TS Lê Nguyên Phương: Làm sao để chuyên gia nước ngoài có động lực giúp Việt Nam lâu dài

(VOV5) -  Nhiều chuyên viên ngành tâm lý trong nước rất cần những khóa tập huấn để nâng cao tay nghề.

Trong giải sách hay của Quỹ Phan Châu Trinh vừa qua, có một cuốn sách đoạt giải trong hạng mục Giáo dục, là hai tập Dạy con trong hoang mang của tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người Việt ở Mỹ.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trò chuyện với phóng viên VOV5 về công việc mà ông đang nỗ lực hết mình theo đuổi hơn chục năm nay: phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực cho một ngành tâm lý học đường của Việt Nam, kể cả trong việc viết sách về giáo dục con em trong gia đình, như đã làm cuốn Dạy con trong hoang mang

TS Lê Nguyên Phương:  Làm sao để chuyên gia nước ngoài có động lực giúp Việt Nam lâu dài - ảnh 1
 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa tiến sĩ Lê Nguyên Phương, với những vốn liếng đã có trong lĩnh vực tâm lý học đường, tâm lý giáo dục, cũng như sự nhiệt tâm đóng góp vào ngành tâm lý tại Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về lực lượng nhân sự trẻ của ngành này trong nước?

TS Lê Nguyên Phương: Tôi nghĩ là tôi ở từ xa, nên tôi chỉ có thể mỗi lần về nước hay điện đàm với bạn bè thân hữu, đồng nghiệp ở trong nước… thì tôi chỉ đóng góp một phần cho công việc chung mà thôi. Các anh em ở trong nước vẫn đứng đầu sóng ngọn gió mà nỗ lực học tập nâng cao tay nghề, nỗ lực tích lũy kinh nghiệm để mỗi ngày có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cho phụ huynh, học sinh. Tôi về thấy một loạt anh em trẻ, trình độ tiếng Anh giỏi, tha thiết cầu học. Điều đó làm tôi rất mừng… Tôi qua Hoa Kỳ vừa mưu sinh mà vừa yêu nghề này nên mới theo đuổi học, chắc chắn sẽ không bằng các em toàn tâm toàn ý yêu nghề. Tôi tin tưởng vào các em.

Chỉ có điều các em đừng vướng quan niệm cây đa cây đề của Việt Nam, đừng nghĩ có cây đa cây đề nào mình không vượt qua, nhưng cũng đừng nghĩ có ngày nào đó mình sẽ trở thành cây đa cây đề. Vì khi đặt ra một mục tiêu là chính các bạn đã tự giới hạn các bạn. Chúng ta chỉ cần một định hướng để tiếp tục mà đi. Vui hưởng cảnh đẹp bên đường và đi càng xa càng tốt. Và thành công có nghĩa là mình đi trên con đường đó mà thấy hạnh phúc, vui vẻ, và ngày càng giúp được nhiều người xung quanh.

PV: Cả chục năm đi về Việt Nam làm việc, hầu hết trong số đó là do ông cũng như các chuyên gia trong tổ chức Liên hiệp tâm lý học đường thế giới tự bỏ tiền túi đi về, ông thấy việc đưa các chuyên gia nước ngoài về nước tham gia cùng các hoạt động trong ngành của Việt Nam có gì đáng lưu ý?

TS Lê Nguyên Phương: Tôi nghiên cứu tư duy hệ thống.  Hệ thống đây không có nghĩa là nhà nước! Tư duy hệ thống để thấy tính chất ràng buộc lẫn nhau, quan hệ chằng chịt lẫn nhau giữa những yếu tố cấu tạo nên một tập thể  (như gia đình, gia đình với các gia đình khác, nhà trường, quốc gia… vv…)  chứ không phải hệ thống chỉ là guồng máy của chính quyền. Muốn giải quyết một vấn đề hệ thống thì các thành viên hệ thống phải có chung một định hướng và cùng làm việc với nhau, và làm tốt việc của chính mình.

Làm việc ngoài tri thức ai cũng cần động lực. Ngày từ lần đầu về Việt Nam năm 2009 cùng các bạn tôi, tôi đã nói giỡn, là có 3 yếu tố để các bạn có thể có động lực để làm ở Việt Nam lâu dài: thứ nhất là niềm vui, thứ hai là thấy công việc của mình có ý nghĩa, thứ ba là cái lợi.

Tôi không dám nói là tất cả những người Mỹ đều có hội chứng Việt Nam, nhưng họ đều nghĩ về Việt Nam như việc có thế đóng góp được gì, và họ cảm thấy có một sự gắn bó nào đó, thay vì đi qua một nước Phi Châu thì về Việt Nam có một ý nghĩa nào đó. Trong tổ chức của tôi có hai giáo sư, cả hai nay đều đã về hưu, một là từng là cựu chiến binh Hoa Kỳ đóng ở Đà Nẵng và TP HCM, một từng phản chiến, chạy trốn qua Canada. Hai ông đều tham gia tổ chức của tôi để về Việt Nam. Có niềm vui, nhưng cũng thỏa mãn lý tưởng để phục vụ nhân quần của mình.

Nhưng cái thứ ba không thể thiếu được là cái lợi. Lợi có nhiều mặt lắm, đối với các GS đó, có thể là có việc hợp tác với một trường đại học, ở Việt Nam sẽ nghiên cứu thêm, với tính chất tâm lý quốc tế đa văn hóa. Có thể là một dịp ông ta khoe thành tích đối với các hiệu trưởng của họ. Nhưng không ai làm việc đó nếu phải móc tiền túi ra thường xuyên….Và những vị GS đó có thể giảng dạy 3 tiếng đồng hồ là 5000 USD từ những tổ chức quốc tế trả cho họ để tổ chức những khóa tập huấn, nhưng khi về Việt Namgiảng dạy hoàn toàn miễn phí, hoặc chỉ nhận 200-300 USD họ cũng vui vẻ.

Quả thật không có cái "lợi" thì khó. Hiện nay tôi bị tình trạng “mất máy”. Tức là có một số vị khi về hưu, họ không còn cái tha thiết bỏ tiền túi để đi về Việt Nam, ngoài chuyện khi về hưu thì tài chính eo hẹp hơn, thì cũng không còn nhu cầu với trường của họ…

PV: Có một giải pháp nào dễ thực hiện hơn cả cho vấn đề này không thưa ông?

TS Lê Nguyên Phương:  Thành thật mà nói không cần nguồn tài chính kinh khủng nào. Anh em trong CASP-I có một mạng lưới gồm những chuyên gia đã về hưu. Họ muốn đi du lịch. Cả chục năm nay trên thế giới có hình thức du lịch từ thiện, du lịch giáo dục… để hiểu biết thêm một nền văn hóa. Tại sao không có những chuyên du lịch của các chuyên gia về giảng dạy một khóa tập huấn? Nhiều khi họ chỉ cần một cái vé máy bay, một vài ngày ở khách sạn…Tôi nghĩ những cái đó trong tầm tay.

CASP-I đang cố gắng làm những việc đó. Đưa những chuyên gia về tổ chức các khóa tập huấn cho các chuyên viên trong nước đang hành nghề, vì trong nước rất cần những khóa tập huấn để nâng cao tay nghề cho họ. Giải quyết vấn đề đó không có gì tốt bằng có những chuyên gia nước ngoài và họ có  thời gian và chúng ta tạo điều kiện cho họ về đây vừa giảng dạy, vừa tham quan đất nước Việt Nam.

PV: Thế còn dự định riêng của ông?

TS Lê Nguyên Phương:  Một ngày tôi cũng về hưu. Lúc đó chỉ còn là lo vấn đề sức khỏe và tài chính để còn về Việt Nam làm việc. Còn nhiệt tình tôi không nghĩ nó suy giảm chút nào. Không phải là mình lý tưởng hóa lòng yêu quê hương đất nước, mà tôi còn thích một đời sống năng động, gặp bạn bè cùng chí hướng… Mà về đây cái tình cảm giữa những người Việt Nam với nhau rất quý. Nhưng nếu những cơ chế, những trở ngại vẫn còn chồng chất, thì có lẽ đôi khi mình vẫn thất vọng một chút, thấy làm quá lâu mà kết quả đạt được giúp cho phụ huynh học sinh vẫn còn quá ít, thì cũng phải xét lại xem có phương cách nào tốt nhất.  Cuốn Dạy con trong hoang mang của tôi có thể là một hướng khác để hỗ trợ phụ huynh học sinh trong việc nuôi nấng và dạy trẻ cho chúng mỗi ngày một thành công và hạnh phúc hơn, mà chỉ tốn chất xám thôi.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác