GS có thể đánh giá về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong đẩy lùi đại dịch AIDS những năm gần đây. Những khó khăn, thách thức hiện nay trong cuộc chiến với căn bệnh này
GS Oka Shinichi: Việt Nam là một trong những quốc gia có kết quả điều trị HIV/AIDS tốt nhất trên thế giới. Hiện nay, việc cung cấp thuốc không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, và đang được chuyển sang hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Tôi cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao và đang phải đối mặt với những thách thức mới, chẳng hạn như dấu hiệu của việc bùng phát lây nhiễm HIV trong nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới). Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần tính đến những thách thức được tạo ra bởi sự dịch chuyển dân số nhanh chóng trong giới trẻ và khả năng những người nhiễm HIV hiện sống ở các khu vực thành thị như Hà Nội và Hồ Chí Minh có thể dịch chuyển sang các khu vực khác.
PV: Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, để đạt được điều đó, theo Giáo sư, Việt Nam cần phải lưu ý điều gì trong thực hiện các giải pháp mục tiêu?
GS Oka Shinichi: Để tiếp tục kinh nghiệm thành công và mục tiêu loại trừ AIDS vào năm 2030, dự án hiện đang xem xét các khuyến nghị chính sách cho Bộ Y tế Việt Nam, trong đó có thể kể đến một số khuyến nghị bao gồm (1) Thúc đẩy cải cách thể chế linh hoạt để đạt được điều trị và chăm sóc HIV liền mạch, (2) Thúc đẩy phổ biến hơn nữa và cung cấp ổn định thuốc DTG, loại thuốc ức chế virus mới được kỳ vọng sẽ có hiệu quả cao, (3) Đảm bảo xét nghiệm di truyền cho virus kháng thuốc trong trường hợp điều trị thất bại, (4) Điều chỉnh chênh lệch về chất lượng điều trị và chăm sóc y tế giữa các tuyến bệnh viện cho người bệnh nhiễm HIV (5) Cải thiện chất lượng của PrEP v.v.
PV: Thưa giáo sư, Tới đây, ACC (giáo sư Oka) có những hợp tác nghiên cứu, đồng hành với VN như thế nào, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch HIV/ AIDS?
GS Oka Shinichi: Trung tâm nghiên cứu Phát triển điều trị AIDS và Trung tâm quốc gia y tế về sức khỏe y tế toàn cầu của Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu lâu dài với Việt Nam. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (NHTD) trong hơn 15 năm và thông qua dự án này đã thiết lập mối quan hệ nghiên cứu chung với Đại học Y Hà Nội. Tháng 11 năm 2023, chúng tôi đã ký văn bản ghi nhớ với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế để chuẩn bị cho những hợp tác tiếp theo.
Chúng tôi đã từng ký biên bản ghi nhớ với bệnh viện, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi ký biên bản ghi nhớ với một cơ quan chính phủ nước ngoài phụ trách HIV/ AIDS.
Dự án JICA-SATREPS hiện đang được triển khai sẽ kết thúc vào tháng 4 năm 2024, và trong tương lai chúng tôi muốn mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các lĩnh vực liên quan như đồng nhiễm viêm gan C và HIV, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam. Đối với nghiên cứu mới, chúng tôi dự kiến sẽ điều tra về các ca nhiễm Viêm gan C mới và thực trạng của những ca tái nhiễm. Chúng tôi tin rằng kết quả khảo sát sẽ giúp chúng tôi hiểu được gánh nặng về chi phí điều trị.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.