(VOV5) - Trong tháng 8 và tháng 9, Việt Nam cần khai thác thị trường có nhiều người đạo Hồi để đưa nông sản Việt phù hợp.
Nông nghiệp luôn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch vụ, công nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp vẫn tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 18,8 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian tới, những khó khăn, thách thức sẽ rất lớn và gay gắt. Vì vậy, để giữ vững mục tiêu tăng trưởng, ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ và tháo gỡ những khó khăn nội tại. Phóng viên Đài TNVN trao đổi với chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy về nội dung này.
Nông nghiệp luôn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: vietnamhoinhap |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây
Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết dịch Covid-19 tác động như thế nào đến sản xuất nông nghiệp hiện nay?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Có rất nhiều sự tác động. Ở đây tôi chọn ra 3 vấn đề. Thứ nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là không tìm được khách hàng mới. Thứ 2 là chuỗi cung ứng đầu vào cho đến chế biến có thể bị đứt đoạn. Thứ 3 là khó khăn cho chủ hợp tác xã, trang trại.
Phóng viên: Tuy nhiên, qua đợt 1 của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã thể hiện trụ đỡ của nền kinh tế như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Hoàn toàn đúng và càng đúng trong suốt 6 tháng qua. Vì, ngành nông nghiệp hiện tại và trước mắt tập trung vào 3 vấn đề mà tôi nghĩ vẫn sẽ làm tốt. Thứ nhất là cung ứng đủ lương thực, thực phẩm tiêu dùng cho cả nước mà không gây giá đột biến cho nên làm cho nông thôn ổn định, khu vực phi nông nghiệp cũng ổn định. Thứ hai là các vùng sản xuất và mặt hàng sản xuất vẫn khá ổn định. Lúa, gạo, gỗ, các sản phẩm theo gỗ, tôm đông lạnh... vừa giữ được giá, vừa giữ được thị trường và vừa thu được ngoại tệ cho đất nước. Góp phần ổn định xã hội.
Nông nghiệp ổn định thì khi gặp những biến động lớn nông nghiệp vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho con người.
Phóng viên: Sau những tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn khẳng định giữ vững mục tiêu tăng trưởng gần 3% và đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 là 41 tỷ USD như mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Liệu mục tiêu này có quá sức với ngành nông nghiệp hay không?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Nếu xét về tiềm lực và năng lực nội sinh của ngành nông nghiệp thì tôi cho là không quá sức nhưng nếu so với thị trường thì quá sức bởi thị trường hiện nay bị thu hẹp và thời gian và chi phí cho kiểm dịch tăng lên, quá trình bảo quản lưu giữ bị ảnh hưởng.
Do đó, cần theo sát thị trường dịch bệnh Covid ở các thị trường truyền thống khi đã có dấu hiệu chuyển biến tốt thì chúng ta phải tiếp nhận ngay để ký hợp đồng. Trong tháng 8 và tháng 9 chúng ta cần khai thác thị trường có nhiều người đạo Hồi để đưa nông sản Việt phù hợp vì thị trường này rất lớn nhưng chúng ta chưa chuẩn bị tốt trong nhiều năm qua, ví dụ Malaysia. Vấn đề thứ 2 là coi trọng thị trường truyền thống với các mặt hàng khả quan như tôm đông lạnh, cá tra, gỗ, sản phẩm gỗ... Thứ 3 là các khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phải là động lực và lực lượng đầu tàu xuất khẩu. Cuối cùng là đảm bảo chất lượng.
Phóng viên: Thế giới ngày càng phát triển, sự cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp ngày càng gay gắt. Vậy để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, Việt Nam cần tập trung vào trọng tâm gì, thưa ông?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Về lâu dài, chúng ta sẽ quy hoạch lại vùng vì chỉ có quy hoạch lại vùng và liên kết vùng thì thị trường của chúng ta mới tương đối rộng mở. Người nông dân mới yên tâm đầu tư. Doanh nghiệp sẽ bắt tay với nông dân và từ đó, sản phẩm và chất lượng sản phẩm của chúng ta tốt lên. Bất cứ thị trường nào ở trong nước hay nước ngoài, cần có liên kết 4 nhà. Liên kết theo chuỗi từ đầu vào cho đến bán hàng vì trong nền sản xuất mới, sản phẩm phải có mã vùng, mã số thành phẩm khu đóng gói. Nếu không liên kết thì không thành công. Đây là hướng đi bắt buộc phải thực hiện.
Phóng viên: Vâng. Trân trọng cảm ơn ông.