(VOV5) -Tôi mong chúng ta sẽ có một mạng lưới kinh tế tri thức giúp đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế của thế giới.
Sinh năm 1982, học chuyên toán từ bé đến năm lớp 12, Phạm Kim Cương (Phạm Kim) đạt huy chương bạc cuộc thi tin học quốc tế. Sau khi du học ở Mỹ, Australia, chàng trai trẻ quê gốc Hà Nội đã chọn định cư tại Thung lũng Sililon. Trải nghiệm hơn 10 năm tại các tập đoàn lớn như Amazon, Google hay Airbnb, Phạm Kim sáng lập một công ty về trí tuệ nhân tạo, có văn phòng ở San Francisco và khách hàng tại 17 thành phố trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam, với mục đích giúp các khách sạn hoạt động hiệu quả hơn.
Nhân chuyến về nước cùng với 100 tri thức kiều bào trẻ đóng góp cho quê hương, Phạm Kim trả lời phỏng vấn về dự án xây dựng công nghệ 4.0 tại Việt Nam:
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
Phạm Kim từng là học sinh chuyên Toán, trường THPT chuyên KHTN, ĐHQG Hà Nội. |
PV: Xin chào Phạm Kim, Xin bạn cho biết cảm nghĩ về lần trở về cùng với 100 nhà khoa học Việt kiều trẻ, tham dự các sự kiện“Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.?
Tôi may mắn khi được trở về, đặc biệt lại được tiếp đón một cách chu đáo, nhiệt tình của Chính phủ, 4 Bộ ngành và Ban tổ chức. Sau chuyến đi này, tôi được kết nối với rất nhiều người, mà sẽ rất khó làm được nếu không có sự kiện đó. Giờ thì chúng tôi có thêm một nhiệm vụ mới. Đó là duy trì những kết nối này để tạo ra một giá trị kinh tế tri thức cho đất nước. Tôi đang cùng một số trong nhóm 100 trí thức về nước đợt này hình thành một cộng đồng tri thức. Hy vọng điều đó sẽ kích thích nhu cầu kết nối trong tiềm thức của mấy triệu người Việt đang sống ở nước ngoài. Rất nhiều người trong số họ vẫn hàng ngày hướng về Tổ quốc. Tôi muốn giúp cho Việt Nam có được hàng trăm cộng đồng nhỏ như thế này trong thời gian tới. Một ngày nào đó, sẽ có sự kiện với hàng nghìn trí thức trở về Việt Nam, giống như chúng tôi được trở về, tham dự sự kiện vừa rồi.
Phạm Kim ( thứ 3 từ trái) và các bạn tại Bộ kế hoạch và đầu tư. Ảnh nv cung cấp |
PV: Là một chuyên gia về “trí tuệ nhân tạo” và từng làm việc nhiều năm tại các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, Kim nhận định như thế nào về xu hướng cũng như tiếm năng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống ở Việt Nam hiện nay.?
Cá nhân tôi thấy, xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển khá mạnh mẽ ở Việt Nam. Ví dụ như Zalo sử dụng TTNT để tự động sửa lỗi chính tả hay khuyến nghị các hình ảnh ngộ nghĩnh. Các hãng quảng cáo trực tuyến sử dụng big data để tương tác với giữa người dùng. Các ứng dụng của Ngân hàng có kèm trợ lý ảo ở trong đó, bạn có thể nói vào điện thoại và thực hiện các tác vụ như chuyển tiền hay tra cứu số dư tài khoản. Đây là những tín hiệu ban đầu và tôi tin là sẽ có nhiều các ứng dụng TTNT như thế này được hàng triệu người Việt sử dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và tiếp thu công nghệ rất nhanh.
Việt Nam được xem là 1 trong 10 nước nước sử dụng YouTube nhiều nhất thế giới. Học sinh, sinh viên Việt hay đứng đầu trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Cùng với đó, ngày nhiều các nhà khoa học người Việt sống ở nước ngoài được thế giới công nhận. Ví dụ như tiến sĩ Lê Việt Quốc, một trong những thành viên sáng lập của Google Brain. Các nghiên cứu của tiến sĩ Lương Minh Thắng đã tạo ra nền tảng cho hệ thống dịch ngôn ngữ tự động của Google. Hay các nghiên cứu của tiến sĩ Trần Lê Hồng Dũ là nền tảng cho các hệ thống nhận dang video của Facebook. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một lực lượng lớn học sinh, nghiên cứu sinh sau nhiều năm học tập, nghiên cứu ở các nước tiên tiến giờ quay trở về làm việc...
Tại lễ Công bố sáng kiến, mạng lưới đổi mới để kết nối chuyên gia toàn cầu cùng phát triển Việt Nam. Ảnh nv cung cấp |
Mong muốn lớn nhất của các Việt kiều trí thức là làm gì để giúp quê hương Việt Nam. |
PV: Bên cạnh cơ hội như bạn vừa nói thì đâu là khó khăn của Việt Nam khi tham gia vào cuộc CMCN 4.0, nhất là khi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đang đi sau thế giới rất nhiều.?
|
Khó khăn lớn nhất của Việt Nam là sự ngại thay đổi. Tôi có 2 ví dụ cho câu chuyện này. Như trong gia đình của tôi chẳng hạn, bố mẹ tôi có một thói quen sử dụng lại quần áo cũ để làm giẻ lau nhà. Nhiều lần tôi mua khăn lau về thì mấy hôm sau bố mẹ lại cất đi và lôi quần áo cũ khác ra làm giẻ lau bởi vì họ nghĩ quần áo cũ thấm nước tốt hơn nhiều. Qua đây cho thấy, dù công nghệ có siêu việt đến đâu thì vẫn cần con người sử dụng nó. Nếu những người trong vai trò quyết định không thấy được giá trị mới và bảo vệ những thói quen cũ, thì 4.0 hay 5.0 cũng không có ảnh hưởng gì cả.Vấn đề thứ hai là về văn hoá chia sẻ như tôi đang làm về lĩnh vực kinh tế chia sẻ. Ở đây, mọi người chia sẻ với nhau mọi thứ. Tôi thấy xu hướng này đang được tập đoàn công nghệ UBER, Airbnd làm khá tốt. Tuy nhiên tôi thấy ở Việt Nam, việc chia sẻ dữ liệu rất khó khăn.
Theo quan sát của tôi, nhiều đơn vị trong một doanh nghiệp thường thu thập nhiều dữ liệu nhưng lại không chia sẻ cho nhau. Dẫn đến việc là thay vì họ truy vấn được thật nhiều thông tin từ data của mình thì phải thuê tư vấn rất đắt tiền đến làm việc với từng đơn vị và tìm ra những thông tin tương tự. Nếu các doanh nghiệp có thói quen chia sẻ data bên trong lẫn bên ngoài thì những ứng dụng tri tuệ thông minh mới có đất để phát triển.
Kim Phạm làm việc với trung tâm hành chính công được ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả trong công việc |
PV: Theo bạn, cần làm gì để tạo sự ra được kết nối mạng lưới đối mới công nghệ, sáng tạo một cách hiệu quả ở Việt Nam?
Có một câu nói nổi tiếng là "nếu bạn muốn trồng 1 rừng cây, hãy bắt đầu trồng những hạt giống nhỏ". Sự kiện kết nối đổi mới sáng tạo vừa rồi do Bộ kế hoạch đầu tư tổ chức chính là 1 hạt giống như vậy. Giờ chúng ta chỉ cần lo "tưới nước" để cho nó nhân rộng và nảy nở. Nói chung vậy nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể cụ thể hoá 1 số việc như sau: đào tạo cho các nhà quản lý ở Việt Nam về tư duy kết nối. Nếu các tổ chức kết nối được nhân sự của họ, các hiệp hội kết nối được các doanh nghiệp cùng ngành. Các tổ chức chính phủ lại kết nối được các hiệp hội, doanh nghiệp, viện và trường lại với nhau. Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo được mạng lưới tri thức rất nhanh. Bên cạnh đó, chúng ta cần có một mục tiêu chung cho mạng lưới này. Theo tôi, đó là sự phát triển kinh tế và đo được bằng giá trị quy đổi ra tiền của các tổ chức, dự án, hay các sáng chế có nguồn gốc từ sự kết nối này. Trong 4.0 chúng ta cần có dat mà để ghi lại data thì tất cả phải "đo được, đếm được". Tương tự như vậy, hiệu quả của những nỗ lực kết nối của chính phủ hay các tổ chức tư nhân thì cũng phải cụ thể đo được, đếm được. Tôi mong là chúng ta sẽ không chỉ có một mạng lưới tri thức mà là một mạng lưới kinh tế tri thức giúp đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế của thế giới.
PV: Vâng, Xin cảm ơn và chúc Bạn thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình.