(VOV5) - Theo đánh giá của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian gần đây, đầu tư của các doanh nghiệp kiều bào về nước liên tục tăng, quy mô của các dự án ngày càng mở rộng. Đến nay, đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh/ thành phố có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, với khoảng 2.000 dự án. Ông Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển kinh tế đất nước.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam |
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong việc thu hút đầu tư của kiều bào về nước trong thời gian qua?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Kết quả nổi bật nhất là hiện nay đang có một xu hướng, một làn sóng lớn người Việt Nam ở nước ngoài tìm cơ hội làm ăn với trong nước, trên hai hướng là bà con đưa vốn đầu tư về trong nước, và thứ hai là bà con tìm kiếm những nguồn hàng trong nước để xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời tìm kiếm công nghệ ở nước ngoài để đưa về Việt Nam. Đây là xu hướng lớn, đang nổi lên mạnh, nhiều doanh nghiệp kiều bào đã về trong nước và làm ăn tốt. Ví dụ những tên tuổi lớn như VinGroup, SunGroup, Công ty xử lý rác thải của David Dương, hay những công ty đưa sản phẩm sang Thái Lan để bán như Thép Việt Đức, Tôn Hoa Sen… Rất mong làn sóng này sẽ tiếp tục thành công.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài thông qua các doanh nghiệp kiều bào?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chúng ta phải nhìn nhận vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài như một sứ giả. Họ có thuận lợi vì là người Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài, họ hiểu tiềm năng của Việt Nam có gì, cần gì, đồng thời cũng hiểu văn hóa của nước bạn, và hiểu những hàng hóa gì có thể bán sang nước ngoài và những công nghệ gì của các nước có thể đầu tư, đưa về Việt Nam. Đây là lợi thế mà không phải ai cũng có được. Chính từ lợi thế đó, có nhiều công nghệ của nước ngoài đã được người VN đưa về trong nước. Hàng hóa của VN cũng đã xuất ra các nước thông qua các doanh nhân kiều bào. Đây cũng là hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà Trung ương Mặt trận Tổ quốc triển khai dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi cũng đã thông qua các đại diện ở nước ngoài để quảng bá, vận động bà con. Chương trình này đã được thực hiện rất tốt, và hàng hóa Việt Nam đã đi đến khắp các nước có sự hiện diện của người Việt Nam. Đây là vai trò rất lớn của kiều bào trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.
Phóng viên: Như vậy có thể thấy là những chính sách hay những chương trình vận động ở trong nước là một trong những tiền đề quan trọng để doanh nghiệp kiều bào gắn kết hơn với trong nước?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Làn sóng đầu tư của kiều bào thể hiện ở 2 mặt. Thứ nhất là chủ quan của kiều bào ở nước ngoài làm ăn tốt, có nguồn vốn để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Từ góc độ thứ hai tác động đến làn sống đầu tư của kiều bào, đó là Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Ví dụ Luật đầu tư là cái lớn nhất tạo cho bà con thuận lợi, không còn sự khác biệt khi về nước đầu tư. Thứ hai là về giấy tờ đi lại, bà con được cấp lại quốc tịch, hộ chiếu Việt Nam nếu muốn. Nếu bà con chưa có điều kiện xin lại hộ chiếu và quốc tịch VN thì có thể xin cấp giấy miễn thị thực. Hiện nay thời hạn về nước đã được quy định gấp đôi lúc trước, tối đa có thể ở đến 1 năm và nếu cần thiết cũng có thể được gia hạn thêm nữa. Thứ ba là những chính sách về chuyển vốn, mua nhà cửa… cũng được tạo thuận lơi. Những điều đó làm cho bà con sẵn sàng về nước đầu tư, làm ăn.
Phóng viên: Thưa ông, trong một số hội nghị gần đây thì nhiều kiều bào bày tỏ là còn gặp phải một số vướng mắc về thông tin, và đặc biệt là về sự vận hành cơ chế trong quá trình tìm kiếm cơ hội làm ăn trong nước. Theo ông trong thời gian tới cần phải làm gì để khắc phục khó khăn, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của kiều bào về nước?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Cũng phải nhìn nhận còn nhiều khó khăn khi thực hiện chính sách. Chính sách vĩ mô đã tốt rồi, nhưng việc thực thi vẫn còn vướng mắc. Ví dụ như một vấn đề còn nhiều tranh luận, là làm thế nào để kiều bào có thể mua nhà, mua đất ở trong nước thoải mái hơn nữa. Việc này vừa tạo thuận lợi cho bà con, vừa là điều kiện để thu hút vốn cho thị trường vẫn bị đông lạnh. Chúng tôi đã cùng với các địa phương để tìm được tiếng nói chung, có sự hỗ trợ của Hiệp hội bất động sản, Bộ xây dựng, Bộ Tư pháp… Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có bước đột phá trong việc này. Ngoài ra, giữa các địa phương có 1 số chính sách của các cấp thực hiện còn chưa quán triệt, vẫn còn những chính sách nhỏ hay giấy phép con. Chúng tôi là cơ quan tham mưu cho chính phủ, tham mưu cho Nhà nước, và hỗ trợ bà con. Thời gian qua chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của các địa phương. Khi phát hiện những tồn tại không phù hợp với luật pháp, chúng tôi trao đổi và được các địa phương giải quyết rất tốt. Đến nay dư luận bà con đánh giá rất cao chính sách kể cả tầm vĩ mô cũng như các cấp thực hành. Tôi hy vọng thời gian tới, sau khi chỉ thị 45 đi vào cuộc sống một cách toàn diện – một sự tiếp nối Nghị quyết 36 của Bộ chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thì cả hệ thống chính trị của chúng ta, từ Chính phủ, các bộ ban ngành và các địa phương sẽ có những chuyển biến mạnh hơn nữa để tranh thủ được nguồn lực rất lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực trí thức, khoa học công nghệ và đầu tư.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.