Sau hơn nửa năm về quê tránh dịch Covid-19, thời gian gần đây, hàng ngàn người lao động từ Quảng Nam trở vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Rất nhiều người đã đến tỉnh Bình Phước tìm gặp ông Trần Công Cảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng khu vực phía Nam để nói lời tri ân ông đã dìu họ vượt qua hiểm nguy khi dịch bệnh bùng phát dữ dội.
Phóng viên Long Phi có cuộc trò chuyện với ông Trần Công Cảnh, người đã bỏ ra hơn 400 triệu đồng lo toàn bộ chi phí các chuyến bay đưa bà con đồng hương Quảng Nam rời khỏi “tâm dịch” về quê an toàn.
Ông Trần Công Cảnh trả lời phỏng vấn Phóng viên VOV |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
- “Em thất nghiệp mà em còn phải nuôi 2 đứa con gái nữa, rất khó khăn. Em không thể trụ nổi trong đó nữa”.
- “Rất biết ơn anh Trần Công Cảnh đã ủng hộ kinh phí lo 2 chiếc máy bay đón bà con về Quảng Nam trong những ngày khó khăn nhất”.
Phóng viên: Xin chào ông Trần Công Cảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng khu vực phía Nam. Ông vừa nghe bà con đồng hương nhắc lại chuyện về quê tránh dịch trên các chuyến bay do ông tài trợ toàn bộ chi phí. Cảm xúc của ông lúc này thế nào?
Ông Trần Công Cảnh: Tôi cảm thấy rất mừng khi thấy những khuôn mặt đó nhìn mình thân thương và rạng rỡ. Đặc biệt khi biết họ đã được an toàn sau chuyến về quê tránh dịch thì tôi cảm thấy sự mừng vui được nhân lên. Tôi thấy tình hình của bà con khi vào lại trong này làm thì gần như đã ổn định hết. Những trường hợp nào khó khăn thì Hội đồng hương sẽ hỗ trợ, sẽ không bỏ một ai ở lại hết.
Phóng viên: Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội, cuộc sống và sinh hoạt của mọi người gặp rất nhiều khó khăn. Ngay lúc đó, ông tự bỏ ra hơn 400 triệu đồng để lo chi phí 2 chuyến bay đưa người dân Quảng Nam về quê tránh dịch. Điều gì thôi thúc ông làm việc này?
Ông Trần Công Cảnh: Chuyện tôi làm rất là nhiều người cũng đã làm như tôi. Tôi xuất thân từ nhà nông, tuổi cũng gần 80 rồi. Đêm nào cũng như đêm nào cứ nằm là nhớ về quê hương, nhớ mãi trong đầu những ngày tháng chỉ ăn củ khoai là chính, nhưng đói thế mà không ai bỏ được quê hương. Từ những suy nghĩ đó rồi đi đến việc giúp đỡ đồng hương của mình là điều rất bình thường. Chúng tôi rất hiểu cái khó, cái thiếu của những người tha phương như vậy.
Trong các đợt dịch Covid-19 năm 2021, nhiều người dân Quảng Nam ở thành phố Hồ Chí Minh được đón về quê trên các chuyến bay do ông Trần Công Cảnh tài trợ chi phí |
Còn trong đợt dịch vừa rồi, khi đưa bà con về quê, có chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam; Hội đồng hương trong này lên danh sách bà con đăng ký về quê. Nhìn lại danh sách tôi thấy toàn người lớn tuổi, có nhiều người lớn tuổi lại mới xuất viện, rồi có cả thai phụ nữa… không thể nào để họ đi ô tô về mà đảm bảo được sức khỏe. Nhiều anh em cũng có ý nghĩ sẽ hỗ trợ chi phí máy bay nhưng tôi đã xung phong hỗ trước.
Phóng viên: Những người Quảng Nam xa quê đã dìu nhau vượt qua đại dịch như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Công Cảnh: Con người Việt Nam mình có tình cảm và sự thương yêu nhau lớn lắm. Khi cần thì nhiều người chung tay, lăn xả vào tuyến đầu để phụ với các tổ công tác của Nhà nước để lo cho người dân. Hàng tuần, chở gạo, mỳ tôm, mắm muối xuống các nhà trọ, xuống từng vùng mà bà con đang thiếu ăn, rồi lo cho những người bị Covid-19. Bên cạnh tôi lúc đó có rất nhiều người. Có những vùng trồng rau trong này họ cho nguyên cả vườn rau, huy động bà con vào nhổ về lặt sạch để đem cung cấp lại cho các hộ đang khó khăn.
Người giàu thì giúp theo kiểu người giàu, người không có tiền của thì họ lăn xả vào làm thấy tội lắm, nhiều hình ảnh nhìn thấy rất cảm động.
Nhiều phụ nữ và trẻ em được đón từ thành phố Hồ Chí Minh về Quảng Nam trên các chuyến bay miễn phí |
Phóng viên: Vậy trong giai đoạn đó, hình ảnh nào của bà con đồng hương đọng sâu trong tâm trí ông?
Ông Trần Công Cảnh: Một số thanh niên xung kích đưa bà con lên làm thủ tục, hướng dẫn bà con lên xe, lên máy bay về quê. Có một đồng hương ở quận Thủ Đức làm công tác xung kích, khi xông pha như vậy thì về bị nhiễm Covid-19, chữa không khỏi nên đã qua đời. Những người làm thiện nguyện giai đoạn đó đã đánh đổi cả mạng sống đó bà con ơi!
Thời kỳ cao điểm dịch Covid-19, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương hãy ở yên đó đi, rồi Hội đồng hương cũng động viên bà con đừng bao giờ đi xe máy để về quê, sẽ tạo điều kiện để có ô tô và máy bay cho bà con về. Nhiều tỉnh khác, người dân đi về tự phát rồi bị tai nạn thấy cảnh thê lương quá nhưng người dân tỉnh Quảng Nam đi về xe máy có tổ chức thì ít lắm. Đây không chỉ là một mặt mà sự phối hợp ba, bốn mặt… Bà con nắm tay nhau để cùng lo cho cái chung.
Phóng viên: Thưa ông! Hội đồng hương và ông tiếp tục hỗ trợ người dân từ Quảng Nam quay trở lại các tỉnh, thành phía Nam tìm kiếm việc làm bằng cách nào?
Ông Trần Công Cảnh: Đại đa số bà con đều quay vào đây để tiếp tục sản xuất, thì việc đầu tiên, chúng tôi sẽ tìm cách giúp bà con ổn định chỗ ở, có an cư rồi mới lạc nghiệp được. Trường hợp họ quay lại các công ty, xí nghiệp cũ, nếu ổn định thì tốt, nếu cần tìm chỗ làm việc mới thì Hội đồng hương ở trong này sẵn sàng liên hệ với các chủ doanh nghiệp là người Quảng Nam nhận những người Quảng Nam vào làm việc.
Người Quảng Nam xa quê đã dìu nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn do đại dịch |
Phóng viên: Ông suy nghĩ gì khi người Việt với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của một dân tộc từng trải qua nhiều biến cố trong lịch sử sẽ sớm vượt qua những khó khăn hiện nay?
Ông Trần Công Cảnh: Năm ngoái, khi nghe tin miền Nam đang bùng phát dịch bệnh thì bà con ngoài quê Quảng Nam, người góp trái bí, trái bầu, người bó rau, miếng thịt, người tát ao để bắt mấy con cá đem phơi khô… gửi vào trong miền Nam này, phân phối lại cho bà con gặp khó khăn. Tình cảm gần như luôn gắn chặt. Tôi đang nói mà rưng rưng nước mắt… Trong dịch bệnh vừa rồi mình mới thấy được cái tình người đậm đà lắm, tất cả mọi người đều lăn vào để lo cho nhau.
Tôi nghĩ rằng người Việt Nam mình luôn đoàn kết, tương thân, giúp nhau và kiên định biện pháp chống dịch thì dịch bệnh cũng phải qua đi để tập trung sản xuất, làm ăn. Đồng lòng, cùng nhau vượt khó thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ vượt được.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông Trần Công Cảnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam!. Kính chúc ông luôn mạnh khoẻ, tiếp tục có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước!