(VOV5) - Trong những năm vừa qua, khi tình hình chung của LB Nga có nhiều thay đổi, nhiều chính sách mới ra đời, cộng đồng người Việt tại LB Nga nói chung và doanh nghiệp Việt tại đây đã tồn tại, thích ứng, phát triển như thế nào, là vấn đề mà ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5.
Ông Đỗ Xuân Hoàng cũng là Tổng Giám đốc Công ty "Mareven Food Central", một công ty đang hoạt động hiệu quả trên thị trường thực phẩm Nga.
Chủ tịch Hội người Việt tại LB Nga, tiến sĩ Đỗ Xuân Hoàng đang phát biếu trong hoạt động thường niên của cộng đồng tri ân các cựu chuyên gia Nga từng giúp đỡ Việt Nam. - Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Pv: Thưa ông Đỗ Xuân Hoàng, mọi người cũng đã biết cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga tương đối lớn và phát triển. Nhưng trong cộng đồng đó thì vị trí của các doanh nghiệp người Việt là như thế nào và ra sao?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Về doanh nghiệp, phải nói rằng nền tảng tồn tại của cộng đồng ở bất cứ đâu cũng là kinh tế, nên việc duy trì được nền tảng đấy chính là bản chất của việc có duy trì được cộng đồng hay không. Thành ra mối quan tâm hàng đầu vẫn là kinh tế phải đủ, phải mạnh thì mới được.
Nói về kinh tế cộng đồng ở Nga xưa nay căn bản nhất vẫn là kinh tế tiểu thương. Đó là các hoạt động liên quan đến bán hàng ở chợ, nhập khẩu và dịch vụ xung quanh. Đó là nguồn lực rất lớn và đem lại đa số các tích lũy của cộng đồng mình để cho họ duy trì được cuộc sống. giúp đỡ quê hương và gửi về nước rất nhiều.
Bây giờ có một thay đổi rất lớn ở Nga, là việc quản lý kinh tế chợ ngày càng chặt lại. Đấy là quá trình không đảo ngược được, chỉ có điều nước Nga rất rộng, lại có nhiều vấn đề nội bộ, thành ra quá trình đó tiến không nhanh như Đông âu, nó chậm hơn, nhưng cái đích cuối cùng là như vậy.
Pv: Những biến động đó có ảnh hưởng như thế nào đối với doanh nghiệp người Việt ở Liên bang Nga?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Thách thức lớn nhất là đối với đa số kinh tế tiểu thương của mình. Đứng trước tình hình đấy có ba cách tiếp cận vấn đề. Thứ nhất là người ta không thích ứng được hoặc không đủ năng lực để thích ứng, thì họ rút về Việt Nam. Đấy là điều rất đáng tiếc, bởi vì dù ít dù nhiều họ đã có kinh nghiệm làm việc ở bản địa, họ đã biết địa lý, biết thói quen của người dân rồi nên bỏ thị trường ấy đi là một điều rất đáng tiếc.
Nhóm thứ hai tìm cách để vẫn tiếp tục công việc của mình, nhưng thích ứng hơn với yêu cầu mới - là yêu cầu doanh nghiệp phải đàng hoàng hơn, tuân thủ luật pháp, chi phí cũng phải nhiều hơn lên. Họ tiếp tục cái mà họ hiểu biết nhất và có kinh nghiệm nhất.
Nhóm thứ ba là tìm kiếm các cách thức đầu tư khác, cách thức làm việc khác. Đây là nhóm rất tốt, rất hay, bởi vì nếu các nguồn lực càng đa dạng, thì khả năng tồn tại của người ta càng cao. Khi người ta vào các hướng mới, tất nhiên trong quá trình này cũng sẽ có sự không thành công, nhưng mà ai còn lại là sẽ chắc chắn, vững vàng ở hướng đó. Chọn lọc tự nhiên mà!
Pv: Ví dụ như là các doanh nghiệp may mặc, phải không ạ? Đã có hội doanh nghiệp về may mặc của người Việt tại Liên bang Nga với những hoạt động từng rất hiệu quả về mặt văn hóa trong cộng đồng.
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Trong một thời gian chắc là các bạn nghe thấy về hướng may mặc. Ngành nghề đấy tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, tạo ra một số doanh nghiệp với khả năng tiếp cận với sản xuất và cả phân phối, là cái rất mới đối với người Việt Nam. Tất nhiên sau một thời gian những xưởng đấy cũng không còn nhiều. Nhưng những người còn lại là những người có năng lực tồn tại. Ta lại có một ngành mới.
Vừa rồi nở rộ các nhà hàng ăn uống. Đó cũng lại là một sự khởi đầu mới. Mở ra rất nhiều. Chắc chắn một thời gian sau quy luật cạnh tranh thị trường sẽ làm cho một số rơi rụng đi, nhưng những người còn lại sẽ nâng tầm nghề nghiệp mới lên. Đấy là một điểm dương mà tôi nghĩ thời gian vừa rồi cộng đồng với năng lực thích nghi của mình đã làm được.
Pv: Về những hoạt động của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga nói riêng và ở các nước nói chung, với kinh nghiệm của ông là một người vừa hoạt động doanh nghiệp vừa hoạt động cộng đồng khá lâu năm, thì Nhà nước có thể hỗ trợ gì để cho những hoạt động này hiệu quả hơn đồng thời cũng hỗ trợ được các doanh nghiệp?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Nói rằng đem lại hiệu quả gì lớn lao từ hoạt động nghiệp dư là không có. Trông chờ trước mắt vào sự hỗ trợ hay là sự ủng hộ lớn từ phía cơ quan nhà nước sang cũng rất là khó. Bởi vì bản thân mình kinh phí không nhiều, nước mình còn nghèo nên phải tự cố gắng. Nhưng có một cái tôi nghĩ rằng có thể mong chờ được, tức là tính chuyên nghiệp.
Nhà nước nên lưu ý việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động bên ngoài có tính chuyên nghiệp hơn. Nguồn lực vốn eo hẹp nên khi chuyên nghiệp hơn thì hiệu quả của nguồn lực sẽ cao hơn. Nói nguồn lực không có là không đúng! Có nguồn lực, nhưng mà nó phân tán quá. Nên nếu tổ chức, sắp xếp, hướng dẫn được như trong nước ví dụ đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, một số cơ quan,… người ta có thể làm được nếu có một cách tiếp cận hiện thực hơn với vấn đề.
Còn tất nhiên mình kêu gọi. Những việc đấy xưa nay mình vẫn làm. Phải nói thêm rằng người Việt Nam mình kể cả sinh ra ở nước ngoài vẫn là người Việt Nam, vẫn gắn bó, vẫn thích thú. Ngay mấy đứa con mình đẻ nước ngoài, khi lớn lên tiếng Việt nói vừa phải thôi, tiếng Anh tiếng Nga tốt hơn tiếng Việt, nhưng ví dụ mình nhìn thấy những thư từ chúng viết cho nhau, những con dấu chúng làm cũng lấy những biểu tượng Việt Nam. Tức là nó cảm thấy nó là người Việt. Tự nó ý thức được chuyện đấy. Nên việc kêu gọi, mình nghĩ không phải là vấn đề lớn, vì người ta có ý thức và người ta tự hào thật. Vì đất nước phát triển lên, ảnh hưởng, vị thế của mình tăng lên thì người ta cũng thấy phấn khởi. Nhưng bây giờ sử dụng nguồn lực bên ngoài cho hiệu quả là phải có phương pháp. Còn cứ kêu gọi để tự phát thì hiệu quả sẽ đến mức độ nhất định thì nó dừng lại.
Pv: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này