Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, nhưng bà con người Việt ở nước ngoài vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, thích ứng trong tình hình mới, xây dựng cộng đồng vững mạnh đóng góp cho sở tại và luôn hướng về quê hương.
Để phát huy nguồn lực và trí tuệ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài xây dựng và phát triển đất nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường nhiều giải pháp trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh vận động và gắn kết bà con với quê hương. Phóng viên đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu về nội dung này. Mời quý vị cùng nghe:
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV:Thưa thứ trưởng, ông có thể thông tin về tình hình cộng đồng người Việt ở nước ngoài năm vừa qua, một năm mà có thể nói là tác động rất nhiều đến cuộc sống của bà con do dịch bệnh COVID-19?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Mặc dù rất khó khăn, do dịch bệnh khó khăn chung, ảnh hưởng kinh tế xã hội của bà con nhưng vai trò vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và tăng cường. Chính quyền sở tại ngày càng coi trọng vai trò của cộng đồng người Việt. Cho dù còn khó khăn nhưng bà con đã thích ứng rất tốt, phục hồi công việc làm ăn, kinh doanh. Có những đóng góp thể hiện trên ba khía cạnh: đóng góp sở tại, đóng góp cho mối quan hệ giữa Việt Nam với nước đó và đóng góp cho quê hương.
Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việc mà chúng ta nói nhiều nhất là bà con hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, đóng góp rất thiết thực và hiệu quả cho phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2021, kiều bào đã quyên góp số tiền lên tới hơn 80 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế và tham gia ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19. Phối hợp với các Cơ quan đại diện VNONN triển khai ngoại giao vắc-xin, vận động sở tại hỗ trợ vắc-xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam. Việc bà con chuyển kiều hối về cũng là nguồn lực quan trọng, năm 2021 ước đạt 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới).
Nhiều chuyên gia, trí thức Việt Nam đã tập hợp, thành lập các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở sở tại và đẩy mạnh hoạt động về trong nước như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Châu Âu... Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng và thể hiện rõ mong muốn được đồng hành, đóng góp vào vào sự phát triển của đất nước. Năm 2021, có một sự kiện quan trọng về chính sách là Bộ chính trị ban hành kết luận 12.
Nhiều chuyến thăm của lãnh đạo được tổ chức. Qua trao đổi, bà con đều phản ánh niềm tự hào, trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vị thế ngày càng cao của đất nước, thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận bà con vẫn gặp khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc.
PV: Thưa thứ trưởng, trong tình hình như vậy, năm 2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được kết quả như thế nào để kết nối được bà con trên toàn thế giới?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Có 3 kết quả lớn. Một là, tập trung thể chế hóa, ban hành chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước về công tác NVNONN được nâng tầm, phù hợp với tình hình mới. Nổi bật là kết luận 12 của Bộ chính trị. Nhưng quan trọng hơn là khẳng định kết quả của Nghị quyết 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Về phía Ủy ban, sẽ xây dựng đề án, ngoài việc là cơ quan chủ trì, đốc thúc thì Ủy ban cũng có nhiều chương trình thực hiện.
Thứ hai, công tác vận động NVNONN được triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh, qua đó tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. Một trong những đặc tính của người Việt Nam là luôn hướng về quê hương. Năm 2021, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động theo hình thức trực tuyến. Các chương trình đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo kiều bào, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp và dư luận tích cực trong cộng đồng.
Qua đó, chúng tôi nhận thấy tình cảm của bà con với quê hương vẫn nguyên vẹn. Ủy ban tích cực hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khoa học, hội đoàn và các cá nhân doanh nhân, trí thức NVNONN và kết nối nguồn lực của cộng đồng với các cơ quan, địa phương trong nước, tận dụng tối đa phương thức làm việc mới (trực tuyến kết hợp trực tiếp).
Ba là, công tác hỗ trợ NVNONN được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng. Ủy ban đã kịp thời phân bổ kinh phí hỗ trợ kiều bào có hoàn cảnh khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 tại 9 địa bàn: Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Angola, Ả-rập-Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Tổ chức Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt trực tuyến dành cho giáo viên NVNONN với gần 400 học viên. Chúng tôi tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật, buổi tối để phù hợp với múi giờ của bà con. Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc thi “Kiều bào thi hát dân ca trên VOV”.
PV:Từ những kết quả đạt được, năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ triển khai những nội dung trọng tâm gì trong hoạt động của mình, thưa ông?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Một là triển khai chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021–2026 và Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021–2026.
Thứ hai, tăng cường đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, tập trung vào thế hệ trẻ, kiều bào còn định kiến, lực lượng nòng cốt là những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Thứ ba, phát huy nguồn lực NVNONN phục vụ phát triển đất nước. Thứ tư, hỗ trợ bà con về địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống.
Ủy ban phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp tổng thể, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho bà con ta ở nước ngoài.
Thứ năm, hỗ trợ cộng đồng trong việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin đối với NVNONN. Thứ bảy, tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài nước, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.