(VOV5) -"Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để được tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực ngoại giao khác nhau, với mong muốn đóng góp sức mình cho hoạt động xây dựng quan hệ hai nước sâu sắc và bền vững."
Trong khuôn khổ tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp, mới đây, nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp -Việt có chuyến thăm Việt Nam. Dẫn đầu Đoàn là bà Stephanie Đỗ- một phụ nữ Pháp gốc Việt. Với vai trò là chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp Việt trong Quốc hội Pháp (Hạ viện), bà Stephanie Đỗ đã có nhiều đóng góp phát triển mối quan hệ và hợp tác của Việt Nam- Pháp. Nhân dịp Stephanie Đỗ cùng đoàn thăm và làm việc tại Việt Nam, PV Đài TNVN phỏng vấn bà về nội dung này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trước hết, xin cảm ơn bà dành thời gian phỏng vấn cho PV Đài TNVN. Trước hết, Xin bà cho biết một số kết quả đạt được sau chuyến thăm Việt Nam của Nhóm nghi sĩ hữu nghị Pháp- Việt?
Bà Stephanie Đỗ: Trước tiên, tôi cảm ơn rất nhiều tới các lãnh đạo phía Việt Nam đã dành thời gian tiếp đoàn Quốc hội Pháp đặc biêt là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã dành thời gian tiếp đón nồng hậu. Về kết quả chuyến thăm, Đoàn đại biểu nghị sĩ hữu nghị Pháp Việt đã có các cuộc trao đổi tích cực với đối tác Việt Nam, trên tinh thần xây dựng ở nhiều lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như về môi trường sinh thái, về trao đổi sinh viên du học.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp bà Stephanie Đỗ, đại biểu Quốc hội |
Trong chuyến thăm, Đoàn chúng tôi đã gặp gỡ các doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam và Pháp ngày càng có nhiều dự án hợp tác phát triển. Chẳng hạn như, dự án chính phủ điện tử mà hai bên ký kết trong chuyến thăm năm ngoái của Thủ tướng Pháp Edouard.Philippe. Đến nay, giai đoạn đầu dự án đã hoàn thành. Đây được coi là một minh chứng về hiệu quả hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, chủ đề mà 2 bên đặc biệt quan tâm, liên quan đến Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây cũng là kết quả của nhiều trao đổi giữa hai bên trước đó, cũng như sau chuyến tham dự hội nghị hợp tác địa phương Pháp-Việt ở Toulouse của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng tư vừa qua.
PV: Thưa bà, Bà vừa nhắc đến việc Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam- EU vừa ký kết. Vậy bà đánh giá như thế nào về cơ hội mở ra cho các bên sau khi hiệp định có hiệu lực?
Bà Stephanie Đỗ: Về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết thì đây chỉ mới chỉ giai đoạn ban đầu. Quá trình tiếp theo quan trọng nhất, là các nước phải được Quốc hội phê chuẩn. Vi thế, thỏa thuận này đang cần nỗ lực rất lớn để được Quốc hội các nước thông qua sớm nhất có thể. Một khi văn bản này có hiệu lực thực thi thì chắc chắn đây sẽ là bước tiến lớn trong quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam và với Pháp nói riêng. Bởi nó mang tầm chiến lược, trong đó giúp gia tăng hoạt động xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam, Liên minh châu Âu nói chung, cũng như nói riêng giữa Việt Nam với từng quốc gia thành viên EU. Việc áp dụng hiệp định này sẽ tác động tích cực đến mọi mặt của nền kinh tế chứ không chỉ riêng ở lĩnh vực thương mại.
PV: Là một đại biểu Quốc hội Pháp và là Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp Việt, Bà có thể hỗ trợ những gì để hai hiệp định EVFTA và IPA sớm được phê duyệt cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ song phương?
Bà Stephanie Đỗ: Từ năm 2017- thời điểm tôi được bầu làm nghị sĩ Quốc hội Pháp, tôi và nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp Việt đã nỗ lực rất nhiều ủng hộ để Hiệp định EVFTA được ký kết. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để hiệp định thương mại tự do quan trọng này sớm được Quốc hội Pháp thông qua. Có một sự kiện vừa xảy ra là Nghị viện châu Âu vừa bầu mới lại nên chúng tôi lại sẽ tiếp tục làm việc với các nghị sĩ châu Âu để thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định
PV: Sau chuyến công tác tại Việt Nam. Theo bà lĩnh vực nào mà Quốc hội Việt Nam và Pháp cần ưu tiên thúc đẩy nhằm duy trì tính năng động trong cơ chế hợp tác này.?
Bà Stephanie Đỗ: Sau chuyến thăm thực tế Việt Nam, chúng tôi ghi nhận có 3 lĩnh vực đặc biệt mà 2 bên cần ưu tiên trong hợp tác. Thứ nhất liên quan đến môi trường sinh thái. Thứ hai là hoạt động các về doanh nghiệp, làm sao hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Pháp có thể đến làm ăn lâu dài tại Việt Nam.Thứ 3 là các hoạt động liên quan đến du học sinh Việt sang Pháp cũng như quảng bá tiếng Pháp. Hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng cần được tăng cường hơn nữa.
Thời gian qua Pháp và Việt Nam đã cùng nỗ lực rất nhiều để mở rộng hợp tác. Minh chứng là tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Toulouse dự diễn đàn phi tập chung về hợp tác doanh nghiệp giữa các địa phương hai nước. Tôi cũng tham dự sự kiện đó. Hi vọng trong tương lai mảng này cần phát triển rộng hơn không chỉ giữa Hà Nội và Toulouse. Dựa trên nền tảng đó, quan hệ hai nước sẽ ngày càng tốt đẹp, khi đó Pháp và Việt Nam sẽ trở thành đối tác về thương mại hàng đầu của nhau.
PV: Là một người con gốc Việt, trở thăm và làm việc tại quê hương lần này, bà cảm nhận như thế nào về sự phát triển của đất nước?
Bà Stephanie Đỗ: Tôi rời Việt Nam sang Pháp từ khi 10 tuổi. Lần trở về Việt Nam này, với tôi là niềm vui xen lẫn tự hào khi được các nhà lãnh đạo cao cấp nhất tiếp đón. Tôi vui vì thấy Việt Nam ngày càng thay đổi tích cự, rõ rệt trên tất cả lĩnh vực Một thông điệp tôi mong muốn gửi đến người dân Việt Nam là chúng ta hãy tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tính cần cù, làm việc chăm chỉ để phục vụ đất nước..
Là công dân Pháp mang dòng máu Việt, tình yêu của tôi chia đều cả cho Việt Nam và Pháp. Chính vì thế, công việc tôi làm cũng liên quan đến việc thúc đẩy tình hữu nghị hai nước. Đây là một trọng trách rất lớn đối với tôi. Sự có mặt của tôi ở Việt Nam lần này là chính là cho mục đích đó. Là đại biểu quốc hội Pháp. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để được tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực ngoại giao khác nhau, với mong muốn đóng góp sức mình cho hoạt động xây dựng quan hệ hai nước sâu sắc và bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà.