(VOV5) - Sang Đức cách đây 30 năm, anh Nguyễn Đức Anh phải nỗ lực, bươn chải học nghề rồi học tiếng, làm việc trong một hãng sản xuất ô tô ở thành phố Nurnberg của Đức.
Cuộc mưu sinh nơi xứ người cho anh hiểu được giá trị thực của cuộc sống, và vì thế anh luôn trân trọng chút những khoảng thời gian hiếm hoi mỗi khi được trở về thăm gia đình, người thân, bạn bè.
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Anh có thể chia sẻ với quý thính giả của chúng tôi về công việc của anh ở nước Đức, và chắc hẳn mỗi chuyến trở về cũng cho anh những xúc cảm rất riêng?
Anh Nguyễn Đức Anh: Thường xuyên mỗi năm mình về nước một lần. Điều mình muốn nói với Đài TNVN riêng tình cảm cá nhân của mình là từ khi máy bay hạ cánh xuống sân bay nội bài là cảm xúc đã rất khó tả. Thực sự mình cảm thấy đấy là quê hương của mình. Công việc của mình ở bên Đức nói chung là ổn định. Hiện mình sống ở tiểu bang Bayern, công việc chính làm tại Hãng ABT chuyên sản xuất phụ tùng về vỏ xe ô tô và những kinh kiện điện tử trong xe ô tô.
PV: Ở Đức lâu như vậy, cảm nhận của anh về môi trường sống và làm việc ở nước sở tại như thế nào?
Anh Nguyễn Đức Anh: Môi trường làm việc của người Đức rất hoàn hảo. Mối quan hệ giữa người Việt và người Đức thì với những người như mình đã sống rất lâu ở Đức thì mình cũng cảm nhận và học được rất nhiều trong công việc. Trong suốt 30 năm ở nước Đức điều học hỏi đầu tiên của mình đấy là tính tự giác trong công việc. Người Đức có tính tự giác, kỷ luật trong lao động rất cao. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Khi họ nhận công việc từ người có trách nhiệm giao cho thì họ sẽ làm hết khả năng của mình. Họ làm việc hết sức mình chứ không có sự lơi là vô trách nhiệm trong công việc. Thực ra những người Việt đã có giấy phép cư trú ở nước Đức thì gần như mọi người đều được hưởng một chế độ gần như hoàn hảo của nước Đức như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Mình cảm thấy sống ở nước Đức vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm, nhưng cũng có một điều mình muốn nhắn nhủ là nước Đức họ rất có kỷ cương về pháp Luật. Tất cả người lao động đều phải đóng thuế. Đó là thuế bắt buộc. Từ khoản thuế đó nhà nước có những khoản tài trợ cho vấn đề y tế, xã hội, trường học, an sinh xã hội.
PV: Còn về đời sống của cộng đồng người Việt ở tiểu bang Bayen hiện nay ra sao thưa anh?
Anh Nguyễn Đức Anh: Cái nhìn cá nhân của mình về cộng đồng người Việt thì phần đông họ rất chịu khó, cần mẫn. Cường độ làm việc hơn rất nhiều so với cường độ làm việc ở quê hương. Tiểu bang Bayern thì đời sống của bà con chủ yếu đi làm ở hãng xưởng, một bộ phận tham gia buôn bán, mở những của hàng ăn. Cuộc sống bên Tây Đức ổn định. Bà con sinh hoạt cộng đồng đều đặn, mặc dù cũng có lúc này, lúc khác nhưng trong tâm tư ai cũng đều muốn chia sẻ, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng và quê hương. Thập niên 1986 -1987 khi mình qua chỉ có một ngôi chùa Viên Giác tại Hannover. Mỗi lần muốn lễ Phật thì phải đi 500 km, có những người ở những vùng khác thì còn phải đi xa hơn. Thế nhưng đến bây giờ vì lý do tâm linh nên rất nhiều ngôi chùa được xây dựng ở rất nhiều tiểu bang hoặc các thành phố lớn để bà con cộng đồng tham gia sinh hoạt. Đấy là điều đáng tự hào vì ở một đất nước bản xứ, xa quê hương như vậy chúng ta cũng thể hiện được nền văn hoá tuy nhỏ bé nhưng để con cháu chúng ta hiểu được một điều, mặc dù xa quê nhưng ông bà, bố mẹ vẫn nhớ về quê hương, đất nước. Hiện ở tiểu bang Bayern có Chùa Vĩnh Nghiêm dưới sự giáo thọ của đại Đức Thích Đồng Trình.Về mặt tâm linh thì dù xa quê hương nhưng bà con mình cũng luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Những ngày Lễ, Tết, Vu Lan, Phật Đản bà con nô nức chuẩn bị lễ vật hoặc đơn giản chỉ lên Chùa để nhớ về quê hương, thỏa nỗi tâm linh của mỗi người. Phật giáo Việt Nam lấy từ bi, dăn dạy Phật tử. Chính sự từ bi trong Phật Giáo Việt Nam mà người Đức người ta cũng biết đến Phật giáo, biết đến Chùa Việt Nam chắp tay lễ Phật.
PV: 30 năm sống xa quê hương, điều anh suy nghĩ trăn trở hiện nay là gì?
Anh Nguyễn Đức Anh: Lúc đến Đức không biết một câu tiếng Đức nào những sau 30 năm cũng tạo dựng được cơ sở nhất định để cho thế hệ thứ 2, thứ 3 có đà vươn lên. Mong rằng các con, các cháu hãy hiểu bố mẹ ông bà là những người Việt xa quê hương, cái khắc khoải chính là quê hương mặc dù các con các cháu lớn lên ở Đức thì tiếng Đức là tiếng chủ yếu, nhưng để hiểu và chia sẻ được với ông bà cha mẹ thì các con nên học tiếng Việt. Bất cứ người Việt nào thế hệ như mình đều muốn con cháu mình nói được tiếng Việt, hướng về cội nguồn. Vì lý do, hoàn cảnh, điều kiện nên sự chăm sóc ở mỗi gia đình mức độ nói tiếng Việt của các cháu cũng khác nhau. Đấy cũng là trăn trở của những gia đình như thế hệ chúng tôi. Còn hiện nay thì vấn đề nhu cầu về tâm linh, văn hoá, âm nhạc của bà con cũng rất nhiều. Mỗi khi có đoàn nghệ sĩ trong nước sang, hoặc các đoàn ở hải ngoại biểu diễn, bà con nô nức đi xem, ủng hộ, điều đó chứng tỏ văn hoá luôn tồn tại trong cộng đồng. Hiện tại, Phật giáo Việt Nam luôn luôn tỏa sáng trong cộng đồng người Việt, mặc dù việc đi chùa của mỗi cá nhân có những mục đích khác nhau nhưng tất cả đều hướng về đất nước và họ cảm thấy ấm lòng khi hướng về các hoạt động từ thiện, xã hội, thiên tai, hướng về biển đảo. Hoạt động tuy nhỏ bé những với người Việt ở hải ngoại, đó là một sự cố gắng vì phải sắp xếp thời gian, sức lực và đó là thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương. Điều mình muốn nhắn nhủ đến cộng đồng là từ trước đến nay bà con không chú ý đến sức khỏe cho lắm mà chỉ lo lắng về cuộc sống, thế nhưng sức khỏe là quan trọng. Bà con cần phải đi khám sức khỏe định kỳ. Với riêng Đức Anh thì tuy nước Đức là quê hứng thứ hai nhưng Việt Nam vẫn là nơi mình sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm bởi khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bống hoá tâm hồn. Mình lớn lên tại quê hương thì đấy là tình cảm của rất nhiều người khao khát. Ai cũng có một quê hương để mà nhớ, mà thương mà trở về.
PV: Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với thính giả của Đài TNVN.