Phụ nữ Việt Nam: thực hiện mục tiêu bình đẳng và phát triển

(VOV5) -  Nhiều chương trình, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của phụ nữ đạt kết quả, góp phần vào mục tiêu bình đẳng.

Thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó có vai trò nổi bật của tổ chức Hội phụ nữ từ trung ương tới địa phương. Nhiều chương trình, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của phụ nữ đạt kết quả, góp phần vào mục tiêu bình đẳng, đảm bảo bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như tập hợp, đoàn kết rộng rãi phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là những nội dung mà bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, khách mời của chương trình sẽ thông tin tới quý vị và các bạn trong cuộc phỏng vấn với phóng viên đài TNVN.

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

 

 PV: Thưa bà, trong nhiều năm qua, bình đẳng giới được quan tâm và thông qua nhiều chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ. Với chức năng của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thực hiện các chương trình hỗ trợ phụ nữ như thế nào?

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên: Trong những năm qua và thực hiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Hội LHPN VN đã tích cực thực hiện chương trình phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chú trọng cộng tác vận động phụ nữ và thực hiện các giải pháp, ưu tiên vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số…Hội đã giúp phụ nữ tiếp cận vốn vay, ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, tín chấp với Ngân  hàng nông nghiệp, dư nợ đạt hơn 82 ngàn tỷ đồng, cho hơn 2 triệu 800 ngàn hộ vay và đạt hiệu quả cao; vận động phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể. Hội chú trọng vận động chị em tiết kiệm. Riêng trong năm 2017, số dư tiết kiệm đạt hơn 2800 tỷ đồng với 4,5 triệu hội viên tham gia.

Phát triển mạng lưới Hội, hiệp hội, câu lạc bộ nữ doanh nhân và tới nay số thành viên hơn 10 ngàn nữ doanh nhân. Nhiều ý tưởng sáng tạo của phụ nữ được hỗ trợ trong thực tiễn. Hội đã vận động và 19 đơn vị thống nhất đồng hành với đề án khởi nghiệp do Chính phủ phát động hay Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027; Chương trình 5 không 3 sạch đến 2016-2020, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới được đánh giá cao.

Phụ nữ Việt Nam:  thực hiện mục tiêu bình đẳng và phát triển - ảnh 1 Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Trong lĩnh vực chính trị, Hội góp phần quan trọng trong việc tăng quyền năng của phụ nữ. Tham mưu về công tác cán bộ nữ và phối hợp Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của PNVN tổ chức hội thảo về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị. Từ đó, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Trong lĩnh vực khoa học, tôn vinh các nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp, trao tặng giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng Kovalepxcaia. Hội cũng có hoạt động biểu dương tặng bằng khen các nữ sinh giỏi, góp phần động viên phụ nữ, lớp trẻ trong nghiên cứu khoa học để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

PV:  Thưa bà, những thông tin mà bà đưa ra cho thấy: bình đẳng giới đạt được nhiều kết quả, trong đó, kinh tế là một trong những lĩnh vực nổi bật. Hội Liên hiệp phụ nữ đã cụ thể hóa bằng các chương trình phát triển kinh tế với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như thế nào?

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên: Muốn nói đến bình đẳng phải có vị trí về kinh tế, phụ nữ phải có việc làm, phải có thu nhập. Hội có mô hình riêng, nhất là giúp phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo. Một trong những mô hình đạt hiệu quả là  Tổ chức tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm một thành viên tình thương, gọi tắt TYM, thông qua dịch vụ tài chính, phi tài chính giúp phụ nữ phát triển kinh tế. Đến nay, dư nợ hơn 1 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ trên 100 ngàn chị em thoát nghèo. TYM đã trở thành mô hình tiêu biểu không chỉ của Hội mà của Việt Nam nói chung. Chúng tôi được sư hỗ trợ đồng hành của Ngân hàng tiết kiệm Đức về kỹ thuật. Ở các cấp hội, có 23 quỹ xã hội với trên 300 chương trình tài chính vi mô, dư nợ hàng ngàn tỷ đồng giúp cho phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ và đồng hành với phụ nữ trong các chương trình.

PV:  Thưa bà, đối với bình đẳng giới thì phụ nữ và trẻ em là những người được quan tâm nhiều nhất.  Hội phụ nữ ở cơ sở đóng vai trò thế nào trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em?

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên: Các cấp hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng vì là nơi trực tiếp với hội viên. Cơ sở là địa bàn của Hội và các hoạt động của Hội xuất phát từ nhu cầu của chị em ở cơ sở. Trong tổng số 19 triệu hội viên thì ở cơ sở là 13 triệu hội viên. Với phương châm: ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội, chúng tôi quan tâm hỗ trợ vùng khó khăn, biên giới, hải đảo làm sao để tất cả phụ nữ cùng hướng tới tổ chức Hội và khi có khó khăn, chị em đến với Hội và Hội phải thể hiện sự chăm lo hỗ trợ, giải quyết. Hội có nhiều chương trình hướng tới cơ sở như năm nay là chương trình phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương… Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, việc gì tốt động viên, việc gì chị em chưa hiểu thì giải thích và đề đạt giải quyết. Để làm được điều đó,cán bộ Hội phải được đào tạo về nhận thức, kiến thức, kỹ năng.

PV: Hội LHPN VN đã phát huy vai trò của mình như thế nào gắn kết phụ nữ người Việt ở nước ngoài tham gia vào các chương trình trong nước, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên: Hiện nay có hơn 2 triệu phụ nữ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Hội Liên hiệp phụ nữ đã tìm hiểu nhu cầu của chị em theo nhiều hình thức như qua các đoàn công tác ra nước ngoài, mời chị em ở nước ngoài tham gia các sự kiện lớn của Hội. Nghiên cứu mô hình vận động, tập hợp phụ nữ kiều bào. Bước đầu, tư vấn cho chị em thành lập tổ chức phụ nữ, cung cấp tài liệu cho phụ nữ ở Đại sứ quán và các tổ chức cộng đồng. Báo phụ nữ Việt Nam ra mắt trang thông tin điện tử phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, kênh chia sẻ thông tin và tư vấn và nhận được phản hồi tốt từ Nga, Ucraina, Sec, Lào; Hội có sáng kiến giao lưu với phụ nữ kiều bào và phụ nữ  kết hôn quốc tế đang sinh sống tại VN. Hội đã hợp tác với các  cơ quan thực hiện các chương trình ký kết với đảng ủy ngoài nước tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức Hội nghị phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước.

Nhiều tổ chức Hội ở nước ngoài đã được đánh giá cao trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ chương trình trái tim cho em, quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, đóng góp xây dựng mái ấm tình thương... Trong vấn đề hôn nhân quốc tế, Hội đã tích cực tham gia xây dựng luật pháp, chính sách, hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ. Thời gian tới, Hội sẽ hợp tác chặt chẽ các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế hỗ trợ phụ nữ hiệu quả hơn. Cũng qua các cuộc gặp phụ nữ người Việt ở nước sở tại, chị em chia sẻ tình cảm, mong muốn được hướng về quê hương. Đây là động lực tinh thần cho Hội trong quá trình thực hiện đoàn kết liên hiệp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ. 

PV:  Thưa bà, ngày 8.3 là ngày tôn vinh và đề cao  vai trò của Phụ nữ. Bà có điều gì muốn gửi gắm tới toàn thể  phụ nữ Việt Nam ở trong nước và phụ nữ đang sinh sống ở nước ngoài nhân dịp này?

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên: Phụ nữ của chúng ta  đang ngày càng khẳng định vai trò vị thế  đóng góp cho gia đình và xã hội. Chúng tôi  mong muốn phụ nữ luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức, hội nhập quốc tế sâu rộng, lên tiếng mạnh mẽ hơn trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Với phụ nữ VN ở nước ngoài, mong muốn hòa nhập tốt ở nước sở tại và gìn giữ truyền thống văn hóa, luôn hướng về đất nước và là cầu nối tích cực cho phụ nữ trong nước và nước ngoài. Thay mặt Đoàn chủ tịch, tôi xin kính chúc các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ trong nước và trên thế giới sức khỏe, gia đình hạnh phúc thành công trong công việc và cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác