(VOV5) - Hiệp hội dệt len của Australia thời gian qua đã triển khai những dự án nhằm tư vấn và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ len dạ. Đây là những bước đi ban đầu nhằm kết nối ngành dệt len giữa hai nước trước thềm Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương.
Trong chuyến công tác tại Australia, nhóm phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Rajesh Bahl, quản lý phát triển thị trường Hiệp hội len Australia về triển vọng hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực dệt may.
Nhóm phóng viên VOV phỏng vấn ông Rajesh Bahl
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, chúng tôi được biết Hiệp hội dệt len Australia cũng đã quan tâm tới thị trường Việt Nam. Ông tìm thấy cơ hội phát triển như thế nào ở thị trường Việt Nam?
Ông Rajesh Bahl: Hiệp hội dệt len Australia có dự án ở Việt Nam. Dự án của chúng tôi tập trung vào phát triển sản xuất chuỗi cung ứng, cụ thể là mở nhà máy cung cấp nguồn nguyên liệu cho hàng dệt len ở Việt Nam. Với dự án của chúng tôi, ngành dệt may của Việt Nam sẽ giảm được phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác và có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế bởi các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ.
Khi chúng tôi có ý tưởng thiết kế dự án này, một số đối tác của chúng tôi đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để tiếp cận với thị trường dệt len Việt Nam, trong đó có một nhãn hiệu được chúng tôi rất quan tâm, đó chính là Canifa. Chúng tôi hướng đến cung cấp nguyên liệu cho thương hiệu này để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Hiện tại chúng tôi đang xem xét các điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển dự án tại Việt Nam.
PV: Hiệp hội len Australia đã hợp tác với các hãng sản xuất len sợi ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Rajesh Bahl: Kể từ khi bắt đầu thực hiện dự án ở Việt Nam từ năm 6/2012 tới nay, ban đầu 20 người thuộc một số công ty Việt Nam tham gia dự án, đến nay Hiệp hội đã có hơn 90 đối tác ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Sau khi chuyển giao công nghệ, các hãng sản xuất tiếp nhận rất tốt để không những phát triển được ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Điển hình có những doanh nghiệp hợp tác với chúng tôi đã phát triển rất tốt, trong đó có Canifa, dệt Đông Xuân, dệt Sài Gòn…
PV: Việt Nam cần điều kiện gì để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Australia, cả về tận dụng lợi thế lẫn vượt qua thách thức, khó khăn, thưa ông?
Ông Rajesh Bahl: Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, cả Việt Nam và Australia sẽ được hưởng lợi. Cơ hội cho cả đôi bên là rất lớn khi cánh cửa thương mại được mở rộng, thị trường xuất khẩu đa dạng hóa. Việt Nam và Australia có thể hợp tác về cung cấp nguyên liệu và tăng cường trao đổi hàng hóa, trong đó có mặt hàng dệt may.
PV: Theo đánh giá của ông, những sản phẩm len, dạ nào của Việt Nam sẽ được Australia quan tâm đầu tư trong thời gian tới?
Ông Rajesh Bahl: Sau khi tìm hiểu về thị trường Việt Nam, có doanh nghiệp vào của Việt Nam quan tâm đến vấn đề len sợ, chúng tôi nắm bắt nhu cầu của họ và cử chuyên gia đến hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc về xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ dịch vụ kiểm định, nghiên cứu và phát triển về kéo sợi, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.
Chúng tôi tổ chức các đoàn chuyên gia và doanh nghiệp từ các nước như Nhật, Hàn Quốc sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường thông qua các hội thảo, triển lãm và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Rajesh Bahl chụp ảnh chung với nhóm phóng viên VOV
PV: Ông đánh giá như thế nào về các sản phẩm dệt may của Việt Nam, liệu các sản phẩm này có thể tiếp cận những thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Australia, thưa ông?
Ông Rajesh Bahl: Hiệp hội của chúng tôi không hoạt động nhiều về đầu tư, mà chủ yếu đóng vai trò tư vấn và hỗ trợ để biến các sản phẩm thô thành những sản phẩm có giá trị gia tăng.
Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam có thể tận dụng cơ hội làm việc với các chuyên gia trên thế giới để đào tạo. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý việc tập trung xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường thế giới thông qua việc tham dự các hội thảo, triển lãm quốc tế; đồng thời xây dựng đội ngũ kết nối và mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài. Ngành dệt may của Việt Nam có tiềm năng rất lớn và có nhiều cơ hội, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định Thương mại Tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông.