(VOV5) - Đường Trường Sơn hay còn gọi là “đường mòn” Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của Việt Nam.
Binh đoàn Trường Sơn có phiên hiệu là Đoàn 559 của Quân đội nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung, hạ Lào và Campuchia.
Trong suốt 16 năm từ năm 1959 đến năm 1975, đây là tuyến chi viện binh lực, lương thực và vũ khí khí tài cho chiến trường Miền Nam Việt Nam. Chính bởi tuyến hậu cần đặc biệt quan trọng này mà quân đội Mỹ đã dùng hàng triệu tấn bom đạn trút xuống dọc tuyến, tạo ra một “tuyến lửa” từ đầu đến cuối con đường. Hàng chục ngàn người đã hy sinh, cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình để đảm bảo cho đường Trường Sơn được thông suốt, góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước năm 1975. Chính quân đội Mỹ sau này nhận định rằng: đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.
Sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, do tác động của thời tiết, tự nhiên và con người trong phát triển kinh tế xã hội, nhiều di tích lịch sử dọc tuyến đường Trường Sơn còn chưa được biết đến, bị phong hóa, vùi lấp hoặc mất đi. Bởi thế việc công nhận, xây dựng bia di tích ở những trọng điểm bị ném bom ác liệt nhất trên các nhánh thuộc tuyến đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh cũng như tái hiện lịch sử hào hùng về tuyến đường huyền thoại này qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật là công việc cần được quan tâm. Biên tập viên Hoàng Hướng tọa đàm cùng vị tướng, 3 nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu và xây dựng tuyến đường này.