(VOV5) - Chương trình tour du lịch kiều bào không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị để thu hút cộng đồng người Việt về nước đóng góp cho quê hương.
Trong những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển cho ngành du lịch. Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cho biết hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một thị trường giàu tiềm năng để phát triển ngành du lịch trong nước. Đó cũng là lý do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa tổ chức hội thảo “Thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển du lịch”. Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ về những tiềm năng, triển vọng trong việc xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch về nguồn nhằm thu hút kiều bào về nước thăm thân, du lịch và đầu tư.
Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tại hội thảo “Thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển du lịch”. |
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Trước tiên ông có thể cho biết nhu cầu và tiềm năng để phát triển thị trường du lịch kiều bào trong thời gian tới như thế nào?
Đại sứ Ngô Hướng Nam: Du lịch kiều bào là một khái niệm tương đối mới. Theo con số thống kê trong nhiều năm nay, có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng cho đến nay, chúng tôi nghĩ là con số này có thể lên đến gần 6 triệu người. Cộng đồng người Việt Nam luôn luôn hướng về quê hương đất nước và muốn về để xây dựng đất nước. Trong những năm gần đây, không kể giai đoạn Covid, mỗi năm có khoảng 700.000 người đến 1.000.000 lượt kiều bào về trong nước và con số này tương đương với lượng khách du lịch Nhật Bản, là thị trường khách du lịch lớn thứ ba của Việt Nam.
Kiều bào khi về nước thường đi cùng gia đình, bạn bè nên số lượng kiều bào về nước đi du lịch là rất lớn. Cho đến nay, kiều bào về nước cũng tham gia vào các tour du lịch mang tính chất phổ thông. Khi họ tham gia vào các tour du lịch phổ thông này, nhiều khi đối với những người có quốc tịch nước ngoài hoặc là công dân Việt Nam nhưng không có thẻ căn cước công dân, không có hộ khẩu thì vẫn bị tính phí như người nước ngoài. Đó cũng là sự thiệt thòi. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm chín muồi để chúng ta bắt đầu phải xây dựng những chương trình du lịch dành riêng cho kiều bào. Sau đại dịch Covid, Việt Nam bắt đầu mở cửa lại đối với du lịch, việc khai thác thị trường du lịch kiều bào là một điều hết sức quan trọng.
Đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho biết nhu cầu và tiềm năng để phát triển thị trường du lịch kiều bào là rất lớn. |
Phóng viên: Khi tiến hành tổ chức những chương trình tour du lịch như vậy thì chúng ta chú trọng đến những đối tượng kiều bào nào cũng như những tour du lịch trọng điểm nào, thưa ông?
Đại sứ Ngô Hướng Nam: Trước hết, cần phải nói đến kinh nghiệm của quốc tế về du lịch kiều bào, họ đã tổ chức rất thành công ở một số nước có đông kiều dân trên thế giới. Thí dụ như: Ấn Độ, Philippines, Israel. Đặc biệt, trên thế giới có 2 mô hình du lịch kiều bào tổ chức rất thành công mà chúng tôi đang muốn áp dụng tại Việt Nam.
Thanh niên, sinh viên kiều bào thăm Đại nội Huế trong hành trình Trại hè Việt Nam 2023. |
Mô hình thứ nhất là chương trình du lịch về nguồn cội dành cho các thế hệ trẻ kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba. Họ về hoặc tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nguồn cội, tìm hiểu về các danh lam thắng cảnh, về tiếng Việt và giao lưu với thế hệ trẻ ở trong nước. Phải nói rằng chương trình du lịch nguồn cội này là một chương trình đã được tổ chức rất thành công tại Israel. Đất nước này có một chương trình rất hoành tráng do Chính phủ và các công ty lớn đứng ra tài trợ với số tiền 400 triệu đô la Mỹ. Đối tượng từ 18 đến 26 tuổi đi du lịch trong 10 ngày để tìm hiểu về nguồn gốc người Do Thái của họ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế, Nhà nước ta không thể bỏ một số lượng tiền lớn như vậy. Cho nên chúng tôi muốn thực hiện chương trình bằng cách xã hội hóa để các công ty du lịch đứng ra làm tour du lịch.
Mô hình thứ hai cũng làm rất thành công ở Đài Loan (Trung Quốc) đó là năm du lịch kiều bào. Trong năm du lịch kiều bào đồng loạt giảm giá các dịch vụ về du lịch: từ hàng không, khách sạn cho đến các tour tuyến đồng loạt giảm giá để thu hút kiều bào về với quê hương. Đối với Việt Nam, chúng tôi đã bàn với Cục du lịch quốc gia Việt Nam để áp dụng thử nghiệm tại các địa phương. Bởi hàng năm, Việt Nam đều chọn ra một địa phương để tổ chức năm du lịch quốc gia. Ví dụ như năm tới là năm du lịch quốc gia tại Điện Biên. Chúng tôi sẽ tích hợp năm du lịch kiều bào trở thành một nội dung trong năm du lịch quốc gia. Nếu chúng ta tổ chức thí điểm thành công tại các địa phương, chúng ta có thể tiến hành tổ chức năm du lịch kiều bào trên toàn quốc.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, ký kết Quy chế phối hợp. Ảnh: Dương Tiêu |
Phóng viên: Đại sứ có thể cho biết Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp như thế nào với các đơn vị, các cơ quan liên quan để thực hiện chương trình du lịch về nguồn dành cho kiều bào một cách hiệu quả nhất?
Đại sứ Ngô Hướng Nam: Cho đến nay, chúng tôi rất vui mừng có sự đồng hành của 4 công ty du lịch lớn. Đó là Vietnam Tourism, Saigon Tourist, Vietravel và Flamingo Redtours. Các công ty du lịch này đã phối hợp với nhau để xây dựng 3 chương trình tour riêng dành cho kiều bào và lấy một tên chung là “Việt Nam trong tôi”. Chương trình tour du lịch kiều bào không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, sẽ rất lạ để thu hút cộng đồng người Việt về nước đóng góp cho đất nước, tạo nên sự gắn bó với đất nước, đặc biệt là thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba người Việt. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ bảo trợ cho chương trình du lịch này cũng như đồng hành với các công ty du lịch để thực hiện thành công chương trình này. Chúng tôi có ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Du lịch quốc gia Việt Nam với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại sứ.