Trong suốt chặng đường vẻ vang 97 năm qua báo chí Cách mạng Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò định hướng dư luận, phản ánh sinh động các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí Cách mạng Việt Nam càng phải thể hiện tốt hơn trách nhiệm đối với xã hội và phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Muốn vậy, nhà báo cần làm ra những sản phẩm báo chí bằng cái tâm và cái tầm của mình, có ý nghĩa đối với cuộc sống, phản ánh các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội theo cách làm cho xã hội tốt đẹp lên. Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2022), phóng viên Đài TNVN có cuộc trao đổi với Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XV về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn cùng nghe:
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, chúng ta đã chứng kiến các thế hệ phóng viên chiến trường của Đài Tiếng nói Việt Nam có mặt trên mọi điểm nóng của tiền tuyến để đưa tin chân thật, chính xác và xúc động về cuộc chiến. Trong thời bình, mà thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua, phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng thường xuyên có mặt tại các vùng tâm dịch. Với tư cách là cơ quan báo chí chủ lực của Quốc gia, trách nhiệm xã hội của các nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ: Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội (ngày 19 tháng 8 năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh từ An toàn khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Giữa lúc công việc đang khẩn trương, bề bộn chuẩn bị lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu thành lập ngay Đài Phát thanh Quốc gia để phục vụ Cách mạng. Người nói: “Việc đầu tiên sau khi thành lập nước là phải lập Đài phát thanh Quốc gia” để đưa tiếng nói của dân tộc mình tới đồng bào mình và với bạn bè thế giới. Và kể từ thời điểm phát sóng bản tin đầu tiên vào 11 giờ 30 phút, ngày 7 tháng 9 năm 1945 với lời xướng: "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa”, các thế hệ phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã ý thức được trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân là mang Tiếng nói Việt Nam đến với đồng bào mình trong và ngoài nước, cũng như bạn bè khắp năm châu.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đại biểu Quốc hội khóa XV. |
Chúng tôi nhận thức rằng, trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt nam còn là trách nhiệm trước những phát ngôn trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã bổ sung, chỉnh sửa Bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội cho toàn bộ cán bộ nhân viên của Đài. Bởi chúng tôi ý thức rất rõ, tiếng nói của nhà báo có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng, nếu thông tin nhà báo đăng trên mạng xã hội lại khác biệt hoặc mâu thuẫn với nội dung đăng tải trong các tác phẩm báo chí của mình thì điều đó rất nguy hiểm, dễ gây sự hiểu lầm đối với công chúng. Vì thế, mỗi nhà báo tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang luôn cẩn trọng khi phát ngôn trên mạng xã hội.
PV: Trong công tác thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thì vai trò của nhà báo cũng thể hiện rất rõ. Trong đó có nhiều tác phẩm của phóng viên Đài TNVN đã được tôn vinh qua nhiều cuộc thi và được xã hội ghi nhận. Vậy ông có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội của nhà báo trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng như thế nào?
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ: Ngày nay người dân tiếp cận thông tin ở nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có rất nhiều nguồn tin giả, được tạo ra một cách có dụng ý, như để chia rẽ, để tạo ra sự hiểu lầm, hoặc đôi khi chỉ vì những lợi ích riêng. Lúc này, trách nhiệm của nhà báo là bằng kỹ năng, khả năng tiếp cận thông tin của mình, cung cấp những thông tin chính xác, minh bạch và khách quan để công chúng có được cái nhìn chuẩn xác hơn. Chúng ta cũng biết "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đó là khẳng định và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua; và tôi cho rằng, báo chí nói riêng và Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung cần phải phấn đấu để trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh này.
PV: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin của thời đại 4.0, trách nhiệm xã hội của nhà báo không chỉ là đưa tin nhanh chóng, kịp thời mà còn là thông tin chính xác, có kiểm chứng. Có thể khẳng định, Đài Tiếng nói Việt Nam là một cơ quan báo chí có sự chuyển mình mạnh mẽ trở thành cơ quan báo chí đa loại hình, đa phương tiện, sản phẩm báo chí của Đài có mặt trên tất cả các hạ tầng từ truyền thống đến hiện đại. Vậy ông có thể chia sẻ đôi nét về quá trình chuyển đổi số của Đài Tiếng Nói Việt Nam và đâu là yếu tố quan trọng nhất của chuyển đổi số?
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ: Đài Tiếng Nói Việt Nam, cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện chủ lực, đang phấn đấu phát triển nhanh và toàn diện hơn. Chúng tôi coi đây chính là yếu tố nền tảng mang tính chất định hướng để việc chuyển đổi số chính là sự lựa chọn không thể khác. Bên cạnh việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đầu tư kinh phí để xây dựng trang thiết bị hiệu quả, thì yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số ở Đài chính là con người. Chuyển đổi số không phải cứ đưa hết các tác phẩm báo chí lên mạng là xong. Chuyển đổi số cần phải thay đổi phương thức tác nghiệp, tư duy đề tài, tiếp cận công chúng.
Bộ Thông tin và Truyền thông chúc mừng Đài TNVN. Ảnh: VOV |
Ngoài ra, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài đang phải sẵn sàng chuyển đổi phương thức làm việc. Tận dụng công nghệ để tác nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn; tối ưu nguồn nhân lực. Một phóng viên giờ đây không chỉ làm nhiệm vụ viết tin, họ phải có nhiều kỹ năng khác như kỹ năng sản xuất bằng nhiều loại phương tiện, kỹ năng truyền tin trực tiếp từ hiện trường, kỹ năng phân phối nội dung trên nền tảng số, kỹ năng phối hợp giữa các đơn vị làm tin để có tin tổng hợp… Có thể khẳng định rằng, sự đổi mới công nghệ, máy móc sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu phóng viên, biên tập viên không biết sử dụng và không sẵn sàng để học hỏi, cập nhật công nghệ mới.
PV: Như Tổng Giám đốc vừa cho biết, dù chúng ta có chuyển đổi đến đâu, từ cách tác nghiệp, tư duy đề tài hay phương thức phân phối nội dung, thì mục tiêu cuối cùng cũng là để giữ chân khán, thính giả, độc giả. Vậy, cơ quan báo chí nói chung và Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng cần làm gì để thực hiện mục tiêu này?
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ: Điều mà mạng xã hội có thể thu hút được nguồn quảng cáo lớn đến vậy là họ đã thu thập một khối lượng dữ liệu lớn từ người dùng qua thói quen tìm kiếm để đưa ra các gợi ý quảng cáo phù hợp cho từng nhóm đối tượng khách hàng. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhiều cơ quan báo chí cũng đang làm công việc tương tự. Họ có những công cụ phân tích dữ liệu lớn để đo đếm, thu thập thói quen đọc tin tức hàng ngày của người dân, những điều từng nhóm đối tượng công chúng quan tâm để sản xuất tin tức mà công chúng cần. Ví dụ, người cao tuổi thích đọc tin về sức khỏe, các bạn trẻ thì lại thích những ca khúc, những bài hát sôi động, đối với tuổi trung niên thì thích ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Cần phải phân tích xu thế về độ tuổi, giới tính, ngành nghề .. điều này đang trở thành xu thế. Đây là một trong những yêu cầu đặt ra là một số bộ phận sản xuất nội dung của Đài Tiếng Nói Việt Nam chúng tôi cũng đã và đang thực hiện điều này.
PV: Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025. Mục tiêu chung của dự thảo Chiến lược là báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ. Theo ông, khi đạt được những mục tiêu của Chiến lược này, thì báo chí nói riêng và xã hội nói chung sẽ được hưởng lợi như thế nào?
Tổng Giám đốc Đài TNVN Đỗ Tiến Sỹ chia dù công nghệ có phát triển đến đâu, AI (trí tuệ nhân tạo) có thông minh đến đâu có thể giúp nhà báo hiểu rõ công chúng đến đâu, thì điều cốt lõi nhất vẫn là con người – là những nhà báo đang có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống, với đạo đức nghề nghiệp trong sáng, với trách nhiệm xã hội cao cả của mình, sẽ là những người dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, hướng con người đến vẻ đẹp chân – thiện – mỹ.
Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ: Tôi cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Đài Tiếng nói Việt Nam đang tính toán những bước tiếp theo theo hướng như vậy, Hiện nay, một số cơ quan báo chí còn dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo để quét các dòng tin trên mạng xã hội, để biết đâu là những nhóm tin tức đang được công chúng quan tâm để sản xuất tin bài.
Khi công chúng tìm kiếm được các tin tức hữu ích với chính bản thân mình, đáp ứng được nhu cầu thông tin họ sẽ trung thành với tờ báo, hay chương trình phát thanh, truyền hình đó. Và tất nhiên, trong nỗ lực của các cơ quan báo chí, thì trong dó có Đài Tiếng Nói Việt Nam công chúng cũng là người được hưởng lợi. Công chúng có nhiều sự lựa chọn các kênh tiếp nhận thông tin. Đồng thời, họ được tiếp nhận các thông tin đúng nhu cầu, sở thích và sự quan tâm của mình mà không phải mất thời gian chọn lọc, tìm kiếm.
Và, đặc biệt đó là những thông tin tin cậy, có kiểm chứng được thực hiện bởi các nhà báo có chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp chứ không phải những thông tin giật gần, câu khách có nhiều trên mạng xã hội như hiện nay.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông.