Phóng viên: Chào chị Hồng Đinh. Được biết trở về Việt Nam lần này chị cũng kết hợp một việc rất quan trọng, đó là ra mắt cuốn sách thứ ba “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội”?
Chị Hồng Đinh: Đây là chuyến trở về sau những thời gian cách xa do dịch covid. Tôi rất vui mừng được trở về và ra mắt cuốn sách thứ 3 này. Cuốn đầu tiên Học kiểu Mỹ tại nhà giới thiệu tổng quan chung về giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông ở Mỹ, cuốn thứ 2 Học STEM kiểu Mỹ tại nhà chuyên về STEM, còn cuốn thứ 3 chuyên về giáo dục cảm xúc xã hội.
Phóng viên: Cảm xúc xã hội – một cụm từ có vẻ như chưa mấy quen thuộc ở VN?!
Chị Hồng Đinh: Vâng, đây là một khái niệm, một chương trình giáo dục tập trung vào kỹ năng mềm, không chỉ chưa phổ biến ở Việt Nam mà ở một số nước phát triển khác cũng vẫn chưa triển khai với quy mô chuyên nghiệp và rộng lớn như ở Mỹ hoặc Anh. Bởi vậy vẫn còn những điều chưa hiểu rõ, hoặc chưa có đường hướng cụ thể, chương trình cụ thể để giúp cho phụ huynh và giáo viên. Vì thế tôi viết cuốn sách này với mong muốn giúp cho những người làm giáo dục nói riêng và những người quan tâm đến việc phát triển năng lực cảm xúc xã hội nói chung để có thể biết rõ mảng đào tạo phát triển kỹ năng mềm và năng lực cảm xúc xã hội như vậy.
Phóng viên: Với một vấn đề mới mẻ như thế, chị đã tiếp cận như thế nào và sau đó truyền đạt lại cho người đọc một cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận?
Chị Hồng Đinh: Chính vì đây là một vấn đề mới nên phần đầu cuốn sách sẽ là giới thiệu tổng quan. Tôi đưa ra lời giải thích về lịch sử cũng như nguồn gốc của giáo dục phát triển cảm xúc xã hội, bắt nguồn từ EQ – trí thông minh cảm xúc, rồi về lịch sử và nền tảng để về sau từ trí thông minh cảm xúc mà phát triển thành mảng giáo dục cảm xúc xã hội. Và sau đó có phần giới thiệu, phân tích và minh chứng hết sức cụ thể cho năng lực cảm xúc xã hội của cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cả sinh viên Đại học. Cuốn sách cũng đề cập việc phát triển năng lực cảm xúc xã hội chia theo các mảng: thực hành tại trường, thực hành tại nhà, áp dụng cho người lớn, áp dụng cho trẻ em… Việc phát triển năng lực cảm xúc là rất cần thiết cho mọi người, mọi đối tượng, cả người lớn và trẻ em, cả người đi làm và người không đi làm. Hiểu một cách ngắn gọn thì năng lực này là năng lực xử lý những cảm xúc lớn để có thể giúp một người trưởng thành thành công trong xã hội.
Phóng viên: Chị có kỳ vọng gì khi cho ra mắt cuốn sách này?
Chị Hồng Đinh: Trong quá trình viết cuốn sách, thông qua fanpage Học kiểu Mỹ tại nhà mà tôi sáng lập và điều hành, khi biết tôi đang viết cuốn sách chuyên về phát triển năng lực cảm xúc xã hội thì nhiều người đã có những phản hồi tích cực, bày tỏ sự đồng tình, cổ vũ và mong đợi. Như vậy có thể thấy được nhu cầu tìm hiểu vấn đề này rất lớn nhưng nguồn tài liệu thì rất hiếm ở VN và không có sự đào tạo chính thống nào, không có chương trình nào được giới thiệu một cách quy củ, hệ thống, và cung cấp đầy đủ thông tin. Mọi người rất mong có một cuốn sách bằng tiếng Việt để thông qua đó hiểu rõ được về giáo dục cảm xúc xã hội.
3 cuốn sách của tác giả Hồng Đinh rất được đón nhận tại Việt Nam |
Chính vì thế, tôi viết cuốn sách này như một sự phân tích, đồng thời giới thiệu phần thực hành, những chiến thuật, những nguồn tham khảo rất hệ thống và đầy đủ. Hy vọng đây sẽ trở thành cuốn cẩm nang, một cuốn sách gối đầu giường không chỉ của một bạn nhỏ thuộc về giáo dục đặc biệt, hay một bạn nhỏ có tài năng, năng khiếu. Đây cũng có thể trở thành cuốn cẩm nang của những người làm giáo dục, những người chủ trường học để có thể đưa chương trình giáo dục cảm xúc xã hội vào chương trình học của trường.
Phóng viên: Trong tương lai sắp tới, chị có dự định như thế nào về những kiến thức mới sẽ tiếp tục được giới thiệu về Việt Nam?
Chị Hồng Đinh: Sau cuốn sách về giáo dục cảm xúc xã hội, tôi rất muốn phát triển thêm những nội dung về hai chủ đề mà tôi rất tâm huyết, đó là giáo dục dành cho học sinh tài năng, năng khiếu và học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn chị!