Ngày 03/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh ký thông qua Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu trả lời phỏng vấn báo chí về Đề án này.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu. |
PV: Xin ông cho biết về mục đích và ý nghĩa của Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 3/8 vừa qua?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam; đóng vai trò vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa; là công cụ quan trọng hàng đầu giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.
Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2019 thu hút 80 học viên từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ về tham dự. |
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tiếng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị mai một vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quá trình hội nhập của NVNONN và xu thế toàn cầu hóa, sự giao thoa với văn hóa sở tại làm ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt. Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng còn nhiều khó khăn… Do đó, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc.
Xuất phát từ những lý do trên, lần đầu tiên chủ trương “Nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt” được nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong Kết luận 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về công tác NVNONN trong tình hình mới. Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN cũng góp phần cụ thể hóa chủ trương “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc” (văn kiện Đại hội XIII của Đảng), đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của bà con.
Với việc thực hiện Đề án này, chúng tôi mong muốn Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN sẽ trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế; lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; đặt nền tảng cho giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực giáo dục cộng đồng. Thông qua việc tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, đoàn kết, vững mạnh, luôn hướng về và tích cực đóng góp cho quê hương Việt Nam.
Đồng thời, việc tôn vinh tiếng Việt tại các địa bàn sẽ góp phần truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, cũng như văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sức mạnh “mềm” của đất nước.
Hoàng Thảo Sandra (Cộng hòa Séc) kể về Việt Nam trong mắt kiều bào trẻ. |
PV: Việc lựa chọn ngày ngày 8/9 hàng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Chúng tôi lựa chọn ngày 8/9 vì đây là ngày hội tụ nhiều ý nghĩa gắn liền với lịch sử dân tộc nói chung và tiếng Việt nói riêng, bao gồm:
Ngày 8/9/1945 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ”, đồng thời là ngày thành lập Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia.
Ngày 8/9/1962, trong “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Ngày 8/9 cũng phản ánh sự gặp gỡ giữa quan điểm của đất nước và thế giới về tôn vinh ngôn ngữ dân tộc. Năm 1965, UNESCO đã lựa chọn ngày 8/9 làm Ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ và kỷ niệm hằng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội.
Nguyễn Hồng Đức Anh (kiều bào Ba Lan) kể chuyện Sự tích bánh chưng, bánh dày. |
PV: Tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt như thế nào để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đặt ra?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt được tổ chức vào ngày 8/9 hàng năm, trong giai đoạn 2023-2030, triển khai đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước dành cho cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới và những người yêu tiếng Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Hoạt động sẽ được triển khai thông qua các cơ quan đại diện VNONN, kết hợp với các hoạt động tổ chức trong nước, lồng ghép vào các hoạt động Ủy ban Nhà nước về NVNONN đang triển khai (như Trại hè Việt Nam, Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt…). Để tối ưu hóa hiệu quả, các hoạt động sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời phát triển các nền tảng số, mạng xã hội để tạo điều kiện cho NVNONN dễ tìm kiếm và theo dõi.
Chúng tôi sẽ tập trung vào 3 nhóm hoạt động cụ thể.
Thứ nhất, tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 hằng năm, gồm các hoạt động: Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt; định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” (thông qua các hoạt động liên quan đến tiếng Việt như thi kể chuyện, làm thơ, hùng biện…); Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”; các cơ quan đại diện VNONN phối hợp với chính quyền và các đại sứ quán ở nước sở tại tổ chức các hoạt động quảng bá ngôn ngữ các nước, lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn.
Thứ hai, nhân dịp Ngày Tôn vinh tiếng Việt hàng năm, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Tri ân” ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức thông tin, quảng bá trong và ngoài nước hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Với công tác này, ngoài huy động sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí, các nhân vật có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng với các hình thức truyền thông mới và đa dạng, chúng tôi sẽ hỗ trợ, phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các địa bàn tổ chức Ngày/Tuần lễ nói tiếng Việt trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng thành lập các câu lạc bộ tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, tổ chức các hoạt động dạy học, quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong cộng đồng NVNONN và bạn bè quốc tế. Ngoài ra, sẽ xây dựng Tủ sách tiếng Việt; website riêng về dạy, học tiếng Việt; thúc đẩy việc đưa tiếng Việt có nội dung quảng bá, giới thiệu văn hóa, truyền thống, đất nước, biển đảo, con người Việt Nam vào các thư viện, cơ sở dữ liệu ở sở tại… và các sáng kiến khác liên quan đến quảng bá tiếng Việt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!