Theo học giả Kavi Chongkittavorn - chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp phần nâng tầm quan hệ song phương Việt Nam - Thái Lan. Không chỉ nhấn mạnh sự tiếp nối quá khứ, chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 7-10/12 tới còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan phát triển tốt đẹp trong tương lai, hướng tới nâng tầm từ quan hệ Đối tác chiến lược trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là khẳng định của học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn - chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài TNVN thường trú tại Thái Lan trước thềm chuyến thăm.
Và điều quan trọng nhất, theo tôi được biết là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ thăm tỉnh Udon Thani trong ít nhất 2 ngày. Có thể nhiều người còn chưa biết, trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ khánh thành công trình được gọi là Phố Việt Nam (Việt Nam Town). Đây là con đường mang tên Việt Nam đầu tiên ở khu vực, nó cho thấy sự hiện diện và những dấu ấn đậm nét của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là sự công nhận của Chính quyền ở Thái Lan, đặc biệt là Chính quyền tỉnh Udon Thani về một địa danh được gọi là Phố Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa ở Thái Lan, bởi bạn biết đấy hơn 100.000 Việt kiều đang sinh sống, làm việc và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của địa phương sở tại.
Ngoài ra, tôi cũng biết rằng tại tỉnh Udon Thani cũng có khu di tích tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những năm tháng sinh sống tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan trong khoảng tháng 7/1928 để tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc xây dựng khu di tích tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm bảo tồn di sản là những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan.
Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới tỉnh Udon Thani không chỉ nhấn mạnh sự tiếp nối quá khứ, mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam phát triển tốt đẹp trong tương lai, hướng tới nâng tầm từ quan hệ Đối tác chiến lược trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong năm tới.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế? Hai nước có thể làm gì để tăng cường mối quan hệ hợp tác này?
Học giả Kavi: Ở đây có một số điểm chính chúng ta cần lưu ý. Trước hết, Thái Lan và Việt Nam đều nằm ở vị trí rất chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Thái Lan nằm trong vùng trung tâm của khu vực Đông Dương và Việt Nam có vị trí địa chiến lược trọng yếu, bên bờ, giáp với Biển Đông. Vì vậy, Thái Lan và Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác và tạo ra mối quan hệ cân bằng với tất cả các cường quốc có mong muốn hợp tác với cả Thái Lan và Việt Nam.
Thứ hai, Thái Lan và Việt Nam là những thành viên đóng vai trò quan trọng trong ASEAN. Thái Lan là Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, ngay sau đó Việt Nam tiếp quản cương vị này trong năm 2020. Sự tiếp nối vai trò dẫn dắt ASEAN của hai nước đã thực sự giúp củng cố và tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN với các nước đối tác đối thoại. Đó là lý do tại sao ASEAN hiện vẫn duy trì được mối quan hệ chặt chẽ và cân bằng chiến lược với các cường quốc, nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Và cuối cùng, điều rất quan trọng cần đề cập là Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công. Tôi nhận thấy trong những năm gần đây, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong phối hợp lập trường với Thái Lan để cùng thúc đẩy các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là cơ chế hợp tác ACMECS (Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong Economic Cooperation Strategy - Chiến lược hợp tác kinh tế cấp tiểu vùng Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong).
Hai nước đều có thể đóng vai trò quan trọng trong quản lý nguồn tài nguyên nước nhằm đảm bảo sử dụng tài nguyên nước bền vững và duy trì môi trường xanh. Một điểm khác mà tôi muốn nhấn mạnh đó là việc hai nước có thể cùng thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối để tạo dựng khả năng tự cường của chuỗi cung ứng khu vực Tiểu vùng. Rất nhiều người không cho rằng khả năng tự cường của chuỗi cung ứng Tiểu vùng sẽ có thể ngày càng được củng cố và mở rộng. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, Thái Lan và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau để thúc đẩy tiến trình này. Trên thực tế, hai nước đã và đang cùng nhau thực hiện một số điều mà tôi gọi là sáng kiến đổi mới. Ví dụ, Thái Lan và Việt Nam đang tích cực cụ thể hóa hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số và khởi nghiệp nhằm cụ thể hóa sáng kiến “3 kết nối”. Điều này cũng rất quan trọng giúp liên kết giữa khu vực tư nhân với chính phủ và giữa các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp của hai nước.
Phóng viên: Sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10 vừa qua của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha - Nukara, hai nước đã nhất trí chuẩn bị nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới (Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024). Ông nhìn nhận triển vọng hợp tác song phương như thế nào trên mọi lĩnh vực trong những năm tới?
Học giả Kavi: Vâng, những gì tôi có thể nói bây giờ là mối quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam hiện đang ở mức tốt nhất trong số các quốc gia ASEAN vì quan hệ hai nước không có vướng mắc, trở ngại gì. Đó là lý do hai nước sẽ quyết định nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong năm tới. Tôi phải nhắc lại rằng, có lẽ Thái Lan sẽ là quốc gia ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã thiết lập tầm quan hệ này với 5 quốc gia khác gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và mới đây nhất là Mỹ.
Tuy nhiên, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện không phải chỉ là tuyên bố chung chung trên giấy tờ, mà điều quan trọng là hai nước cần cụ thể hóa trong các lĩnh vực hợp tác cho tương xứng. Ví dụ, Thái Lan và Việt Nam có thể đề ra các chương trình hợp tác chung trong lĩnh vực đổi mới, khởi nghiệp bởi hai nước hiện đang có nhiều điểm tương đồng trong lĩnh vực này.
Phóng viên: Về hợp tác giữa Quốc hội hai nước, ông đánh giá thế nào về những tiềm năng hợp tác giữa cơ quan lập pháp của hai nước sau chuyến thăm sắp tới?
Học giả Kavi: Tôi nghĩ có hai điểm chính. Điểm đầu tiên, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp là rất quan trọng. Tiến trình hợp tác và hội nhập ASEAN thực ra phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách từ các cơ quan lập pháp. Nhiều người không nhận ra rằng Việt Nam hội nhập với ASEAN rất nhanh là do Quốc hội Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy lộ trình hội nhập ASEAN của Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2010, cơ quan lập pháp Việt Nam đã có những hoạt động nổi bật về cách thức điều chỉnh, sửa đổi hệ thống pháp luật để đảm bảo Việt Nam có thể tham gia hợp tác và hội nhập ASEAN ngày càng sâu rộng hơn. Với vai trò đó, tiến trình hợp tác và hội nhập ASEAN của Việt Nam diễn ra rất suôn sẻ.
Thứ hai, Thái Lan và Việt Nam hiện có rất nhiều cơ chế hợp tác song phương, trong đó có hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại của cơ quan lập pháp hai nước... Những cơ chế này hoàn toàn có thể được thúc đẩy đi vào chiều sâu trong thời gian tới. Tôi nghĩ, việc Quốc hội hai nước dự kiến ký kết Biên bản ghi nhớ trong chuyến thăm sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hợp tác này. Đây sẽ là khởi đầu thuận lợi để quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp Thái Lan và Việt Nam ngày càng phát triển toàn diện. Việc trao đổi đoàn cấp cao giữa cơ quan lập pháp hai nước cũng rất quan trọng. Cùng với đó, hoạt động giao lưu nhân dân được tăng cường sẽ giúp quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt hơn.
Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về chính sách đối ngoại của Việt Nam và những thành tựu đạt được trong thời gian qua?
Học giả Kavi: Chính sách đối ngoại của Việt Nam có một phạm vi rất rộng. Điều đó giải thích vì sao Việt Nam đã mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, đồng thời thiết lập và duy trì trạng thái cân bằng chiến lược với tất cả các cường quốc. Một minh chứng cụ thể là Việt Nam đã tham gia tới 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy mô toàn cầu. Để so sánh, Thái Lan là một nước tư bản, hiện mới chỉ tham gia 7 Hiệp định thương mại tự do. Điều này cho thấy sự năng động trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.