Hỗ trợ doanh nghiệp của người Việt ở Slovakia kết nối với doanh nghiệp trong nước

(VOV5)- Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Slovakia thông tin về việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt kiều kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp của người Việt ở Slovakia kết nối với doanh nghiệp trong nước - ảnh 1
Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Slovakia


Nghe âm thanh cuộc phỏng vấn tại đây.



Việt Nam có khoảng 4.000 người đang sinh sống tại Slovakia và có cuộc sống tương đối ổn định. Các doanh nghiệp người Việt chủ yếu tập trung kinh doanh về hàng ăn, làm đẹp và buôn bán ngoài chợ. Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Slovakia thông tin về tình hình làm ăn kinh doanh của bà con kiều bào và việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt kiều kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Phóng viên: Thưa bà, bà cho biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp người Việt tại Slovakia trong thời điểm hiện nay?

Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt: Cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia và doanh nghiệp người Việt Nam tại Slovakia làm ăn tương đối ổn định và có tính pháp lý tương đối vững chắc. Một số người rất thành đạt trong kinh doanh bất động sản, tham gia cổ phần vào các chợ của người Việt Nam, cho thuê bất động sản. Có một số doanh nghiệp mở cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng chế biến các món ăn Việt Nam, làm nail móng tay, làm đẹp. Phần lớn, bà con kinh doanh tại chợ.

Trong bối cảnh kinh tế của châu Âu trong năm vừa qua có khủng hoảng, tuy hiện nay có phục hồi nhưng còn đang chậm, do vậy, bà con mình vẫn gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn nhiều nhất là những người làm kinh doanh tại chợ. Bà con bây giờ đang phải dần dần chuyển đổi phương thức làm ăn. Và trong bước chuyển đổi làm ăn như vậy, vai trò của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Slovakia rất quan trọng, cần chia sẻ, kết nối và chung sức với nhau để trở thành những doanh nghiệp mang tính chất sản xuất và dịch vụ.

Phóng viên: Văn hóa chợ hiện nay không còn là phổ biến như trước nữa và có lẽ sẽ được thay thế dần bằng hình thức kinh doanh khác. Vậy theo bà, với những hình thức kinh doanh mới của người Việt hiện nay thì các doanh nghiệp kiều bào có nên chuyển đổi hay không?

Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt: Nên chuyển đổi và phải có thời gian, bởi không phải ai cũng chuyển đổi thành công được. Nhưng tôi nghĩ người Việt Nam mình trong cái khó bó cái khôn. Bao giờ người ta cũng biết tự vận động, tự vươn lên. Và có một đặc điểm là người Việt Nam sinh sống khá đông ở các nước Đông Âu trong đó có Slovakia, sống theo tính chất gia đình bởi vậy họ có thể hỗ trợ nhau để chuyển đổi. Ẩm thực Việt Nam, những món ăn Việt Nam nhất là phở và nem rất nổi tiếng ở Slovakia. Ẩm thực Việt Nam, các dịch vụ làm đẹp có thể là những hình thức kinh doanh mới có thể thay thế chợ. Và tôi nghĩ dù biến đổi đi đâu chăng nữa thì chợ có thể sẽ hiện đại hơn nhưng văn hóa chợ vẫn thân thuộc với người Việt. Nét văn hóa Việt này ở nhiều nước châu Âu vẫn chưa bỏ ngay được. Người ta có thể chuyển đổi thành những cửa hàng nhỏ của Việt Nam trong siêu thị như ở Cộng hòa Séc đang làm.

Phóng viên: Về phía đại sứ quán, đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia có những hình thức gì để hỗ trợ, gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam lại với nhau trong hoạt động kinh doanh?

Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt: Vì cơ sở, địa vị pháp lý của dng người Việt tại Slovakia rất vững chính vì thế nhiệm vụ của đại sứ quán là hỗ trợ khi cần thiết. Trước đây, đại sứ quán đã có một số lần kết hợp với Hội doanh nghiệp Việt kiều tổ chức các hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp sở tại, doanh nghiệp Việt Nam từ trong nước sang, tạo sự kết nối để doanh nghiệp kiều bào chia sẻ và có thể trở về trong nước đầu tư. Có những người đã về đầu tư trong nước thành công, có người thì kêu gọi doanh nghiệp trong nước sang Slovakia đầu tư. Năm 2014, FPT thực hiện một thương vụ lớn ở Slovakia. FPT đã mua lại một công ty phần mềm của Đức đóng tại Slovakia với 100% số vốn của FPT. Và hiện nay, FPT đang hoạt động thành công. FPT phấn đấu trong năm năm tới sẽ trở thành một trong 20 công ty phần mềm lớn của châu Âu. Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã ký một thỏa thuận hợp tác năm năm với FPT Slovakia trong đó FPT Slovakia có thể hỗ trợ về các hoạt động đối ngoại của sứ quán và cả đối ngoại nhân dân trong đó có hoạt động đối ngoại cộng đồng người Việt với sở tại. Ngược lại, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia sẽ quảng bá hình ảnh FPT tại nước sở tại, giúp kết nối FPT với cộng đồng bà con người Việt nhằm thu hút lực lượng trẻ người Việt Nam được đào tạo và làm việc tại FPT Slovakia. Đại sứ quán đã đồng hành và hỗ trợ FPT khá tốt.

Phóng viên: Ngoài ví dụ về sự hợp tác với FPT như bà vừa nói thì doanh nghiệp Việt kiều tại Slovakia có những hoạt động gì trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Slovakia?

Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt: Có nhiều dịp xuống trung tâm thương mại người Việt Nam ở thủ đô của Slovakia. Tôi thấy hàng Việt Nam bán rất nhiều, tôi rất phấn khởi. Có nhiều sản phẩm quen thuộc của người Việt Nam như nước mắm, gạo, mì ăn liền, hải sản Việt Nam được bán tại đây. Tôi nghĩ vai trò của doanh nghiệp đối với việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và quảng bá sản phẩm Việt Nam ở Slovakia rất tích cực. Nhưng chúng ta cần làm tích cực hơn nữa vì đây là chủ trương chung của Chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam. Chúng ta cần làm sao đưa được nhiều thương hiệu hàng Việt Nam vào Slovakia. Vì Slovakia nằm ở miền trung của Châu Âu. Từ Slovakia, có thể đưa hàng Việt Nam đi sang Cộng hòa Áo và các quốc gia lân cận khác. Tại Slovakia cũng có một vài doanh nghiệp chuyên kinh doanh thực phẩm châu Á trong đó thực phẩm Việt Nam là chủ yếu.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại sứ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác