(VOV5) - Bảo tồn hay trùng tu làm sao chúng ta phải tạo cho tòa nhà đó một sức sống mới, giá trị tăng thêm bởi nếu không nó sẽ bị lãng quên và xuống cấp nhanh chóng.
Kiến trúc sư tài năng Michele de Lucchi vừa trở thành Đại sứ thiết kế Italia tại Việt Nam năm 2019. Trong vai trò của mình, KTS Michele de Lucchi sẽ cùng các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng để giúp phát triển Hà Nội trở thành một thành phố thông minh và điểm đến du lịch của tương lai. Bên lề sự kiện Ngày thiết kế Italia mới đây, đại sứ thiết kế Michele de Lucchi trả lời phỏng vấn VOV5 về một cách tiếp cận mới cho sự phát triển thông minh của Hà Nội.
Kiến trúc sư người Italia Michele de Lucchi tác giả nhiều công trình nổi tiêng và khu nghỉ dưỡng sang trọng nhiều nơi trên thế giới. - Nguồn www.micheledelucchi.it |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào KTS Michele de Lucchi, Italia có nhiều di tích nổi tiếng như Tháp nghiêng Pisa, đấu trường La Mã, Bảo tàng Vatican, dinh Venezia... Xin ông cho biết đôi nét về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ở Italia?
KTS Michele de Lucchi: Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhưng may mắn Italia vẫn giữ được khá nhiều công trình lịch sử nổi tiếng. Về công tác bảo tồn, duy tu kiến trúc cổ, chúng tôi luôn ưu tiên vào việc làm sao phải biến đổi những công trình cũ đó theo một chức năng và một cơ cấu tổ chức mới sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Nghĩa là chúng ta phải tạo cho tòa nhà đó một sức sống mới bởi nếu không nó sẽ bị lãng quên và xuống cấp nhanh chóng.
Công việc của KTS chính như chúng tôi là sáng tạo ra những "chức năng mới" cho tòa nhà, chẳng hạn như phân chia lại kết cấu các phòng sao cho hợp lý nhưng không làm hỏng kết cấu cũng như giá trị nguyên bản của nó. Quan trọng là bảo tồn, trùng tu như thế nào để cho chúng một giá trị sử dụng nhất định phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Mặt khác, bảo tồn cũng không hẳn giữ nguyên mà đôi khi phải biến đổi, chẳng hạn biến một biệt thự cổ thành viện bảo tàng hay triển lãm. Một cách khác mà ở Italia hay làm trong bảo tồn di sản là biến những tòa nhà cũ thành trung tâm phục vụ công tác cộng đồng hay là thay đổi những tòa nhà cổ kính thời Phục Hưng thành khách sạn. Những cách làm đó gần như không có nhiều sự can thiệp mới ảnh hưởng đến kết cấu cũ.
Hội thảo hợp tác Italia và Việt Nam về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội. |
PV: Như vậy là việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ còn mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực phải không thưa KTS?
KTS Michele de Lucchi: Bảo tồn di sản văn hóa thông qua công trình kiến trúc là vô cùng quan trọng bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Khi tiến đến tương lai, chúng ta lúc nào cũng muốn biết cội nguồn của mình từ đâu. Khi mà các thành phố phát triển với số lượng dân cư ngày càng lớn thì không gian sống ngày càng bị thu hẹp và cảnh quan thiên nhiên cũng vậy. Chính vì thế việc bảo tồn và tái sử dụng các công trình di tích lịch sử ngày một cấp thiết hơn. Theo quan điểm của KTS thì lợi ích kinh tế lớn nhất từ việc bảo tồn chính là mang lại lợi ích thiết thực chung cho tất cả mọi người. Nghĩa là chúng ta phải có được một giải pháp mà ai cũng được hưởng không gian đẹp hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn, giao lưu với nhau nhiều hơn. Khi đó tự khắc lợi ích kinh tế sẽ sinh ra một cách tự nhiên. Chứ không phải tạo ra giá trị tăng thêm cho tòa nhà chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích.
Khách sạn Sofitel Metropole ở Hà Nội, công trình do người Pháp xây dựng là một điển hình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.- ẢnhVTC |
PV: Thưa KTS, sự phát triển dân số nhanh ở các thành phố lớn hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến việc bảo tồn những giá trị của công trình kiến trúc cổ không?
KTS Michell de Lucchi: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dựa trên sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ. Dân số phát triển quá nhanh đã gây ra nhiều vấn đề như giao thông, ô nhiễm, thiếu diện tích ở. Xây dựng nhà cao tầng khắp nơi làm phá vỡ cảnh quan của kiến trúc cổ. Chúng ta đã giải quyết bằng những giải pháp chưa từng làm trong quá khứ, ví dụ người ta hay nói đến kinh tế chia sẻ. Chúng ta cũng đã đầu tư rất nhiều và khá hiệu quả vào công nghệ cho nền kinh tế chia sẻ kinh tế số nhưng nhiều khi lại lãng quên giá những trị truyền thống.
Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là chúng ta phải cẩn thận bởi đây là thời đại của kỹ thuật số, cũng có thể đem lại nhiều rủi ro và nguy hiểm khi mà số lượng dữ liệu không phải nằm trong tay của một người. Tới đây tôi sẽ chia sẻ một dự án của tôi là Earth Station- tạm dịch là nhà ga Trái đất. Đây là nơi người ta có thể hòa hợp với nhau, với thiên nhiên, với lịch sử theo cái cách mà chúng ta chưa từng làm trong quá khứ. Bởi vì, chưa bao giờ trong quá khứ dân số Trái đất lại lại đông như hiện nay. Vì thế cần phải có một giải pháp mới với cách thức xử lý mới.
Ngày thiết kế Italia 2019 tại Hà Nôi |
PV: Theo KTS thì Hà Nội nên ưu tiên áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nào để từng bước phát triển theo hướng thông minh và bền vững thưa KTS?
KTS Michele de Lucchi: Đúng là không thể phủ nhận xu hướng phát triển thành phố thông minh trong kỷ nguyên của công nghệ và mạng lưới kỹ thuật số như hiện nay. Với Hà Nội thì tôi nghĩ rằng trước hết nên đầu tư và sử dụng công nghệ vào giao thông, vào các phương tiện di chuyển công cộng. Chúng ta phải thay đổi tư duy là cá nhân sử dụng phương tiện riêng như thế nào cho mục đích công cộng chứ không phải là sở hữu chúng cho mục đích cá nhân. Về việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn kiến trúc cổ thì ở thời điểm nào thì khi làm việc này cần phải tìm hiểu sâu sắc xem người xưa tạo ra công trình này với mục đích gì, công năng sử dụng ra sao, để từ đó dù có dùng công nghệ, kỹ thuật số hay cách nào đi nữa cũng không được làm mất đi giá trị nguyên bản của nó, thậm chí còn tạo thêm cho chúng giá trị tăng thêm. Không giống Italia, Việt Nam có dân số trẻ nên các bạn dễ tiếp cận cái mới và linh hoạt trong ứng dụng công nghệ. Tôi rất tò mò xem, người Việt Nam ứng dụng công nghệ thông minh như thế nào vào trong mọi mặt đời sống.
Workshop tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Đại học Xây Dựng và Đại học Phương Đông. |
|
PV: Khi mới đến Hà Nội, ông ấn tượng như thế nào về phong cách kiến trúc ở đây?
KTS Michele de Lucchi: Hà Nội là một thành phố có nhiều công trình kiến trúc thời thuộc địa của Pháp. Rất đẹp và hợp với cảnh quan. Cùng với đó, Hà Nội cũng có rất nhiều tòa nhà. Tôi sẽ đi nhiều hơn để tìm hiểu là về lịch sử của các công trình gắn với văn hóa truyền thống của người Việt nữa cũng như việc các bạn tái sử dụng chúng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày và cũng muốn biết chúng có nét tương đồng nào với kiến trúc của Italia không.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông.