Quyết tâm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm gắn kết kiều bào với đất nước

(VOV5) - Ngày 5/4/2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình hành động của Chính phủ có nhiều nội dung mới liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm gắn kết cộng đồng với đất nước. Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin về những điểm mới này.


Quyết tâm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm gắn kết kiều bào với đất nước - ảnh 1
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:


PV: Thưa ông, Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020 sẽ được triển khai ở những nội dung nào?


Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chương trình hành động của chúng tôi được xây dựng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và khủng hoảng ở những nước có đông bà con người Việt sinh sống. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai chương trình hành động của Chính phủ. Một trong những việc đó là nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa Việt Nam có những hạn chế nhất định. Đây là những khó khăn, nhưng chúng tôi đã xác định rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chương trình hành động đã đặt ra phải thực hiện nhiệm vụ truyền bá, đưa nền văn Việt Nam đi sâu vào cộng đồng bà con ở nước ngoài, để tạo cho bà con nền tảng để duy trì bản sắc người Việt. Thứ hai, nhiệm vụ rất quan trọng nữa là các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài phải tiếp cận được với hệ thống giáo dục tiếng Việt của cộng đồng để bất kỳ người Việt Nam nào ở nước ngoài cũng đều có khả năng ngôn ngữ tiếng Việt – đó là sợi dây vô hình để kết nối, gắn bó, là dòng máu để đưa nguồn dinh dưỡng văn hóa Việt tới những người Việt Nam ở xa Tổ quốc.


PV: Làm thế nào để những chương trình đó đi vào thực tiễn được hiệu quả, thưa ông?


Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Muốn như vậy chúng ta phải triển khai nhiều khía cạnh. Thứ nhất là nhận thức của các cơ quan ở trong nước cũng như của người dân. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 đã nhận định rằng chúng ta đã đạt được thành công trong việc thống nhất được nhận thức của hệ thống chính trị và người dân Việt Nam cùng chung tay để thực hiện công tác liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy chúng ta cần có các đợt tuyên truyền rộng rãi và những chính sách cụ thể để đạt được điều đó. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng những nhận thức còn khác nhau, nên phải làm sao để tiếp tục hoàn thiện được vấn đề này, để tất cả các cấp các ngành cần chung tay thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Có như thế thì cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi về trong nước sẽ cảm thấy trái tim ấm của người dân trong nước dành cho họ, và họ đã trở về ngôi nhà luôn mở rộng cửa chào đón họ. Thứ hai, từ khía cạnh Bộ ngoại giao, chúng ta cần phải triển khai cụ thể tới từng cơ quan đại diện ở nước ngoài. Vấn đề này cũng đã được triển khai rất nhiều rồi, nhưng trong quá trình tham vấn bà con thì tôi thấy rằng cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa, để các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thực sự là cầu nối, là tổ ấm của bà con khi ở đất khách quê người. Điều thứ ba, nhận thức của bà con – chúng ta cũng cần mở một đợt tuyên truyền lớn. Vì rằng có những người từ khi rời đất nước 40 năm trước, đến nay vẫn chưa lần nào trở về thăm quê vì còn có những mặc cảm, những hiểu sai do những thông tin chưa đúng về đất nước. Do đó công tác thông tin tuyên truyền và vận động của chúng ta phải làm tốt hơn nữa, để cho 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiểu được những chính sách, những nghị quyết, chỉ thị và những chương trình hành động phục vụ bà con. Có như thế bà con mới cảm thấy nhẹ nhõm khi quay trở về đất nước.


PV: Ông đã có nhiều chuyến công tác và tiếp cận nhiều cộng đồng kiều bào trên thế giới. Ông có nhận xét gì về xu hướng phát triển của cộng đồng mình hiện nay?


Thứ trưởng Vũ Hồng Nam:
Tôi thấy đời sống của bà con tốt lên rất nhiều. Nếu 10 – 20 năm trước, mặt bằng chung bà con kiều bào còn rất khó khăn, thì đến nay về cơ bản cộng đồng đều có mức sống trung bình khá trở lên. Thứ hai, tôi thấy xu hướng trí thức hóa cộng đồng người Việt ngày càng nhiều, những thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài được đào tạo rất bài bản. hầu hết các cháu trưởng thành, trở thành những trí thức, giáo viên, nhà khoa học… đây là những điều rất đáng mừng. Dĩ nhiên cũng phải thừa nhận là còn một số cộng đồng rất khó khăn như ở Campuchia, dù cũng đã có tiến triển nhưng vẫn còn đó những khó khăn. Tôi nghĩ rằng trong xu hướng chung đang phá triển tốt của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chúng ta vẫn phải chú ý hỗ trợ bà con ở những nơi còn khó khăn.


PV: Vậy trong thời gian tới, việc phát huy nguồn lực kiều bào sẽ được đẩy mạnh như thế nào, thưa ông?


Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra để thực hiện chủ trương của Đảng đã nêu trong Nghị quyết 36, hay Chỉ thị 45 và Chương trình hành động của Chính phủ, làm sao để chúng ta thu hút được nguồn lực trí tuệ của trí thức kiều bào đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Nhiệm vụ của chúng tôi trước hết là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các nhà khoa học của Việt Nam. Việc này đã và đang được triển khai. Khi đã có nguồn cơ sở dữ liệu rồi, chúng ta phải tiếp cận để đưa đến thông tin cho các trí thức kiều bào hiểu được đất nước kêu gọi, và mở ra những cơ hội để họ thử khả năng của mình trong môi trường mới, trên quê hương của mình. Một hướng khác là các cơ quan trong nước phải thống nhất nhận thức cần bình đẳng với bà con. Chính sách đãi ngộ cũng là điều cần nhắc đến, dù đây không phải là điều quá quan trọng như nhiều trí thức kiều bào đã chia sẻ với tôi. Tuy nhiên, kiều bào đang sống ở nước ngoài với điều kiện và mức sống cao, thì khi về trong nước chúng ta cũng phải đáp ứng, không làm thay đổi nhiều đến cuộc sống của bà con, có như vậy thì sẽ thu được nhiều người về hơn.


- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác