(VOV5) - Việt Nam cần suy nghĩ nghiêm túc về mô hình phát triển kinh tế bền vững, phải đưa các yếu tố liên quan biến đổi khí hậu,các nhóm dễ bị tổn thương vào quy hoạch chiến lược.
Việt Nam và Liên hợp Quốc có một mối quan hệ đối tác lâu đời từ kể từ năm 1977. Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam đã tranh thủ được sự hỗ trợ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên Hợp quốc để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam càng muốn đẩy mạnhmối quan hệ này và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác với Liên hợp quốc. Về nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn ngài Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hơp quốc tại Việt Nam.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra- Ảnh UN |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trước hết xin cảm ơn Ngài khi nhận trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài TNVN. Ngày này, cách đây 74 năm (26/6/1945-26/06/2019), Hiến chương Liên hợp quốc được ký kết. Nhân dịp này, xin Ngài một vài đánh giá về quan hệ đối tác hiện nay giữa Việt Nam và Liên hợp quốc?
Ông Kamal Malhotra: Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam trong các hoạt động tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ đổi mới, từ xây dựng văn bản pháp luật, hành chính các thời kỳ, đến giai đoạn thực hiên mục tiêu Thiên niên kỷ và bây giờ là mục tiêu Phát triển bền vững. Tôi nghĩ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc luôn tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam là một quốc gia có sự ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và quan hệ đa phương. Hiện nay, là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam còn đóng góp tích cực và mong muốn có vai trò lớn hơn nữa trong khu vực và trên thế giới.
Những cố gắng và đóng góp của Việt Nam thể hiện qua việc Việt Nam tham gia vào Lực lượng gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc và lần thứ 2 Việt Nam được chọn là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA). Về phía Liên hợp quốc, chúng tôi vui mừng về những kết quả này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Điều phối viên thường trú LHQ Kamal Malhotra thăm một trang trại theo mô hình phát triển Xanh, Sạch, thân thiện với môi trường tại Sơn La (tháng 3/2019).- Ảnh UN
|
PV: Vậy, Xin ông cho biết những ưu tiên trong hỗ trợ của Liên hợp quốc trong kế hoạch chiến lược đã ký với chính phủ Việt Nam từ nay cho đến năm 2021?
Ông Kamal Malhotra: Liên hợp quốc đã ký một kế hoạch chiến lược với chính phủ Việt Nam giai đoạn 2017-2021 với mấy ưu tiên sau đây.Thứ nhất là tập trung vào con người, thể hiện bằng việc cải tiến các dịch vụ xã hội, bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau. Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu với các dự án, những cải tiến để có năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Vấn đề thứ 3, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để thiết kế chính sách, phát triển kinh tế . Hi vọng, Việt Nam có thể phát triển một chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế một cách bền vững. Cuối cùng chúng tôi tập trung hỗ trợ cải thiện vào chất lượng quản trị công, cải thiện hệ thống pháp lý và đảm bảo xây dựng cũng như củng cố tốt hơn quyền con người và tập trung xây dựng, gìn giữ hòa bình trên thế giới. Những ưu tiên này nhất quán với chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Đây cũng là những gì mà chúng tôi đang hợp tác tốt đẹp với đối tác Việt Nam hiện nay.
Quỹ Nông nghiệp phát triển quốc tế IFAD riển khai một dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long |
PV:. Thưa ông Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020 và vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Ông kỳ vọng như thế nào về những gì Việt Nam có thể làm được thời gian tới?,
Ông Kamal Malhotra: Việt Nam và thế giới hiện nay đang ở trong một giai đoạn nhiều thách thức. Các vấn đề ở góc độ toàn cầu và khu vực.Bản thân trong Hội đồng Bảo an cũng còn nhiều điểm khác biệt. Tôi nghĩ, Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối, nhân tố hòa giải cho sự khác biệt và chia rẽ của các bên. Bởi vì, Việt Nam là một người bạn đáng tin cậy của nhiều quốc gia. Rồi những vấn đề nóng bỏng như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chẳng hạn.Việt nam đã làm tốt khi là nước chủ nhà cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên tại Hà Nội. Điều thứ 2 mà Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong vấn đề khủng hoảng chính trị, nhân đạo liên quan đến người tị nạn Rohingya ở Myanmar. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu ở khu vực cũng như của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Với vai trò là một quốc gia được tin cậy, tôi tin rằng Việt Nam có thể giúp giải quyết được một phần vấn đề này. Ngoài ra, cùng thời điểm đó, Việt Nam sẽ là chủ tịch Luân phiên ASEAN 2020, như thế Việt Nam có một vị thế độc nhất vô nhị khi đảm nhiệm cùng một lúc 2 trọng trách vô cùng quan trọng. Điều này có thể giúp huy động sức mạnh tổng lực, bổ sung cho các mối quan hệ ở cấp độ toàn cầu và khu vực một cách thống nhất. Tôi nghĩ, Việt Nam đang ở trong một vị thế rất tốt có thể chia sẻ những kinh nghiệm tái thiết đất nước, khôi phục hậu quả chiến tranh cho những nước vừa thoát khỏi xung đột. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là Việt Nam tham gia ngày càng lớn hơn vào sứ mênh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mong rằng đây cũng là dịp để Việt Nam học hỏi để có thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt vai trò tích cực của mình trong những năm tới.
Quân nhân tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan- TTXVN) |
PV: Theo ông, những gì Việt Nam cần tập trung ưu tiên trong phát triển để có thể hoàn thành những mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030?
Ông Kamal Malhotra: Những thành tựu phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam có tính chuyển đổi mạnh mẽ nhất là trong 30 năm trở lại đây. Tôi nghĩ, thách thức quan trọng của Việt nam là tiếp tục tiến lên để đạt được một mức mới. Quãng đường tới đây của Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời kỳ từ một nước thu nhập thấp trở thành một nước thu nhập trung bình thấp. Để trở thành một nước có thu nhập bình quân cao đòi hỏi Việt Nam có một hệ thống quán trị công rất tốt điều đó không chỉ phụ thuộc vào thành tựu phát triển kinh tế nói riêng.
Cho đến lúc này, những gì Việt Nam đã làm rất tốt đặc biệt là lĩnh vực xóa nghèo, phổ cập giáo dục nhất là bậc tiểu học trung học cơ sở tốt. Về lĩnh vực chăm sóc y tế người dân đạt thành tựu nhưng cần nỗ lực hơn rất nhiều.Việt Nam cũng đạt được một số mục tiêu thiên niên kỷ trước kỳ hạn nhưng để đạt được các mục tiêu bền vững đến 2030 thì Việt nam cần phải nỗ lực hơn rất nhiều trong đối phó với tác động của biến đổi khí hậu đặc biệt là mục tiêu về quản trị tài chính công.
PV: Làm việc tại Việt Nam với vai trò là Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Ông có cảm, nhận như thế nào về đất nước, con người Việt Nam thưa ông?
Ông Kamal Malhotra: Tôi từng đi đi đến đến Việt Nam trong 30 năm nhưng sống ở đây hơn 2 năm. Những gì tôi cảm nhận là người dân Việt Nam chăm chỉ lao động, có tính kiên nhẫn, chịu đựng, rất thông minh sáng tạo để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Người Việt Nam rất cởi mở sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm. Đó là những phẩm chất tích cực của người Việt Nam mà tôi thích nhất.
Về mặt thách thức, Việt Nam cần suy nghĩ nghiêm túc về mô hình phát triển kinh tế bền vững, phải đưa các yếu tố liên quan biến đổi khí hậu,các nhóm dễ bị tổn thương vào quy hoạch chiến lược.Và những điều này phải được thực hiện ngay vì đã trở nên cấp thiết rôi. Trong nhiệm kỳ ở Việt Nam,tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp Việt Nam cùng bước tiếp trên hành trình đi tới thịnh vượng.
PV. Vâng ah, Xin trân trọng cảm ơn và luôn chúc ông sức khỏe.