(VOV5) - Ngày 19/9 vừa qua, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, khoảng 100 tấn sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng không chỉ là việc đưa đi được vài lô hàng mà là chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nông nghiệp của nước ta. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Minh Long đã phỏng vấn ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, những lô hàng sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc mở cửa thị trường nông sản cũng như phát triển kinh tế nông nghiệp của nước ta thưa ông?
Ông Hoàng Trung: Mở cửa thị trường là một quá trình đối với cho các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như sự nỗ lực của các địa phương phối hợp với Cục để thực hiện công tác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.
Ông Hoàng Trung mở cửa thị trường, phát triển kinh tế nông nghiệp.jpg |
Với danh sách phê duyệt của phía Trung Quốc về 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều hơn, vì vậy thời gian tới về góc độ cơ quan chuyên môn cũng như các doanh nghiệp, địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là thực hiện những khuyến nghị từ phía thị trường Trung Quốc về những gì chúng ta chưa làm được, những gì sắp tới phải khắc phục để tới đây khi Trung Quốc tiếp tục cùng với cơ quan của Việt Nam tiến hành các đợt kiểm tra trực tuyến đánh giá lại các cơ sở đóng gói cũng như các vùng trồng chưa được phê duyệt khi đó sẽ đáp ứng được đầy đủ yêu cầu. Chúng ta làm một cách bài bản và bảo đảm khi các doanh nghiệp và các cơ sở đóng gói vùng trồng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thì lúc đó mới được phép xuất khẩu.
PV: Để mở cửa được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường càng khó hơn, vậy Cục Bảo vệ thực vật đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong quá trình sản xuất để xuất khẩu đạt yêu cầu như thế nào?
Ông Hoàng Trung: Giữ được thị trường này cần nỗ lực nhiều hơn nữa, muốn như vậy phải tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định trong Nghị định thư. Đó là ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tại địa phương và chủ sở hữu mã số cơ sở và vùng trồng phải cao hơn nữa. đã là mã số, quyền sử dụng của mình thì mình phải có trách nhiệm tuân thủ theo các yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn làm sao đó phải duy trì được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo Nghị định thư mà 2 bên đã ký kết. Điều này không chỉ thực hiện trong chỉ 1 mùa vụ mà còn nhiều mùa vụ trong những năm tiếp theo, thì mới có thể duy trì được thị trường và mở rộng hơn thị phần.
PV: Một số doanh nghiệp kiến nghị về việc cấp mã số vùng trồng cần “đi trước 1 bước” trước khi mở được thị trường xuất khẩu, cụ thể là xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước trước khi hướng đến xuất khẩu, vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Trung: Xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kỹ thuật, phải khẳng định chúng ta ưu tiên “nội tiêu” trước rồi mới hướng tới xuất khẩu, đây là việc mà Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ sẽ thực hiện một cách bài bản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, việc kiểm tra đánh giá và cấp mã số vùng trồng phải theo yêu cầu của nước nhập khẩu và mỗi nước nhập khẩu có quy định khác nhau, cũng là mã số vùng trồng nhưng khi hàng hóa vào các thị trường thì họ đặt ra tiêu chí trong phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại cũng khác nhau; mức dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng khác nhau, hồ sơ, nhật ký ghi chép quy trình sản xuất cũng sẽ khác nhau.
Những yếu tố này thay đổi liên tục và chúng ta phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Nó khác với việc đánh giá và cấp mã số vùng trồng trong nội địa. Nhưng muốn gì thì muốn phải bảo đảm rằng các mã số vùng trồng chúng ta được cấp phải đồng bộ, không chỉ phục vụ “nội tiêu” mà còn phải hướng đến xuất khẩu, sẽ không có sự phân biệt giữa xuất khẩu và phục vụ “nội tiêu” trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!