(VOV5) - Bà con kiều bào chia sẻ sau chuyến đi, bằng những tư liệu sống đã được tận mắt thấy, khi về nước sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền để cộng đồng của ta ở các nước và chính quyền, báo giới sở tại hiểu và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam.
Đoàn công tác số 6 với 70 kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vừa kết thúc hải trình thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đây cũng là lần thứ 5, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình này cho kiều bào. Mời quý vị nghe bà Lê Thị Thu Hằng, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn công tác số 6, thông tin về kết quả của chuyến đi này.
|
Bà Lê Thị Thu Hằng, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa bà, bà cho biết những thành công nổi bật của chuyến công tác đưa bà con kiều bào tới thăm các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Tôi cho rằng thành công lớn nhất của chuyến đi là đã đạt được mục đích về chủ trương đại đoàn kết dân tộc cũng như để kiều bào ở nước ngoài hiểu sâu sắc về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của chúng ta.
Tiếp xúc với bà con kiều bào trong chuyến hải trình vừa qua, trực tiếp nghe thấy bà con chia sẻ cảm nghĩ khi đến các điểm đảo, thăm hỏi động viên lắng nghe ý kiến của cán bộ chiến sĩ cũng như người dân trên đảo. Tôi thấy, kiều bào được mắt thấy tai nghe, chứng kiến kết quả của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ thành quả vững chắc tiền đồn của Tổ quốc chúng ta. Đây là thành công lớn của chuyến đi.
Bà con kiều bào chia sẻ sau chuyến đi, bằng những tư liệu sống này khi về nước sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, thông tin lại để cộng đồng của ta ở các nước và chính quyền, báo giới sở tại hiểu và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Đó là thành công thứ 2.
Thành công thứ 3, đây là dịp để thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan trong nước khi tạo điều kiện để bà con được thăm vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Phóng viên: Điều gì đã để lại ấn tượng nhất đối với bà trong chuyến đi Trường Sa lần này, đặc biệt với tư cách là trưởng đoàn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Đây là lần đầu tiên tôi ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, giữ trọng trách là trưởng đoàn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Là một nhà ngoại giao 20 năm qua, tham gia nhiều hoạt động đấu tranh dư luận, thông tin đối ngoại, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc như chuyến đi lần này. Điểm đầu tiên khi đặt chân lên đảo Đá Lớn B, được sờ vào mảnh đất ở đây, tôi rất xúc động. Tôi đã kìm nén rất nhiều mỗi khi phát biểu. Chỉ khi chia tay các chiến sĩ với tuổi đời còn rất trẻ, hy sinh cả tuổi thanh xuân, tình cảm riêng tư, sống chiến đấu ở một nơi xa xôi, nhưng rất tự nhiên, các chiến sĩ đã hứa với kiều bào dù phải khó khăn đến mấy nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tôi không cầm được nước mắt vì tự hào có những chiến sĩ như vậy.
Phóng viên: Bà có thể cho biết vai trò của kiều bào trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trong giai đoạn hiện nay?
Bà Lê Thị Thu Hằng: Đảng và Nhà nước ta luôn coi 4,5 triệu kiều bào sống xa Tổ quốc tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, không chỉ về kinh tế, tri thức chất xám, mà còn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cho thấy kiều bào ta tại nhiều nước đã đóng góp nhiều tiền của, vật chất trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, đặc biệt trong việc vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, kiều bào càng có vai trò quan trọng. Mỗi một kiều bào ta ở nước ngoài là một đại sứ, tuyên truyền viên quan trọng, là con dân Việt Nam và công dân nước sở tại, có tiếng nói quan trọng, khi tạo được sự tin cậy và thông hiểu của bạn bè quốc tế. Trong số đó nhiều kiều bào giữ vị trí quan trọng ở nước sở tại thì sẽ tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp trên toàn thế giới ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của quân và dân ở trong nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà.