(VOV5) - Vừa qua, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Núi đôi ở Hà Giang |
|
PV: Thưa ông, năm 2017, du lịch Hà Giang có bước đột phá lớn, điều này được thể hiện qua con số cụ thể như thế nào, đặc biệt là số lượng du khách quốc tế đến với Hà Giang, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Năm 2017, khách du lịch đến Hà Giang đạt hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 900 tỷ đồng. Đặc biệt, khách du lịch quốc tế là gần 170 nghìn lượt. Năm 2017 lượng khách du lịch từ Đồng bằng SCL đến Hà Giang tăng đột biến, tăng trên 40%. Đây là những tín hiệu tốt. Chúng tôi cho rằng làm sao để tuyên truyền quảng bá cho du khách biết đến Hà Giang nhiều hơn, chúng tôi đang hướng tới làm sao du khách đến Hà Giang có nhiều nơi để vui chơi giải trí, nhiều sản phẩm để du khách có thể mua về tiêu dùng cũng như làm quà lưu niệm.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Ông Nguyễn Hồng Hải |
PV: Thưa ông, những tiềm năng, thế mạnh nào của tỉnh Hà Giang được quan tâm, giới thiệu trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Hà Giang đã xác định 3 vùng du lịch khá rõ nét. Thứ nhất, phía tây Hoàng Su Phì và Xí Mần. Đây là vùng chúng tôi xác định ruộng bậc thang, mùa nước đổ, mùa lúa vàng để làm điểm nhấn. Gắn với vùng này là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc và các lễ hội cũng vô cùng đặc sắc.
Thứ hai, các huyện dọc theo quốc lộ 2 và thành phố Hà Giang chúng tôi xác định lấy du lịch tâm linh, thăm chiến trường xưa, du lịch miệt vườn làm trọng tâm. Nói đến Hà Giang là nói đến cam sành, chè san tuyết… Đây là những sản phẩm chúng tôi sẽ kết hợp tour du lịch tâm linh gắn với tham quan miệt vườn rất tốt và hiện các doanh nghiệp đã triển khai khai thác. Thành phố Hà Giang là điểm nhấn xây dựng khu vui chơi giải trí, gắn với các làng văn hóa ở xung quanh quần thể Hà Giang và kết nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Đây là lợi thế để Hà Giang thu hút khách Trung Quốc và khách du lịch từ nước thứ 3.
Thứ 3 là Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là địa danh đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Chúng tôi đang triển khai khai thác sản phẩm văn hóa gắn với sản phẩm địa chất để làm sao khi du khách đến có thể lựa chọn. Gắn với đó là triển khai trồng hoa tam giác mạch để khách du lịch có không gian trải nghiệm, hòa mình vào những cánh đồng hoa bạt ngàn trên cao nguyên đá. Mùa xuân du khách được ngắm những rừng hoa mận, hoa đào trên công viên địa chất. Chúng tôi đang tập trung triển khai sản phẩm thương hiệu du lịch Hà Giang, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh cũng như bản sắc văn hóa của 19 dân tộc.
PV: Những sản phẩm văn hóa, du lịch nào được triển khai và kết nối để biến thế mạnh văn hóa trên thành sản phẩm du lịch trên địa bàn, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Hiện nay chúng tôi đang xây dựng các chuỗi sự kiện từ đầu năm đến cuối năm. Ví dụ, quý 1 gắn với du lịch tâm linh và du lịch thưởng ngoạn, ngắm các khu vực trồng hoa đào, hoa mận, hoa lê, trên khu vực công viên địa chất và du lịch miệt vườn. Quý 2 là du lịch mùa nước đổ. Quý 3 là lấy ruộng bậc thang, mùa lúa vàng ở khu vực phía Tây để thu hút khách đến với du lịch Hà Giang. Và sản phẩm đặc sắc là công viên địa chất tổ chức theo chuỗi sự kiện.
Chúng tôi đang tiếp tục lựa chọn những điểm nhấn trên công viên địa chất để khoanh vùng, tạo ra những điểm tham quan có tính chất quản lý và đầu tư để làm sao khi khách đến có những dịch vụ để phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất. Tôi hy vọng là xác định được sản phẩm, vùng miền, lợi thế bằng việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với 3 vùng đã nêu hy vọng năm 2018 và những năm tiếp theo, du lịch Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế, phấn đấu đến 2030 Hà Giang trở thành khu du lịch quốc gia.
Trẻ em Hà Giang vui chơi tại bản |
PV: Thưa ông, Hà Giang mong muốn gửi thông điệp gì đến bạn bè quốc tế thông qua Hội nghị này?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Qua Hội nghị hôm nay, Hà Giang muốn giới thiệu toàn cảnh về mảnh đất, con người, tiềm năng, lợi thế của Hà Giang đến với các vị khách quốc tế và mong muốn các đại biểu hôm nay cũng sẽ tuyên truyền về mảnh đất con người Hà Giang. Đầu tiên để cùng quảng bá cho Hà Giang và mời du khách đến Hà Giang. Thứ 2 là thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án có thế mạnh trên địa bàn Hà Giang như chế biến nông lâm sản, dược liệu, đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch, khu vui chơi giải trí, đầu tư phát triển khu kinh tế biên mậu. Hà Giang đã xác định 3 thế mạnh để tập trung cho phát triển đó là nông nghiệp chất lượng cao, du lịch và biên mậu. Đây là 3 mũi nhọn mà Hà Giang cần tập trung thu hút đầu tư cũng như nguồn lực để phát triển kinh té, nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!