(VOV5) - Tác phẩm này là đám mây được tạo nên từ những vật liệu bình thường là dây thép mạ kẽm và gắn các hạt pha lê được nhập về từ một hãng pha lê nổi tiếng nhất thế giới.
Lần đầu tiên tại Yên Bái, một triển lãm nghệ thuật cảnh quan sẽ ra mắt công chúng, tạo nên một điểm nhấn đặc sắc trong mùa du lịch 2018 của vùng đất này. Đó là Triển lãm mây pha lê - một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được thực hiện trên đồi mâm xôi thuộc xã La Pán Tẩn. Từ ý tưởng của hai nghệ sĩ cảnh quan là Andy Cao – một người Mỹ gốc Việt và Xavier Perrot – nghệ sĩ cảnh quan nổi tiếng người Pháp, cùng anh Lê Việt Hà, người sáng lập ashui.com và Hội kiến trúc sư tỉnh Yên Bái, dự án Mây pha lê được làm hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, với sự góp sức của các tình nguyện viên và người dân bản địa.
Từ phải sang: Anh Lê Việt Hà, nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao và Xavier Perrot cùng vật liệu làm mây pha lê
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa anh, được biết dự án Mây pha lê lần đầu tiên sẽ được triển lãm tại Lễ hội Mù Căng chải mùa đổ nước năm nay. Anh có thể giới thiệu để có thể hình dung được về dự án này?
Anh Lê Việt Hà: Tác phẩm Mây pha lê là một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan. Đúng với tên gọi của nó, tác phẩm này là đám mây được tạo nên từ những vật liệu bình thường là dây thép mạ kẽm và gắn các hạt pha lê được nhập về từ một hãng pha lê nổi tiếng nhất thế giới. Đầu tiên, tác phẩm Mây pha lê xuất hiện ở chính đại bản doanh của công ty pha lê này ở Áo, do nhóm tác giả Cao Perrot là nhóm thiết kế cảnh quan nổi tiếng trên thế giới thực hiện cách đây khoảng 3-4 năm. Trong nhóm tác giả đó có nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao là một người Mỹ gốc Việt, đã rời Việt Nam cách đây 40 năm. Sau khi tác phẩm mây pha lê của anh ở Áo đã nổi tiếng trên khắp thế giới, anh có mong muốn được tái hiện tác phẩm này ở một nơi nào đó trên quê hương Việt Nam. Năm 2016, trong dịp Andy Cao về Việt Nam và tham gia một chương trình giao lưu với giới kiến trúc sư trẻ, anh đã đặt chân đến khu vực đồi mâm xôi của xã La Pán Tẩn, Mù Căng Chải, ngay lập tức anh đã cảm nhận đây là một địa điểm lý tưởng để tái hiện mây pha lê của anh. Sau gần 2 năm chuẩn bị, làm việc với chính quyền, thuyết phục các hộ dân sở hữu các ruộng mâm xôi, vận động các nhà tài trợ… thì đầu năm nay nhóm thực hiện dự án đã triển khai, và dự kiến ngày 19/5 tới, lúc bắt đầu mùa nước đổ và người dân cấy lúa là sẽ chính thức hoàn thiện tác phẩm này.
Mây Pha Lê đoạt giải Best of Year 2015 (Tốt nhất Năm) hạng mục "Nghệ thuật sắp đặt" (cảnh quan) của tạp chí Interior Design
|
PV: Dự án Mây pha lê có ảnh hưởng nhất định đến đời sống bà con địa phương. Khi triển khai dự án này, nhóm dự án có gặp phải khó khăn gì không?
Anh Lê Việt Hà: Khó khăn đầu tiên chính là sự mới lạ của tác phẩm vì đây gần như lần đầu tiên có một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật cộng đồng được diễn ra ở một nơi rất đẹp, rất nổi tiếng của Yên Bái. Vì vậy mà khi có ý tưởng mới tham gia vào một hình ảnh đã quá quen thuộc đã tạo ra sự tranh luận về mặt chuyên môn, liệu rằng tác phẩm mới có phù hợp với cảnh quan đó không, và chắc chắn câu trả lời sẽ chỉ được giải đáp khi tác phẩm đã hoàn thiện và mọi người đã được chiêm ngưỡng nó. Khó khăn tiếp theo là việc hợp tác với người dân của xã La Pán Tẩn để thực hiện dự án. Đây là một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng, nên nó phải được tạo nên bởi sự tham gia của cộng đồng. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được hợp tác với đồng bào người Mông, tìm hiểu thói quen, tập tục của họ, cũng như giải thích cho họ hiểu được rằng tác phẩm này có ý nghĩa như thế nào đối với du lịch của xã.
Anh Lê Việt Hà và người dân La Pán Tẩn đi làm "mây"
|
Hiện nay Mù Căng Chải đang chú ý tới việc hướng dẫn cho người dân làm du lịch vì thời gian người dân làm ruộng chỉ từ tháng 5 đến tháng 10. Vậy khi tham gia cùng triển khai một tác phẩm nghệ thuật cũng tạo cho họ tiếp cận với nghệ thuật và cách làm du lịch mới. Hiện nay người dân ở La Pán Tẩn đã rất ủng hộ và tham gia đầy đủ các công đoạn của dự án. Hy vọng sau khi hết chương trình này, họ sẽ có thể tự nghĩ ra những cách làm tương tự để có thể triển khai trên địa bàn. Bên cạnh đó, khi có dự án này, chính quyền xã đã hỗ trợ bằng cách làm thêm một con đường bằng bê-tông nhỏ, sát vào sườn núi để không phá vỡ cảnh quan, đi từ đường 32 lên đồi mâm xôi – nơi mà trước đây chỉ là một con đường đất nhỏ, rất khó đi đặc biệt là vào mùa mưa. Như vậy chương trình này cũng đã giúp cho địa phương chuẩn bị hạ tầng cho phát triển du lịch.
Tác phẩm "Mây pha lê" đang dần hoàn thiện
|
PV: Như anh vừa nói, bản thân cảnh quan ở La Pán Tẩn đã rất đẹp. Vậy điều gì khiến anh cùng nhóm thực hiện dự án chắc chắn được rằng Mây pha lê sẽ mang đến thêm một vẻ đẹp mới mẻ cho đồi mâm xôi, cho Mù Căng Chải, mà không làm vỡ cảnh quan nơi đây?
Anh Lê Việt Hà: Trước hết tôi phải khẳng định rằng việc lắp đặt tác phẩm mây pha lê không hề tác động xấu đến ruộng trên đồi mâm xôi – nơi đã được công nhận là di sản cấp quốc gia. Bản thân nhóm tác giả và nhóm thực hiện đã phải bàn với nhau rất kỹ về các phương án lắp đặt, làm sao để nó không làm thay đổi gì đến ruộng của người dân, mà nó chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến việc người dân canh tác lúa do bị vướng cột. Về vấn đề này, nhóm thực hiện tác phẩm đã hỗ trợ người dân canh tác bằng thủ công nên việc ảnh hưởng được hạn chế tối đa. Còn các ý kiến hay suy nghĩ về việc phá hỏng cảnh quan thì thực ra nhóm tác giả cũng chỉ đưa ra một ý chủ quan là công trình này sẽ làm đẹp thêm cho cảnh quan, và khi tác phẩm hoàn thành thì mỗi người sẽ tự tìm cho mình cảm xúc về vẻ đẹp riêng. Đến tháng 10, sau khi tháo dỡ thì đồi mâm xôi và ruộng ở đó lại trở về nguyên bản như trước.
PV: Xin cảm ơn anh.