Triển vọng thương mại & đầu tư Việt Nam và Vương quốc Anh hậu Brexit

(VOV5) - Trong các dự án của Anh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai khoáng công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản , ngân hàng...

Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo “Triển vọng kinh tế - thương mại Việt Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh” được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Có khoảng 100 đại biểu Việt Nam và nước ngoài tại điểm cầu Hà Nội kết nối với các điểm cầu tại Anh cùng một số điểm cầu khác tại doanh nghiệp thông qua nền tảng họp trực tuyến quốc tế. Nhân sự kiện này, PV Đài TNVN phỏng vấn bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương về quan hệ kinh tế - thương mại 2 chiều Việt Nam và Vương Quốc Anh hậu Brexit:

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

  PV: Trước tiên, xin bà chia sẻ về tiềm năng thương mại 2 chiều Việt Nam và Vương Quốc Anh cũng như khả năng khai thác tiềm năng này của Việt Nam thời gian qua?

Việt Nam và Anh đã có quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Năm 2010 Việt Nam và Anh cũng đã ký Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược, kim ngạch xuất khẩu song phương cũng tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, phải đến năm 2017 kim ngạch song phương mới đạt được mức 6,2 tỷ đô la Mỹ và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm. Đến năm 2019 tổng kim ngạch thương mại đã đạt được 6,6 tỉ đô la Mỹ. Như vậy có thể nói, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh thời gian vừa qua đã có tăng trưởng tốt. Nếu tính EU có 28 quốc gia thì Anh là đối tác thương mại đứng thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Hà Lan).

Triển vọng thương mại & đầu tư Việt Nam và Vương quốc Anh hậu Brexit - ảnh 1 Các FTA mở cơ hội để doanh nghiệp kết nối khách hàng, tăng xuất khẩu. - 
Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Việt Nam luôn xuất siêu sang Anh trung bình hằng năm khoảng 5 tỷ đôla Mỹ. Chúng tôi cho rằng đây là tiền đề rất tốt để phát triển thương mại song phương. Hai nước, về thương mại, các mặt hàng đều bổ trợ cho nhau. Việt Nam xuất khẩu chính sang Anh các mặt hàng rau quả, hải sản, hạt điều, hàng dệt may, giày dép, v.v. Và đặc biệt là trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thì có đến 25-30% cũng là các mặt hàng điện tử, tương tự như là xuất khẩu của Việt Nam đi các đối tác khác. Việt Nam nhập khẩu chính từ Anh là những mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, các sản phẩm công nghệ cao… đều là những mặt hàng Việt Nam rất cần cho nhu cầu trong nước của Việt Nam. Do vậy, với tính chất bổ trợ như thế này thì chúng tôi nhìn thấy triển vọng phát triển thương mại song phương trong thời gian tới là rất tốt và có nhiều triển vọng. 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc Anh rời khỏi EU, Việt Nam mất đi ít nhiều cơ hội thương mại ở thị trường này bởi trong quá trình đàm phán EVFTA, Anh cũng là một thành viên và là thị trường có nhiều tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Quan điểm của bà như thế nào?

Việc Anh rời EU thì có những ý kiến cho rằng có thể không thuận lợi nhưng hai bên đang cố gắng để khắc phục và thậm chí là khai thác những thế mạnh từ việc Anh rời khỏi EU này. Anh khi rời khỏi EU thì Anh trở thành một thị trường độc lập. Trước đó ta đã luôn xuất siêu sang Anh. Hằng năm là khoảng 5 tỷ đôla Mỹ. Tám tháng đầu năm (ta có thể tạm gọi là tám thàng Brexit, ta cũng xuất siêu sang Anh 3 tỷ đô la Mỹ. Trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 như thế này thì tôi nhìn thấy rằng tăng trưởng thương mại Việt Nam với Anh như vậy là tốt, và hai bên cũng đang nỗ lực để khai thác những tiềm năng của từng nước có - trong bối cảnh vẫn tận dụng được ưu đãi trước đó của EVFTA và hai bên lại có những ưu thế bổ trợ lẫn nhau.

PV: Việt Nam và Anh đang thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định FTA song phương. Điều này sẽ mở ra cơ hội như thế nào trong hợp tác kinh tế của cả 2 bên?

Cũng không chỉ riêng với Việt Nam, Anh do trong bối cảnh Brexit, Anh cũng đã thúc đẩy đàm phán với nhiều đối tác khác. Hai bên đã thống nhất là đàm phán ký Hiệp định FTA Việt Nam - Anh trên cơ sở Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU. Chỉ có những vấn đề mang tính kỹ thuật, chẳng hạn như là những ưu đãi trước đây EU dành cho Việt Nam như là một cái lượng tổng thể thì bây giờ hai bên cần cụ thể hóa ra, chi tiết hóa ra để thành ra những ưu đãi dành cho song phương giữa Việt Nam và Anh, và một số nội dung khác mang tính kỹ thuật như là Anh là một thực thể riêng, và một số vấn đề khác biệt giữa Anh và EU… thì đấy là những vấn đề kỹ thuật hai bên đang cố gắng thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán FTA.

Hai bên cũng mong rằng với nỗ lực của mình thì đàm phán này có thể kết thúc vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng kể cả trong trường hợp hai bên chưa thể kết thúc được đàm phán cuối cùng vào cuối năm nay thì với quan hệ song phương tốt đẹp như hiện nay, tôi tin rằng thời gian chuyển tiếp cho việc áp dụng những ưu đãi dành cho nhau cho đến khi đạt được thống nhất cuối cùng của FTA Việt Nam – Anh.  

PV: Cùng với thương mại xuất nhập khẩu, Vương quốc Anh còn là quốc gia có nguồn đầu tư lớn vào Việt Nam (đứng thứ 16 trong số 137 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam). Bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam từ nguồn vốn này?

Anh là nước công nghiệp phát triển, có những ưu thế về công nghệ cao, về phát triển khoa học công nghệ và cả những lĩnh vực truyền thống như lĩnh vực y tế, lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng…Hiện nay trong các dự án của Anh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai khoáng công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản , sau đó là những lĩnh vực ngân hàng và tài chính, bảo hiểm. Những công ty của Anh đầu tư tại Việt Nam đều là những cái tập đoàn lớn trên thế giới, có thể kể đến như Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, ngân hàng HSBC, bảo hiểm Prudential… Trong đó, 2 ngân hàng Standar Chaartered Bank và Ngân hàng HSBC là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.

Tôi cho rằng trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Anh để Hiệp định này sớm được ký kết và đi vào hiệu lực. Ngoài ra thì Việt Nam cũng đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ để phát triển ngành năng lượng xanh thông qua chia sẻ kiến thức, hỗ trợ triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ các dự án về năng lượng tái tạo v.v. của Việt Nam. Ngoài ra, thông qua hoạt động của Ủy ban hỗn hợp, hai bên sẽ cùng nhau rà soát những hoạt động của các dự án tại Việt Nam, xem các doanh nghiệp của Anh có gặp những vướng mắc cụ thể như thế nào để Chính phủ Việt Nam có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho những nguồn vốn của Anh được đầu tư hiệu quả. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác