Na Uy và Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực”. Đó là nhận định của bà Greta Lochen , Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, trước thềm lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy. Theo Đại sứ, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Na Uy còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế biển. PV Đài TNVN phỏng vấn Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Greta Lochen để tìm hiểu về cơ hội hợp tác giữa hai nước trong nhiều năm tới giữa hai đất nước.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trước tiên, xin cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thưa Đại sứ, nhìn lại 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy, theo bà đâu là những thành tựu quan trọng mà hai nước chúng ta đã đạt được?
Đại sứ Greta Lochen: Xin cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho tôi cơ hội để nói về dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy - Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại là, cùng với các nước Bắc Âu, Na Uy là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam. Điều này cho thấy rõ mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam với Na Uy và các nước Bắc Âu trên phương diện lịch sử. Mối quan hệ trong suốt 5 thập kỷ qua đã và đang phát triển ngày càng khăng khít, bền chặt hơn, và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Tất cả là nhờ sự hợp tác dựa trên bình đẳng, đầu tư và trao đổi thương mại. Điều này thực sự cho thấy rõ sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua. Các bạn giờ đây đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, và đã thành công trong việc đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Bà Greta Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Ảnh VOV |
Thứ hai là kinh tế, thương mại. Na Uy và Việt Nam đều có bờ biển dài và phụ thuộc nhiều vào kinh tế biển. Chính điều này đã trở thành nền tảng vững chắc trong mối quan hệ giữa hai nước. Giờ đây chúng ta đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn rất nhiều trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Ví dụ, tôi muốn nhấn mạnh một sự kiện mới diễn ra tháng 5 năm nay, Bộ Công thương và Thuỷ sản Na Uy đã ký Ý định thư với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về việc hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Đây là một bước tiến rất quan trọng đối với cả hai nước. Ngoài ra, trong thời gian qua, các trường đại học ở Na Uy và Đại học Nha Trang của Việt Nam vẫn luôn duy trì hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu phát triển các khóa đào tạo về nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, cũng như về cơ hội giao lưu, trao đổi học sinh, sinh viên giữa hai nước.
Thêm vào đó, chúng ta cũng đang hợp tác rất chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề về môi trường, như giải quyết tình trạng phá rừng, hay ô nhiễm nhựa trên biển. Cần phải nhìn nhận rằng, các nước Đông Nam Á có tốc độ xả thải ra biển khá lớn. Vì vậy, Na Uy đang tích cực hỗ trợ Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong vấn đề xử lý rác thải nhựa trên biển. Có thể nói đây cũng là một trong những điểm nhấn trong mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, và cả trong quan hệ giữa Na Uy với ASEAN.
Tôi cũng muốn nói thêm về quan hệ hợp tác Na Uy - ASEAN. Năm ngoái, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN và đã giúp nâng tầm mối quan hệ giữa Na Uy và các nước Đông Nam Á, thông qua một loạt các sự kiện hội thảo về kinh tế biển, phụ nữ, hòa bình, an ninh. Việt Nam đã chia sẻ mối quan tâm lớn đối với các vấn đề về hòa bình, an ninh và phụ nữ trên cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Từ đây, tôi cũng muốn nói đến sự hợp tác của chúng ta trong các diễn đàn đa phương. Bạn biết đấy, Việt Nam và Na Uy đều là thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, và chúng ta đều chia sẻ những ưu tiên về vấn đề như là biến đổi khí hậu, bảo vệ dân thường trong bối cảnh xung đột, hỗ trợ nhân đạo, phụ nữ, hòa bình và an ninh khu vực. Đây cũng chính là những lĩnh vực giúp chúng ta có thể hợp tác dễ dàng trong các diễn đàn đa phương như vậy.
PV: Vậy Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Na Uy? Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục khai thác hiệu quả những tiềm năng này trong tương lai?
Đại sứ Greta Lochen: Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Na Uy đang tiếp tục tăng trưởng, nhưng chúng ta không nên hài lòng với điều này. Theo tôi, hai nước cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, và chúng ta sẽ được thấy kết quả xứng đáng khi hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối Mậu dịch Tự do châu Âu, gồm các nước Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Lichtenstein. Quá trình đàm phán đã kéo dài rất nhiều năm. Và tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đạt được thỏa thuận cuối cùng. Khi ký kết được Hiệp định này, cả hai bên đều sẽ có được những tiềm năng và lợi thế lớn trong đầu tư, trao đổi thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khi mà nền kinh tế các nước đều bị ảnh hưởng.
Chúng ta có thể thấy rõ những thành quả đạt được khi Việt Nam và Na Uy cùng tham gia các diễn đàn đa phương. Với ASEAN, năm ngoái chúng ta đã kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác đối thoại, và đang hướng đến 5 năm hợp tác tiếp theo. Trong khi đó, tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, sự hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam tại đây cũng là minh chứng rõ ràng cho những tiềm năng chúng ta có thể đạt được tại các diễn đàn đa phương. Do đó tôi rất tự tin và khả năng hợp tác cả về song phương và đa phương giữa hai nước trong tương lai.
PV: Kinh tế biển là một ví dụ, Na Uy và Việt Nam cùng có lợi thế về kinh tế biển. Vậy trong thời gian tới, Na Uy sẽ có kế hoạch gì để tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, thưa bà?
Đại sứ Greta Lochen: Chúng tôi có thể thấy rõ Việt Nam có tiềm năng lớn trong xuất khẩu các loại thủy sản, chẳng hạn như các loại tôm cá nhiệt đới. Rất nhiều doanh nghiệp Na Uy đã thấy được tiềm năng xuất khẩu công cụ và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản sang Việt Nam. Xuất khẩu thủy hải sản từ Na Uy sang Việt Nam tăng nhanh chóng, không chỉ cá hồi, mà còn có cua hoàng đế,... Đây là lĩnh vực mà tôi thấy rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Na Uy đã đặt ra những tham vọng rất cao đối với thị trường Việt Nam. Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tầng lớp trung lưu đang dần trở nên đông đào hơn, do đó việc xuất khẩu thủy hải sản từ Na Uy sang Việt Nam sẽ thành công lớn. Về phía Việt Nam, các bạn cũng nằm trong top các quốc gia xuất khẩu thủy hải sản trên thế giới. Hiện Việt Nam cũng đang xuất khẩu tôm chất lượng cao sang Na Uy.
PV: Vậy còn các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hay là các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch thì sao, thưa bà? Những cơ hội hợp tác thời gian tới giữa hai nước sẽ như thế nào?
Đại sứ Greta Lochen: Chúng ta đều biết rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng mà cả thế giới đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt. Một trong những hoạt động mà Na Uy có thể hỗ trợ cho Việt Nam đó là đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp Na Uy cũng đang mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Ngoài ra, mới đây, Chính phủ Na Uy vừa công bố một Quỹ Đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, để giúp các nước đang phát triển đầu tư vào năng lượng tái tạo. Quỹ này chủ yếu sẽ hỗ trợ các nước đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các năng lượng xanh như gió, mặt trời. Và Việt Nam với sự phát triển kinh tế nhanh chóng và nhu cầu cao về năng lượng, chắc chắn sẽ cần nhiều đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Do đó tôi hi vọng Việt Nam và các nước có thể nhận được nhiều lợi ích từ quỹ này, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, và hướng tới đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận Paris.
Ngoài ra, chắc chắn du lịch cũng là lĩnh vực nhiều tiềm năng hợp tác. Từ trước khi dịch bệnh xảy ra, trong nhiều năm liền, chúng tôi đã thấy số lượng du khách Na Uy tới Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Vậy nên tiềm năng du lịch chắc chắn vẫn còn đó, và khi dịch bệnh kết thúc, tôi chắc chắn rằng rất nhiều du khách Na Uy sẽ tới Việt Nam. Năm 2019, chúng tôi thấy rất nhiều nhóm du khách Việt Nam tới Na Uy, có thể các bạn đã bắt đầu có nhu cầu khám phá các nước Bắc Âu. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy có nhiều du khách Việt Nam như vậy tới thăm Na Uy. Vậy nên khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tôi tin rằng hợp tác du lịch giữa hai nước sẽ lại tiếp tục phát triển.