(VOV5) -Trong đào tạo nghề, làm thế nào Việt Nam thúc đẩy sự hỗ trợ sự kết nối giữa nhà trường- doanh nghiệp cũng như với các tổ chức, hiệp hội nghề ở Việt Nam.
Việt Nam và Đan Mạch xây dựng quan hệ chặt chẽ suốt gần một thập kỷ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Để tăng cường hợp tác, năm 2016, hai nước quyết định tập trung chương trình ngành chiến lược vào Giáo dục dạy nghề với trọng tâm là xây dựng một Dự án về Giáo dục đào tạo nghề giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam chuyên gia và cung cấp nguồn lực hạn chế để triển khai dự án.
Bên lề hội thảo tổng kết giai đoạn thí điểm, PV Đài TNVN phỏng vấn ông Torben Shchuster, Giám đốc dự án hợp tác Giáo dục dạy nghề Việt Nam - Đan Mạch.
PV: Chào ông Torben Schuster, xin ông cho biết mục tiêu của dự án hợp tác Giáo dục dạy nghề - được xem là một trọng tâm trong hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Đan Mạch hiện nay.?
Ông Torben Schuster: Mục tiêu của dự án này chính là tìm cách hỗ trợ hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, nâng cao tính hiệu quả và thiết thực. Trong đó kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chương trình giảng dạy, giáo dục nghề tại Việt Nam. Trên thực tế là sau khi sinh viên tốt nghiệp, họ không có kiến thức, hiểu biết thực tế mà họ sẽ phải làm nên rất khó để tìm được việc làm phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen chứng kiến Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh và Vụ trưởng Rasmus Vanggard Knudsen ký ý định thư hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Đan Mạch.- Ảnh Bô LĐTBXH online |
Về cơ bản, dự án hướng đến mục đích thu hẹp chênh lệnh giữa kỹ năng và năng lực của sinh viên tốt nghiệp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Việc kết nối nhà trường với công ty sẽ giúp sinh viên có kiến thức, kỹ năng thực tế, hiểu môi trường làm việc cũng như những yêu cầu khác từ nghề mà họ đang học. Và, cũng từ đó, những trường nghề sẽ cập nhật vào chương trình giảng dạy để làm sao khi ra trường sinh viên có thể tìm được công việc đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thực trạng của thị trường lao động. Tôi tin rằng, lĩnh vực dạy nghề trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội việc làm cho giới trẻ Việt Nam. Người Việt rất chăm chỉ và thông minh nên nếu họ được tiếp cận với một hệ thống giáo dục phù hợp hơn nữa thì nguồn lực tiềm năng này sẽ rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam.
Giám đốc Dự án, ông Torben Schuster (Ảnh ôm hoa) làm việc với Trưởng CĐ Nghề Hiệu trường Phạm Đức Vinh - Ảnh Bộ LĐTBXH online |
PV: Thưa ông, trong quá trình triển khai, dự án gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Ông Torben Schuster: Thuận lợi trong triển khai dự án thí điểm là chúng tôi đã xác định những hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Ví dụ, chúng tôi đã rất nỗ lực kết nối nhà trường và doanh nghiệp. Dự án cũng tập trung vào việc thay đổi chương trình giảng dạy của các trường được thí điểm, làm sao để quá trình đào tạo này có sự tham gia thiết thực hơn của các doanh nghiệp. Sinh viên đang học có cơ hội thực tập, hiểu được kiến thức thực tế trong ngành học của mình. Qua triển khai, chúng tôi thấy rằng, hoạt động này rất cần thiết và phù hợp trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam.
Còn về thách thức, cách tiếp cận mà chúng tôi đưa ra là khá mới mẻ đối với không chỉ với doanh nghiệp mà cả với những trường dạy nghề. Chính vì vậy mà chúng tôi gặp một số khó khăn như là làm thế nào để thực hiện một cách phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam. Khi tìm được cách làm rồi thì làm sao cho khả thi và những kinh nghiệm mà chúng tôi mang đến có thể vận dụng được.
Ông Torben Schuster đánh giá kết quả giai đoạn 1 dự án ( 2017-2019) |
PV: Xin ông cho biết những kết quả ban đầu và nhìn từ góc độ dự án, ông có kiến nghị gì để cải cách hệ thống đào tạo nghề công lập ở Việt Nam?
Ông Torben Schuster: Sau 2 năm làm dự án, chúng tôi đã thành lập được các Hội đồng kỹ năng nghề địa phương với vai trò là đầu mối liên lạc giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các thành viên của Hội đồng đã nhất trí được cách thức cũng như phương hướng hoạt động. Nhờ có Hội đồng này mà các chương trình đào tạo của các trường tham gia dự án đã được điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các trường nghề cũng đạt được thỏa thuận ban đầu với các doanh nghiệp tham gia là sẽ cho sinh viên thực tập để bổ sung kiến thức thực tế. Kết quả lớn nhất, đó là chúng tôi có được sự ghi nhận của các bên liên quan trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam về ý nghĩa cũng như tính thiết thực của cách làm mới này. Điều đó tiếp tục cho chúng tôi thêm quyết tâm để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Bài học chính rút ra từ giai đoạn thử nghiệm này là làm thế nào chúng ta tăng cường được những chính sách để có thể thúc đẩy sự hỗ trợ sự kết nối giữa nhà trường- doanh nghiệp cũng như với các tổ chức, hiệp hội nghề ở Việt Nam, để các bên tham gia nhiều hơn vào chương trình đào tạo ngành nghề chiến lược này.
Đan Mạch và Việt Nam nhất trí tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án (2019-2022) |
PV: Dựa trên thành công của dự án thí điểm, Đan Mạch và Việt Nam nhất trí tiếp tục giai đoạn 2, kế hoạch hành động trong chương trình tiếp theo là gì, thưa ông?
Ông Torben Schuster: Bên cạnh tiếp tục những hoạt động đã triển khai, chúng tôi sẽ chú trọng tìm kiếm đối thoại chính sách và cải thiện hợp tác với các đối tác quốc tế khác. Trong giai đoạn 1, chúng tôi đã triển khai thí điểm với một số trường nghề trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và nội thất. Giai đoạn tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm ngành chế biến thực phầm. Sở dĩ, chúng tôi chọn lĩnh vực này bởi vì hiện nay an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam. Vì thế, Đan Mạch cũng góp muốn góp phần giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này, một phần là vì sức khỏe của người dân, đồng thời hỗ trợ Việt Nam có thể xuất khẩu thực phẩm sang những thị trường lớn trên thế giới.
Một lý do nữa là, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm ở Đan Mạch quan tâm đến thị trường Việt Nam.Chính vì thế, chúng tôi bổ sung thêm ngành này, vì lợi ích chung cho cả Việt Nam và Đan Mạch.
PV: Vâng, Xin trân trọng cảm ơn ông.