Tâm lý học học đường cần trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp

(VOV5)- Một trong những trường đại học lớn của Việt Nam tham gia vào hoạt động đào tạo ngành tâm lý tại Việt Nam, là Đại học Sư pham Đà Nẵng (ĐHSP Đà Nẵng) Sau hội thảo tâm lý học đường quốc tế lần thứ 5 diễn ra tại Đà Nẵng do Đại học sư phạm Đà Nẵng đăng cai cùng các tổ chức khác, PGS TS Lê Quang Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5 về những bước đi của ĐHSP Đà Nẵng trong nỗ lực đào tạo nhân lực cho lĩnh vực tâm lý học học đường.

Nghe âm thanh tại đây:

Tâm lý học học đường cần trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp - ảnh 1
PGS.TS. Lê Quang Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế Tâm lý học đường thế giới lần thứ V. - Ảnh: Trọng Phước/http://ued.udn.vn

Thưa tiến sĩ Lê Quang Sơn, lần này ĐHSP Đà Nẵng đăng cai việc tổ chức hội thảo tâm lý học đường lần thứ 5 cùng với Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế CASP-I hẳn là cũng có những mục tiêu rõ rệt về định hướng?

PGS TS Lê Quang Sơn: Thực ra từ năm 2000, trường ĐHSP Đà Nẵng là 1 trong những đơn vị sáng lập ra hiệp hội này. Và hiệp hội này sáng lập với 1 tôn chỉ đã được viết ở trong tên hiệp hội: là phát triển tâm lý học học đường ở Việt Nam. Và trong suốt 6 năm hoạt động của Hội thì trường liên tục tham gia tất cả các kỳ họp, các kỳ hội thảo của hiệp hội. Và lần thứ 5 này  thì ĐHSP Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Mục tiêu của hội thảo lần này chúng tôi tập trung vào việc xây dựng các chính sách và vận động các chính sách đối với tâm lý học đường. Đây là 1 lĩnh vực hết sức quan trọng, cấp bách, nhưng hiện nay trên thực tế còn rất nhiều bất cập. Hiện nay trong nhà trường chưa có thiết chế nào phụ trách công tác này, nhân sự cũng chưa được đào tạo, một số đơn vị, địa phương đã thực hiện thì nhân sự đó cũng chưa phải đã đạt chuẩn nghề nghiệp. Chính vì vậy chúng tôi muốn đưa hoạt động này thành một hoạt động có tính chuyên nghiệp, có thiết chế, có tổ chức, có quản lý, có đào tạo nhân sự và có được tính liên thông quốc tế để đảm bảo trình độ mình làm cũng mang tính quốc tế.

 

Thưa ông ĐHSP Đà Nẵng đã có những chuẩn bị gì cho việc đào tạo ngành nghề tâm lý học học đường ở đại học của mình?

PGS TS Lê Quang Sơn: Riêng ĐHSP Đà Nẵng đã có những bước chuẩn bị, đó là chúng tôi đã mở mã ngành đào tạo về cử nhân tâm lý học. Chúng tôi đào tạo từ 2006, đến nay sinh viên của chúng tôi đã đi thực tế tại các trường phổ thông. Và trong quá trình làm thực tế đó các em bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ của các nhà tâm lý học học đường. Và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở các trình độ bậc cao hơn như trình độ thạc sĩ…Ngoài ra hàng năm chúng tôi đều có hàng loạt các đề tài khoa học liên quan tới lĩnh vực tâm lý học học đường và kết quả của những đề tài đó đều được chúng tôi triển khai trên thực tế.

 

Chương trình thạc sĩ tâm lý học đường của ĐHSP Đà Nẵng dự kiến cụ thể sẽ như thế nào thưa ông?

PGS TS Lê Quang Sơn: Hiện nay chương trình thạc sĩ tâm lý học học đường chúng tôi xây dựng cùng các trường đại học trong hiệp hội của cả Việt Nam và Mỹ. Với điều này chúng tôi đảm bảo là mặt bằng đào tạo ở Việt Nam giữa các trường với nhau cũng cân bằng và tiếp cận được các trình độ của quốc tế. Chúng tôi dự định năm 2017 sẽ mở, ngay sang năm, vì tất cả các công việc chúng tôi đã chuẩn bị rồi.

 

Ngoài những chương trình dài hơi, thì chắc hẳn cũng phải có những khóa tập huấn kỹ năng ngắn tạm thời để chuẩn bị đội ngũ -  như ở trong Hội thảo tâm lý học đường quốc tế lần thứ 5 chẳng hạn?

PGS TS Lê Quang Sơn: Chúng tôi có 10 mini – skills, tức là khóa tập huấn ngắn tại hội thảo. Và điều này chúng tôi cũng làm trong tất cả các hội thảo gần đây. Đấy là cái cách mà chúng tôi tập huấn đội ngũ, và cũng là mở rộng hiểu biết của cộng đồng đối với lĩnh vực này. Còn riêng đối với xây dựng chương trình, thì hiện nay chúng tôi đang làm với Hiệp hội và họ giúp chúng tôi xây dựng chương trình, tài liệu, giúp một số chuyên gia. Chúng tôi đã có những chuyên gia sẵn sàng dạy cho chúng tôi, như thông qua skype, thông qua cầu truyền hình để dạy cho sinh viên mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác