(VOV5) - Một điểm nhấn trong sự kiện năm nay là Ban tổ chức tạo ra không gian, gian hàng trung thu cho các em nhỏ với những tiết mục, trò chơi dân gian, trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc vừa tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 10 tại thủ đô Seoul. Đây là hoạt động ý nghĩa quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam thông qua các chương trình văn nghệ, trình diễn áo dài, không gian trưng bày và trải nghiệm trò chơi dân gian Việt Nam. Đây cũng là một dấu mốc minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị Việt – Hàn hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Anh Vũ Đức Lượng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, thông tin về những kết quả nổi bật thông qua lễ hội năm nay.
Anh Vũ Đức Lượng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, (thứ tư từ trái sang), chụp ảnh lưu niệm cùng người Việt tại đây. |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa anh, sau ba năm gián đoạn do dịch Covid-19, Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc đã trở lại đúng dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, anh cho biết về thành công của lễ hội năm nay?
Sau một thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh Covid - 19, năm nay 2022. Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức trở lại chương trình Lễ hội văn hóa Việt Nam lần thứ 10 vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện này không chỉ tạo ra một ngày hội vui tươi, đặc sắc, tăng cường sự giao lưu giữa cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc mà còn là cầu nối gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, qua đó quảng bá hình ảnh của người Việt Nam đầy thân thiện, năng động đến bạn bè Hàn Quốc và quốc tế tại đây.
Lễ hội văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc thu hút đông đảo bà con kiều bào tham gia. |
Một điểm đặc biệt, sự kiện năm nay diễn ra là lần thứ 10 và đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Điều này càng làm tăng thêm ý nghĩa quan trọng cũng như ý nghĩa lịch sử của sự kiện lễ hội năm nay.
Phóng viên: Chương trình diễu hành trang phục dân tộc tại Quảng trường Gwanghwamun và trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa Việt Nam tại đây có hiệu ứng và ý nghĩa như thế nào trong việc quảng bá áo cổ phục Việt Nam đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, thưa anh?
Một trong những điểm nhấn trong Lễ hội văn hóa Việt Nam năm nay, đó chính là sự kiện diễu hành trang phục truyền thống. Ban tổ chức mong muốn truyền cảm hứng, giá trị nhân văn để tạo ra sự lan tỏa đối với các trang phục truyền thống của hai nước như: áo dài, hanbok, áo cờ đỏ sao vàng và một số trang phục của các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Những trang phục độc đáo này không thể thiếu trong đời sống và đây cũng là nét văn hóa đặc sắc trong lòng du khách khi nhắc đến Việt Nam và Hàn Quốc.
Những tà áo dài thướt tha trong lễ diễu hành trang phục truyền thống. |
Chương trình năm nay có khoảng hơn 300 bà con kiều bào tham dự cuộc diễu hành trang phục truyền thống này, bắt đầu từ khuôn viên của sự kiện tượng vua Sejong, đi dọc theo cung đường của khuôn viên lễ hội tới cổng của cung điện Gwanghwamun. Đây là trục chính của thủ đô Seoul và rất nhiều người qua lại vào dịp cuối tuần. Thông qua sự kiện này, đông đảo bạn bè quốc tế và đặc biệt là người Hàn Quốc đã biết nhiều hơn về những trang phục truyền thống áo dài của Việt Nam. Một điểm đặc biệt trong cuộc diễu hành, bà con kiều bào ta trên tay cầm lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam và quốc kỳ của Hàn Quốc và cầm những biển ghi tên các tỉnh, thành của Việt Nam cũng như đại diện cho các khối cộng đồng tại Hàn Quốc. Qua đó cho thấy được sự gắn kết của các khối, các hội đồng hương của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Phóng viên: Trong khuôn khổ lễ hội, một giáo sư người Hàn và một người Việt tiêu biểu đã được trao kỷ niệm chương vì những đóng góp cho sự phát triển quan hệ hợp tác giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Điều này càng khẳng định vai trò của cộng đồng người Việt trong việc giao lưu văn hoá tại xứ sở kim chi?
Một trong những nội dung trong lễ hội năm nay nhằm kỷ niệm 30 năm kiến giao quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Ban tổ chức lễ hội có vinh danh hai đại biểu tiêu biểu. Đó là giáo sư Cho Jae Hyun và cô Huỳnh Thị Thái.
Giáo sư Cho Jae Hyun và bà Huỳnh Thị Thái nhận kỷ niệm chương tại lễ hội. |
Với trường hợp giáo sư Cho Jae Hyun là đại diện cho phía Hàn Quốc. Giáo sư từng là một trong 20 người Hàn Quốc đầu tiên được đào tạo bậc đại học hệ tiếng Việt từ năm 1967. Sau khi tốt nghiệp, giáo sư đã được giữ lại làm giảng viên văn hóa cũng như ngôn ngữ Việt cho đến nay. Ông là tác giả của cuốn từ điển nổi tiếng Việt – Hàn và nhiều cuốn sách về Việt Nam. Ông là một trong các cố vấn về các chính sách đối với Việt Nam cho Tổng thống Hàn Quốc.
Cô Huỳnh Thị Thái là một trong những thế hệ người Việt đầu tiên tới Hàn Quốc. Tính tới thời điểm hiện tại, cô đã có gần 50 năm sinh sống tại Hàn Quốc. Từ những ngày đầu tiên, cô đã có những hoạt động giúp đỡ các cô dâu Việt. Thời đó, chưa có nhiều lao động và du học sinh sang Hàn Quốc mà chủ yếu là phụ nữ di trú kết hôn. Cô đã cặm cụi ghi danh sách, địa chỉ liên lạc của các cô dâu để sẵn sàng tư vấn cũng như giúp đỡ họ bất cứ lúc nào.
Tất cả những hoạt động của cô Huỳnh Thị Thái và của giáo sư Cho Jae Hyun đã đặt nền móng cho các hoạt động của cộng đồng sau này cũng như góp phần vào sự phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phóng viên: Tại lễ hội văn hóa Việt Nam, những vật phẩm như chiếc nón lá vẽ lá cờ Việt Nam, bánh nướng, bánh dẻo, đầu sư tử bằng giấy bồi, đèn ông sao, đèn cá chép được trưng bày tại gian hàng “Trải nghiệm văn hóa”. Dường như niềm vui trung thu của các em nhỏ gốc Việt trở nên gần gũi hơn ở đất nước Hàn Quốc?
Ngày nay, trong nhịp sống của xã hội hiện đại, đặc biệt là những nước phát triển như Hàn Quốc, các trò chơi trên mạng khiến các em nhỏ hầu như không còn biết đến sự tồn tại của các trò chơi dân gian.
Chụp ảnh trước một gian hàng "Trải nghiệm văn hoá". |
Nên một trong những điểm nhấn đặc biệt trong dịp sự kiện văn hóa mà hội người Việt tổ chức thường niên, đó là Ban tổ chức đã tạo ra không gian, gian hàng cho các em nhỏ với những tiết mục, trò chơi dân gian, trải nghiệm văn hóa truyền thống để bầu không khí lễ hội càng trở nên sôi nổi cũng như định hướng cho con trẻ luôn nhớ về nguồn cội cũng như giúp các em hiểu và tìm về các trò chơi truyền thống.
Vẽ hình lên nón lá. |
Những hoạt động về văn hóa, trải nghiệm vẽ nón lá, đèn lồng mà cha ông ta đã lưu truyền bao đời nay. Các trò chơi tiêu biểu ông bà, cha mẹ chúng ta đã từng rất quen thuộc thời nhỏ.
Qua việc trải nghiệm văn hóa cũng như các trò chơi dân gian như vậy, chúng ta sẽ góp phần phát triển nhân cách cho trẻ, giúp trẻ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với đời sống, tâm hồn cũng như văn hóa của người Việt.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh!