(VOV5) - Trong Hội thảo ACVYS lần thứ 9, năm 2023, Ban tổ chức tổ chức các phiên báo cáo khoa học ở bảy chuyên đề với nhiều chuyên ngành mũi nhọn.
Ngày 16/7 tới, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc (ACVYS) lần thứ 9, năm 2023 tại trường Đại học Sejong, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Điểm nhấn của hội thảo là tọa đàm với chủ đề “Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc: nắm bắt cơ hội, vươn tới tương lai”.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa chị, sắp tới, Hội sinh viên VN tại Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 9. Chị cho biết những nội dung chính của Hội thảo năm nay?
Bạch Thị Phương Anh: Trong Hội thảo ACVYS lần thứ 9 năm nay, Ban tổ chức tổ chức các phiên báo cáo khoa học ở bảy chuyên đề với các chuyên ngành mũi nhọn như: vật liệu, năng lượng, y sinh và dược, hóa học, công nghệ thông tin. Đặc biệt năm nay chúng tôi có hai chuyên đề về khối ngành khoa học xã hội để tạo ra nhiều cơ hội cho các sinh viên cũng như nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội hơn. Trong thời gian gần đây, số lượng sinh viên học khối khoa học xã hội đã tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, việc tạo ra hai chuyên đề khoa học xã hội này sẽ giúp cho cân bằng sự quan tâm đối với ngành khoa học tự nhiên và ngành khoa học xã hội. Bên cạnh đó, có khối ngành kỹ thuật hàng không là một trong những khối ngành nghiên cứu khoa học đang được cả Hàn Quốc và Việt Nam rất quan tâm và thúc đẩy phát triển trong nhiều năm tới.
Chị Bạch Thị Phương Anh, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc |
Phóng viên: Với chủ đề “Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc: nắm bắt cơ hội, vươn tới tương lai”, Ban tổ chức Hội thảo kỳ vọng những nghiên cứu của các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ sẽ có ứng dụng hiệu quả như thế nào trong cuộc sống?
Bạch Thị Phương Anh: Hàn Quốc là một quốc gia phát triển mạnh mẽ về giáo dục cũng như kinh tế. Chính vì vậy, họ đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là một môi trường tốt để các du học sinh có thể đến học tập, nâng cao kiến thức. Đây cũng là nơi để các nghiên cứu sinh có một môi trường nghiên cứu khoa học đầy đủ, tiện nghi. Hàn Quốc còn là một đất nước có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, là du học sinh đến từ đất nước khác tới đây, ban đầu, các bạn sẽ có rất nhiều điều bỡ ngỡ khó khăn trong cuộc sống cũng như là học tập. Với các bạn nghiên cứu sinh, khi mới bước chân vào con đường học thuật và nghiên cứu khoa học, có thể sẽ chưa có định hướng rõ ràng về nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy mà chương trình hội thảo năm nay chúng tôi đã tạo ra một bước đột phá mới, một điểm sáng trong chương trình. Đó là chúng ta mở ra một chương trình tọa đàm. Chúng tôi mời những khách mời có nhiều kinh nghiệm về giáo dục, nghiên cứu khoa học và có sức ảnh hưởng rất lớn. Có thể kể đến như: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hàn Quốc, GS, TS. Nguyễn Vũ Tùng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mời một giáo sư có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn các nghiên cứu sinh là người Việt tại Hàn Quốc, GS. Kim Seung Eock, nguyên Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Sejong. Chúng tôi còn mời GS. Thái Đức Kiên là một trong những giáo sư đầu ngành người Việt Nam tại Hàn Quốc đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tại đất nước này. Ngoài ra, chúng tôi còn mời đến Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài với hy vọng là sẽ đem đến cho các bạn sinh viên nhiều kinh nghiệm trong học tập trong học tập, nghiên cứu khoa học để định hướng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó là chia sẻ về các chính sách ưu đãi cũng như chế độ đãi ngộ của Hàn Quốc và Việt Nam tới các du học sinh; chia sẻ những cơ hội phát triển dành cho du học sinh Việt Nam và ngành nghề tiềm năng trong tương lai.
Qua chương trình này, với bước tiến mới trong chương trình tọa đàm năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho các sinh viên nhiều những thông tin hữu ích, các bạn sẽ có những góc nhìn đa chiều và sâu rộng hơn về học tập cũng như nghiên cứu khoa học. Qua đó các bạn sẽ có những định hướng thật tốt trong tương lai với việc học tập cũng như nghiên cứu khoa học của mình.
Anh Phạm Văn Duyền, báo cáo viên tại Chuyên đề Vật Lí, Năng lượng và Vật liệu mới |
Phóng viên: Các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hàn Quốc có mạng lưới nghiên cứu để trao đổi học thuật và áp dụng khoa học công nghệ từ các công trình nghiên cứu vào thực tiễn không, thưa chị?
Bạch Thị Phương Anh: Hiện nay chúng tôi có mạng lưới trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc. Đây là nơi mà không chỉ các giáo sư, tiến sỹ mà còn có các nghiên cứu sinh cũng như các học sinh có thể tham gia giao lưu và trao đổi với nhau. Tại đây mọi người có thể chia sẻ các thông tin không chỉ về nghiên cứu mà còn về việc làm cũng như các cơ hội hợp tác với nhau giữa các ngành nghề liên quan.
Chúng tôi nhận thấy rằng mạng lưới này là một trong những nơi hoạt động rất sôi nổi và tạo ra nhiều cơ hội cho tất cả mọi người. Mong muốn của chúng tôi là ngày càng có thêm nhiều các trí thức tham gia vào mạng lưới để tạo nên sự kết nối mạnh mẽ cũng như là hoạt động sôi nổi hơn nữa, trong thời gian tới, tạo ra những thành tựu tích cực và hiệu quả hơn cho ngành khoa học nước nhà.
Trao giải thưởng Báo cáo viên xuất sắc tại các Chuyên đề |
Phóng viên: Chị cho biết các nhà khoa học trẻ Việt Nam được vinh danh qua các hội thảo được tổ chức trước đây đã có những đóng góp như thế nào trong việc đẩy mạnh nền khoa học ứng dụng tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam?
Bạch Thị Phương Anh: Trong khuôn khổ chương trình hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi có một giải thưởng mang tên là giải thưởng các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc. Giải thưởng này mở ra để vinh danh các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu thuộc trong 5 lĩnh vực. Lĩnh vực thứ nhất là công nghệ thông tin chuyển đổi số tự động hóa. Thứ hai là công nghệ y dược. Thứ ba là công nghệ sinh học. Thứ tư là công nghệ môi trường. Thứ năm là công nghệ vật liệu mới. Giải thưởng của chúng tôi hằng năm thu hút rất nhiều các sinh viên cũng như nghiên cứu sinh tham gia.
Ở nước ta có một giải thưởng danh giá mang tên giải thưởng quả cầu vàng để vinh danh các nhà khoa học do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Theo thống kê, phần lớn các nghiên cứu sinh đạt giải thưởng các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tham gia giải thưởng quả cầu vàng. Đa số các bạn đạt được những giải thưởng rất cao. Rất nhiều ứng viên đạt giải thưởng quả cầu vàng.
Có nhiều ứng viên đã đạt giải của chúng tôi có những nghiên cứu rất chuyên sâu và thành công. Ví dụ đã từng có nghiên cứu sinh đạt giải ngành công nghệ sinh học và nghiên cứu thành công vắc xin, sau đó hợp tác với một số bệnh viện Việt Nam để cho thử nghiệm. Theo tôi được biết, trong thời gian tới, nếu đạt được hiệu quả tốt thì sẽ đưa vào dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó, đã từng có ứng viên thắng giải trong lĩnh vực công nghệ môi trường. Ngay sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tổ chức một cuộc thi mang tên là InnoCity Sau khi thắng giải, ứng viên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tư Startup. Không dừng lại ở đó, nghiên cứu của bạn cũng đã thu hút được rất nhiều các đơn vị khác tài trợ để đưa nghiên cứu khoa học của bạn được triển khai thành một dự án lớn và được áp dụng tại Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn chị.