Năm 2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam xác định chủ đề là: “Năm hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”.
Hội đã chỉ đạo các cấp hội triển khai nhiều hoạt động như đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế về hậu quả chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.
Hoạt động chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân da cam dioxin được triển khai thường xuyên.
Hội đã lên kế hoạch tổ chức gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến vì nạn nhân chất độc da cam, các triển lãm và giao lưu nghệ thuật...
Tuy nhiên, do dịch bệnh, cách thức hoạt động có điều chỉnh nhưng vẫn đảm bảo nội dung và ý nghĩa. Phóng viên đài TNVN phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin/Việt Nam về những nội dung này:
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, năm nay Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội triển khai hoạt động như thế nào trong tình hình dịch bệnh cho phù hợp với nội dung và đảm bảo an toàn?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Công tác vận động nguồn lực mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm toàn Hội đã vận động được hon 220 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Trung ương Hội đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị tổ chức triển lãm “Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại”; phối hợp với Trung tâm Phát thanh -Truyền hình Quân độitổ chức chương trình giao lưu-nghệ thuật “Hành trình khát vọng” và nhắn tin từ thiện “Vì nạn nhân chất độc da cam”.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội đã có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành Hội: Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm cho phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Các cấp hội phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về thảm hoạ da cam; công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hoá học; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân địa phương trong việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân và xây dựng tổ chức hội các cấp.
|
Đối với các địa phương chưa bị ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19, thì các tỉnh, thành Hội chủ động thực hiện kế hoạch kỷ niệm 60 năm bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đối với các địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa tổ chức được hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm hoạ da cam đã được cấp uỷ, chính quyền phê duyệt; thì ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, khẩn trương tổ chức hoạt động, trong đó chú trọng thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân; khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa và các hoạt động tri ân khác phù hợp thực tế địa phương. Trung ương Hội đã báo cáo các cơ quan chức năng xin tạm hoãn 3 sự kiện do Trung ương Hội chủ trì tại Hà Nội, gồm: Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân da cam lần thứ IV; Hội thảo khoa học và Mít tinh kỷ niệm 60 năm, cho đến khi nào đủ điều kiện, an toàn về phòng dịch thì sẽ tổ chức.
PV: Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là việc làm thường xuyên của các cấp hội ở các địa phương. Ông có thể cho biết những hoạt động của Hội năm nay, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Trung ương Hội thường xuyên theo dõi, nắm tình hình ở các tỉnh, thành hội và có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức hội các cấp và hội viên chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tích cực tham gia tiêm phòng Covid; nắm chắc hoàn cảnh của nạn nhân và gia đình nạn nhân, nhất là những hoàn cảnh khó khăn để báo cáo cấp ủy, chính quyền, phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chăm sóc, giúp đỡ kịp thời, với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi tự hào là tới nay, chưa có một cá nhân nào của Hội bị nhiễm COVID. Thường trực Trung ương Hội đã hướng dẫn các tỉnh, thành Hội tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về phát động phong trào nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19. Trung ương Hội và 100% các tỉnh, thành hội đã tích cực hưởng ứng, đạt kết quả thiết thực.
PV: Dư luận quốc tế luôn quan tâm và đồng hành với Việt Nam trong các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam. Vậy với vai trò của mình, Hội sẽ tiếp tục tham gia và tranh thủ sự ủng hộ của các nguồn lực trong nước và nước ngoài để đòi công lý cho các nạn nhân như thế nào, thưa ông?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Cùng với việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Hội luôn đồng hành và thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân. Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bạn bè, nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả nặng nề, lâu dài mà chất độc hoá học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam, để có thêm tiếng nói và hành động đòi Chính quyền Mỹ phải có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ, nhân dân Việt Nam khắc phục các hậu quả đó.Hội phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế; đòi Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hội đã ra tuyên bố và sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, Việt kiều đang sống tại Pháp, đồng thời tiếp tục ủng hộ những người bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam kiện các công ty hóa chất của Mỹ đòi bồi thường thiệt hại.
PV: Ông có thể thông tin về những hoạt động của Hội triển khai trong thời gian tới?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Chúng tôi tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, qua đó tăng cường vận động nguồn lực xã hội, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và ủng hộ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam trong đấu tranh đòi công lý. Hội cũng phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng do những nguyên nhân khác nhau mà chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Toàn Hội chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh. Hội đã quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng hòa bình thế giới. Hàng năm họ ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam. Hội luật gia dân chủ thế giới, là hội đã hỗ trợ tiến hành các vụ kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ và hiện đang tiếp tục hỗ trợ những vụ kiện mới. Hội còn quan hệ với các cựu chiến binh Hàn Quốc, những người tham chiến ở Việt nam. Vận động nghị sĩ Quốc hội ra dự luật ủng hộ các nạn nhân… Tất cả các tổ chức đều ủng hộ cho Hội về tinh thần và vật chất và có tác dụng rất lớn.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!