(VOV5) - Vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm chú ý của giới học giả, nhà nghiên cứu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Ba Lan, bà con người Việt tích cực có nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Ông Lê Thanh Bình, Trưởng đại diện Hội Người Việt tại Ba Lan ở Việt Nam trò chuyện với phóng viên VOV5 về tình cảm của kiều bào ở đây với chủ quyền biển đảo của đất nước.
|
Ông Lê Thanh Bình, thứ ba từ trái sang, cùng đoàn kiều bào Ba Lan, tại cột mốc đảo Trường Sa
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, được biết ông đã vinh dự một số lần ra thăm Trường Sa. Ông cảm nhận về chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 của đoàn kiều bào năm nay như thế nào?
Ông Lê Thanh Bình: Ở Ba Lan, chúng tôi đánh giá cao chuyến đi này bởi sự quan trọng và ý nghĩa của chuyến đi. Đoàn kiều bào Ba Lan tham gia hải trình Trường Sa năm nay gồm có đại diện của hội phụ nữ, chùa Nhân Hòa, tổ chức từ thiện xã hội, những người gắn kết hoạt động của cộng đồng.
Trong hành trình lần này, tôi thấy sự phối hợp rất tốt và chặt chẽ giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Hải Quân. Qua chuyến đi, chúng tôi thu thập được nhiều thông tin, đến thăm được nhiều đảo và gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Và cái quan trọng hơn, chúng tôi ghi nhận ý chí, quyết tâm bảo vệ biển đảo của quân và dân ở các đảo của quần đảo Trường Sa. Khi ra tới đây, chúng tôi mới cảm nhận được sự khó khăn, vất vả, nguy hiểm của các chiến sĩ cũng như bà con ngoài đảo. Rất mong, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước, nhân dân trong và ngoài nước quan tâm hơn nữa đến đời sống các chiến sĩ ngoài biển đảo.
Phóng viên: Trong chuyến đi lần này, cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng đã có một số phần quà mang ý nghĩa tinh thần tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa?
Ông Lê Thanh Bình: Trước chuyến đi Trường Sa, mặc dù thời gian rất gấp nhưng chúng tôi cũng đã tổ chức quyên góp trong bà con cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Ngoài số tiền mặt là 100 triệu đồng ủng hộ chiến sĩ, quân dân biển đảo, đoàn còn mang những món quà như áo phông, bộ sách dạy tiếng Anh mới ấn hành dành cho các cháu từ 5 – 15 tuổi, rất dễ hiểu và dễ tiếp cận. Đặc biệt, trong dịp giỗ tổ Hùng Vương, chúng tôi đã xin ba cây Kim giao từ đất Tổ, mang ra Trường Sa. Hiện nay, ba cây này đã được trồng ở ngôi chùa Trường Sa tại đảo Trường Sa.
Phóng viên: Trong thời gian vừa qua, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã tổ chức một số hoạt động liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam thành công tại Ba Lan. Ông có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động này?
Ông Lê Thanh Bình: Mấy năm gần đây, sau khi đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, trở về Ba Lan, không những tôi mà nhiều bà con xa xứ luôn quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo về Biển Đông cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan hiểu rõ hơn về chủ quyền của đất nước. Sau đó, chúng tôi triển khai tiếp hai cuộc hội thảo quốc tế về Trường Sa và vấn đề Biển Đông. Trong hai hội thảo quốc tế đó, chúng tôi mời nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu về biển đảo, các nhà môi trường, nói về các vùng biển trong đó có khu vực ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Các hội thảo được giới chuyên môn và đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đánh giá cao. Từ khi ra thăm Trường Sa, chúng tôi luôn có nhiều chương trình hướng về Biển Đông.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông