Hợp tác nhóm để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh
Bảo Trang -  
(VOV5) - Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã xây dựng thành công mô hình đô thị, thành phố thông minh. Thành phố thông minh là công cụ để giúp chính quyền vượt qua một số thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Theo nhiều chuyên gia, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, những thách thức hiện hữu chính là vấn đề ách tắc giao thông và giải quyết ngập lụt. Về vấn đề này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Việt kiều ở Canada, người có hơn 20 năm trong ngành kiến trúc và quy hoạch, từng thành công với nhiều dự án lớn cả ở trong nước và nước ngoài.
|
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn |
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa TS Ngô Viết Nam Sơn, ông đã có nhiều năm làm việc trong ngành quy hoạch, kiến trúc ở nước ngoài, đồng thời cũng có nhiều công trình ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM. Theo ông, để phát triển TPHCM thành đô thị thông minh thì cần tập trung vào những lĩnh vực gì?
TS Ngô Viết Nam Sơn: Theo tôi có 3 lĩnh vực mà thành phố nên ưu tiên cho phát triển về hướng thành đô thị thông minh. Thứ nhất là áp dụng các ứng dụng thông minh để quản lý giao thông, giảm ách tắc giao thông. Ví dụ như quản lý những điểm hay ách tắc và giới thiệu những tuyến đường có thể thay thế để không chỉ cơ quan quản lý và người dân khi sử dụng đường trong tình trạng đó họ có thể dùng điện thoại để kiểm tra, biết được những tuyến đường nào đang kẹt và những tuyến đường nào thông, để họ cùng tham gia giải quyết vấn đề ách tắc. Vấn đề thứ 2 là dùng ứng dụng thông minh để kiểm soát ngập lụt, biến đổi khí hậu và mưa. Khi sắp có những cơn mưa lớn có thể gây lụt thì người dân có thể xác định những điểm đó và họ có thể sớm chuẩn bị để ứng phó với những điều này, làm cho cuộc sống người dân ít bị xáo trộn và thành phố sẽ bớt thiệt hại do có sự chuẩn bị tốt. Thứ ba là việc tổ chức hệ thống thông minh để các sở, ban, ngành có thể phối hợp với nhau, giải quyết giấy tờ cho người dân một cách hiệu quả, quản lý nâng cấp hạ tầng như phối hợp sửa chữa cùng một lần chứ không phải là làm riêng biệt, tốn kém và không hiệu quả như trước đây.
PV: Những giải pháp mà ông đưa ra sẽ chiếm kinh phí như thế nào?
TS Ngô Viết Nam Sơn: Nó chỉ là tích hợp thông tin và đưa lên mạng thôi, không tốn kém. Ví dụ như quản lý thông minh đường xá, có camera theo dõi các tuyến đường và đưa lên bản đồ. Tất cả mọi người đều có thể truy cập bản đồ này để có thể tránh những khu vực bị ách tắc… Những cách giải quyết như vậy tôi nghĩ là không mắc tiền, không cần đến tự động hóa nên kinh phí ít và hiệu quả. Đến khi có kinh phí chúng ta sẽ làm những cái phức tạp hơn. Cái này các nước đã làm rồi và rất hiệu quả, rất rẻ tiền.
PV: Vâng, còn những giải pháp cụ thể, theo ý kiến của riêng ông?
TS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi là chuyên gia quy hoạch kiến trúc, tôi đã làm nhiều dự án trên thành phố HCM như cùng các bạn đồng nghiệp làm dự án Phú Mỹ Hưng, Nam Sài gòn, làm quy hoạch vùng đô thị TPHCM và các dự án khác ở Huế, ở Hà Nội… Đô thị thông minh theo tôi cái cốt lõi không phải là thiết bị mà là cơ cấu tổ chức, và con người sẵn sàng hợp tác nhóm với nhau. Hiện nay đây là 1 điểm yếu, các sở ban ngành có xu hướng hoạt động động lập, như vậy cơ chế thông minh này sẽ không tác dụng cao nếu các sở ban ngành tiếp tục hoạt động độc lập như vậy. Theo tôi điểm đầu tiên, nếu muốn có được hiệu quả thì trước khi chúng ta mua thiết bị đắt tiền về thì cần có cơ chế làm sao để tất cả các sở ban ngành cùng phối hợp lại. Ví dụ như khi mở những con đường như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, chúng ta mới chỉ cải tạo mở đường, làm hạ tầng cho đường chứ chưa quy hoạch cho hai bên. Lý do là chúng ta thiếu ngân sách, và sự phối hợp còn lỏng lẻo, chúng ta cũng chưa tận dụng được cơ hội cho các công tư hợp tác, các nhà đầu tư tư nhân có thể cùng tham gia. Như vậy, với cơ chế như đô thị thông minh phát triển hiệu quả, mọi người cùng tham gia, thì tôi hình dung ra chúng ta có thể chọn một khu vực nào đó để phát triển. Phát triển đô thị thì không chỉ không kẹt xe, không ngập lụt, nhà cửa có điều kiện tốt và mọi người có thể có được thông tin ở trong khu vực mình sống. Tôi cho rằng chúng ta có thể phát triển từ những khu vực hay những quận rồi từ từ lan ra, như vậy sẽ khả thi hơn là đặt ra mục tiêu toàn bộ thành phố là đô thị thông minh.
PV: Xin cảm ơn ông.
Bảo Trang