(VOV5) -Trong các phong trào hội đoàn nơi xa xứ, nhiều hội đồng hương có đóng góp không nhỏ trong việc đoàn kết cộng đồng, cũng như hướng về quê hương. Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan là một trong số những hội đoàn nhỏ nhưng có những hoạt động ý nghĩa như thế, ngoài ủng hộ từ thiện đặc biệt còn gây dựng được hàng trăm tủ sách cho các trường học tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh những năm qua, hưởng ứng phong trào Sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch – một người Hà Tĩnh khởi xướng. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, người đã từng là Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh nhiều năm về những hoạt động khởi phát của hội đoàn này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan (bên phải), cùng Đại sứ Vũ Đăng Dũng trong Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2019 tại Warszawa. |
PV: Thưa ông Trần Anh Tuấn, được biết trước khi là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, thì ông cũng đã là Chủ tịch một hội đoàn nhỏ hơn là Hội đồng hương Nghệ Tĩnh. Đây là một trong những hội đồng hương có các hoạt động phong trào rất mạnh ở Ba Lan cũng như hướng về đất nước. Ông có thể chia sẻ về những hoạt động của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh trước đây?
Ông Trần Anh Tuấn: Hội đồng hương Nghệ Tĩnh ra đời tương đối sớm trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, gồm cả Nghệ An, Hà Tĩnh. Hội đồng hương Nghệ Tĩnh hiện nay ở Ba Lan khoảng 3.000 người, và cũng là một hội viên tập thể của Hội người Việt Nam tại Ba Lan, tôn chỉ mục đích hoạt động chính là để phục vụ, giúp đỡ bà con Nghệ Tĩnh tại Ba Lan cũng như quê hương Việt Nam. Bà con Nghệ Tĩnh tại Ba Lan làm từ thiện luôn đầy đủ, và ngược lại ở Việt Nam cũng vậy. Chị biết rồi đấy, Nghệ Tĩnh thường xuyên bị bão lụt. Tất cả chúng tôi đều vận động bà con ở Ba Lan trợ giúp và trực tiếp gửi về. Tôi đã có lần đưa 20 tấn gạo về đến tận Nghệ An, Hà Tĩnh, trực tiếp đưa cho những gia đình bị thiệt hại nặng nhất, trực tiếp phát tận tay. Rồi mấy năm vừa rồi cũng vậy. Lúc tôi đưa bằng hiện vật về, có lần đưa về hơn 5.000 chăn bông, thậm chí có lần không biết nhu cầu bà con cần gì thì chúng tôi cũng phát trực tiếp bằng tiền. Bà con muốn trợ giúp trực tiếp tận nơi, trợ giúp bà con thiệt hại nặng nhất.
PV: Có lẽ một trong những dấu ấn mà tôi nhớ hơn cả là việc những người con của Nghệ An, Hà Tĩnh đã ủng hộ phong trào sách hóa nông thôn, xây dựng những tủ sách thư viện trách rất tốt cho Thanh thiếu nhi tại hai tỉnh này.
Ông Trần Anh Tuấn: Hai dự án chúng tôi đã từng có và đã làm: Thứ nhất, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa cho bà con, là hoạt động chúng tôi đã làm xong. Chúng tôi đã xây dựng gần 20 ngôi nhà tình nghĩa.
Và sau đó chúng tôi làm dự án đưa sách về theo dự án Sách hóa nông thôn của anh Thạch. Và hầu như các dự án chúng tôi hầu như trực tiếp đưa về các huyện đến tận từng cơ sở. Anh Thạch là người Nghệ Tĩnh, khi anh Thạch có sang thăm Ba Lan, thì chúng tôi tổ chức cho anh một buổi thuyết trình về Sách hóa nông thôn. Sau đó chúng tôi bắt đầu phát động phong trào và làm được hai năm. Dự án rất thành công, chủ trương là làm ở trường học thậm chí đưa tủ sách về từng lớp học. Chắc chắn sắp tới dự án vẫn sẽ tiếp tục.
Đại diện Hội đồng hương Nghệ Tĩnh ở Ba Lan trao tặng sách trong phong trào "Tủ sách cho em" cho đại diện các trường học năm 2016, . - Ảnh: Báo Nghệ An |
PV: Vâng công việc ý nghĩa đó thì chắc là sẽ tiếp tục vì ông cũng đã từng có lần nói những người kế nhiệm ở Hội đồng hương Nghệ Tĩnh hiện nay rất tâm huyết và sẽ còn làm tốt hơn cho cộng đồng. Với bản thân ông, là một người con của Nghệ An, Hà Tĩnh cũng từng là một nhà khoa học và hiện tại vẫn đang làm doanh nghiệp, cũng tham gia cũng tham gia rất nhiều trong tất cả các phong trào chung của cộng đồng, thì những việc làm này phải từ một sự trăn trở, suy nghĩ nào đó?
Ông Trần Anh Tuấn: Quá trình kiếm sống của chúng tôi hồi xưa rất vất vả, gian khổ. Nói chung để kiếm được đồng tiền ở Châu Âu không phải dễ tí nào, thậm chí khó khăn hơn một số lớp trẻ bây giờ kiếm tiền ở Việt Nam. Tôi nghĩ như vậy. Rất khó khăn! Bây giờ cơ hội làm giàu nhanh ở các nước phát triển ổn định rồi thì rất khó. Khi mình cũng không phải vất vả như hồi trước nữa, mà mình thấy bà con cũng như những người mới sang quá vất vả, tôi nghĩ lại ngày xưa mình vất vả, thậm chí vất vả hơn những bà con mới sang, vì hồi xưa tôi không có ai giúp đỡ cả, mình là thế hệ đầu tiên. Bây giờ mình có khả năng hơn, tôi muốn trợ giúp một số người là vì như vậy. Vì bà con mình nhiều người vất vả lắm. Trên cơ sở đấy tôi và mọi người người sáng lập ra Hội đồng hương Nghệ Tĩnh.
Và quan trọng nhất là những việc làm từ thiện, trợ giúp bà con. Cái đấy tôi nghĩ là trọng tâm nhất, ở đâu cũng thế thôi, hội đoàn nào cũng thế, để gắn bó với bà con, gắn bó với cộng đồng. Làm được tốt điều đấy đã sau mới vươn lên làm việc khác.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và mong cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan ngày càng đoàn kết và phát triển hơn nữa